CSVN – Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước gắn liền với sự hy sinh, chịu thương, chịu khó cùng tinh thần bất khuất, kiên trung của các tầng lớp chị em phụ nữ Việt Nam. Và sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào ngày 20/10/1930 đã khẳng định vai trò của người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với sứ mệnh lịch sử của Đảng, của đất nước.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của nước ta, từ cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc của Hai Bà Trưng thắng lợi đã khắc dấu son đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đó phụ nữ Việt Nam đã có tâm thế vững vàng trong xã hội và khẳng định vị thế trước những vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc và trong mỗi gia đình.
Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, thống nhất đất nước, chúng ta không thể quên những tấm gương hy sinh anh dũng của chị Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu… Câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch “còn cái lai quần cũng đánh”, hay chị Võ Thị Thắng – một chiến sĩ biệt động Sài Gòn bị bắt, bị tòa án quân sự tay sai tuyên án 20 năm tù, chị đã đáp lại bằng nụ cười đầy kiêu hãnh “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không”. Câu nói ấy, nụ cười ấy đã đi vào lịch sử, chạm đến bao trái tim thế hệ hôm nay.
Sự hy sinh mất mát to lớn của nhiều chị em phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành tự do độc lập; đó là sự chịu đựng nỗi đau thể xác của chị Trần Thị Lý với đòn tra tấn dã man “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” hay nỗi đau về tinh thần của mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có đến 12 bằng Tổ quốc ghi công. Các bà mẹ Việt Nam có nhiều nỗi đau và sự mất mát to lớn, các mẹ hiện thân của sự chịu đựng những mất mát hy sinh. Các mẹ trở thành bất tử, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ nối tiếp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đánh giá cao và ghi nhận những cống hiến to lớn của phụ nữ Việt Nam, Bác Hồ đã khen tặng tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Trong thời đại mới, phụ nữ Việt Nam tiếp tục sứ mệnh của mình, trở thành những nhân tố quan trọng trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Nhiều chị là lãnh đạo cao cấp của Trung ương, của tỉnh, của doanh nghiệp; nhiều doanh nhân tài giỏi được vinh danh cả trong nước và các tổ chức quốc tế thừa nhận. Để đạt được những thành công như vậy các chị phải hy sinh, nỗ lực phấn đấu rất nhiều; phong trào Hai giỏi như một cơ hội – thách thức đức chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam.
Hiện nay lực lượng lao động nữ chiếm 43% trong gần 80 ngàn lao động của toàn Tập đoàn, họ đang ngày đêm miệt mài góp phần tạo ra của cải vật chất ở tất cả nhiều lĩnh vực sản xuất chính của VRG. Đáng chú ý nhất là đa số nữ công nhân khai thác, sương nắng bám trụ vườn cây, nhà máy, nhiều chị có tay nghề giỏi, kết quả của các cuộc thi thợ giỏi toàn ngành đã thể hiện sinh động điều đó. Các chị luôn đạt thứ hạng cao, nhiều Bàn tay vàng, kiện tướng trong cuộc thi sòng phẳng với nam công nhân trong nghề. Trong công tác quản lý rất nhiều chị trưởng thành từ phong trào được đề bạt vào vị trí lãnh đạo tại hầu hết các cấp: tổ – đội – nông trường – công ty.
Tin rằng với phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành cao su Việt Nam, chị em công nhân cao su sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời đại mới, để phụ nữ Việt Nam mãi mãi được tôn vinh, trân trọng, tự hào.
MINH ANH
Related posts:
- Doanh nghiệp ứng phó với sự cố truyền thông
- 325 thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên
- Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức cho hội viên đi thực tế tại huyện Chư Pưh và Chư Sê
- Khai mạc Hội diễn "Tiếng hát công nhân cao su" khu vực IV
- Phát huy giá trị truyền thống, chăm lo tốt đời sống người lao động
- Hoàn tất công tác chuẩn bị Hội thi "Tiếng hát CN cao su" khu vực II
- Bản tin chuyên đề mừng Xuân Giáp Thìn 2024
- Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế
- Dân ca ví, giặm - Tìm về mạch nguồn yêu thương
- Vững tin!