CSVN – Đó là chỉ đạo của ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG tại buổi làm việc với các đơn vị cụm 3 khu vực Campuchia, vào ngày 22/10. Để đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh các đơn vị phải tập trung củng cố vườn cây và phương án tổ chức sản xuất trong giai đoạn khó khăn.
Tăng cường nguồn nhân lực
Tại buổi làm việc, lãnh đạo VRG đã được nghe đại diện các công ty báo cáo kết quả SXKD 10 tháng đầu năm, phương hướng quý IV. Theo đó, Công ty CPCS Krông Buk – Ratanakiri đạt nhiều kết quả khả quan khi khai thác được trên 70% kế hoạch, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập bình quân của NLĐ được đảm bảo. Trong khi đó, tình hình SXKD của Công ty TNHH PTCS Hoàng Anh – Mang Yang K còn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình khó khăn của Cao su Hoàng Anh – Mang Yang K, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG cho rằng: “Về giải pháp để khắc phục khó khăn cho đơn vị, công ty cần có phương án để sớm tổ chức lại sản xuất ngay trong năm 2024, nói một cách khác là tái cơ cấu sản xuất có tầm nhìn 5 năm, 10 năm tới. Điều này, cần được công ty thực hiện ngay trong quý IV. Trong đó tập trung vào 2 vấn đề là phương án tái canh lại và tái cơ cấu về mặt tài chính”. Đánh giá về hiệu quả của 2 đơn vị tại cụm 3 khu vực Campuchia, ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG nhận xét, trong quá trình triển khai dự án thì vai trò của con người, tức nguồn nhân lực là hết sức quan trọng, là nhân tố quyết định đến hiệu quả của dự án. Do đó, ông Kha đề nghị Cao su Krông Buk – Ratanakiri và Cao su Mang Yang – Ratanakiri cần quan tâm và tăng cường nguồn nhân lực, đặc biệt là Cao su Hoàng Anh – Mang Yang K , để đưa vườn cây và toàn dự án đạt được hiệu quả trong thời gian tới. Hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt, nhưng các đơn vị cụm 3 vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ ở mức bình quân từ 5,7 – 6,7 triệu đồng/người/tháng, các chế độ theo quy định được duy trì, các hoạt động bề nổi khác như phong trào thi đua nước rút, phong trào TDTT, VHVN được lãnh đạo các công ty chú trọng. Do vậy, NLĐ yên tâm gắn bó với đơn vị.
Trong phương hướng những tháng cuối năm 2023, lãnh đạo Cao su Hoàng Anh – Mang Yang K cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể khi tập trung giám sát và quản lý tay nghề NLĐ, kiểm soát các chi phí để đảm bảo theo kịch bản ứng phó với tình hình biến động của giá bán mủ.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Cao su Krông Buk – Ratanakiri cho biết, công ty phấn đấu cả năm khai thác đạt trên 10.000 tấn, vượt khoảng 7% kế hoạch; tiêu thụ cả năm 10.200 tấn, vượt 20%; doanh thu quý IV đạt trên 69 tỷ đồng, phấn đấu cả năm trên 315 tỷ, vượt 3%; lợi nhuận cả năm trên 41,6 tỷ và ổn định việc làm thường xuyên cho gần 1.200 NLĐ. Phấn đấu tiền lương đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng.
Tập trung củng cố vườn cây và chăm lo đời sống người lao động
Báo cáo và kiến nghị các giải pháp để cải thiện tình hình trong thời gian tới của Cao su Hoàng Anh – Mang Yang K, ông Đinh Vinh Quang – Phó GĐ phụ trách công ty cho hay, thời gian tới công ty vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, để thực hiện thành công kế hoạch năm tới và giữ chân NLĐ, tăng cường nguồn lực tài chính để công ty tập trung đào tạo, chăm lo NLĐ, công ty đề nghị lãnh đạo VRG, Công ty CP Mang Yang – Ratanakiri tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ.
Phân tích hiệu quả về SXKD, ông Trương Minh Trung cho rằng: “Chỉ có chính chúng ta mới hiểu được vườn cây của chúng ta, vườn cây nào hiệu quả đến đâu, năng suất thế nào, cần thanh lý sớm hay khai thác kéo dài để đáp ứng 2 chu kỳ cây cao su. Mong rằng vườn cây của Cao su Hoàng Anh – Mang Yang K sẽ sớm được củng cố và phát huy hiệu quả, qua đó đảm bảo tính hiệu quả của toàn dự án”.
Chủ tịch HĐQT VRG nhấn mạnh: “Để chăm lo NLĐ tốt hơn nữa trong thời gian tới, đồng thời giảm nợ vay, các đơn vị cần rà soát và kiểm soát tốt các chi phí tài chính, rà soát từng khâu một dù là nhỏ nhất, tiết kiệm tối đa các khoản chi không cần thiết. Công ty và công ty mẹ (Công ty CP Mang Yang – Ratanakiri) cần có phương án cụ thể để làm việc với lãnh đạo VRG trong thời gian sớm nhất, lãnh đạo Tập đoàn luôn sẵn sàng tạo điều kiện để tháo gỡ những khó khăn cho các đơn vị thành viên. Tuy khó khăn nhưng các công ty cần chú trọng chăm lo đời sống NLĐ, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục có sự quan tâm, chú trọng về tay nghề công nhân khai thác, tránh tình trạng thiếu kiểm soát tay nghề công nhân, qua đó làm hư hại vườn cây. Tay nghề công nhân tốt sẽ tạo nên vườn cây tốt, từ đó năng suất sản lượng sẽ được tăng lên, khó khăn sẽ từng bước được khắc phục”.
Trong vấn đề chăm lo đời sống NLĐ, các đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào việc tuyển dụng đủ lao động, ưu tiên tiếp nhận người dân quanh vùng dự án vào làm việc lâu dài cho công ty. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán và tạo điều kiện cho NLĐ yên tâm công tác. Chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ, chú trọng vấn đề trường học cho con em công nhân tại vùng dự án; thăm khám, cấp phát thuốc y tế miễn phí và các cơ sở vật chất thiết yếu như nhà ở, nước sạch, điện thắp sáng để người công nhân ổn định cuộc sống; cấp phát tiền lương, các chế độ chính sách; bảo hộ lao động, các chính sách hỗ trợ lao động nữ; bồi dưỡng độc hại cho công nhân lao động kịp thời, đầy đủ.
GIA LINH
Related posts:
- Ủy ban EU hoãn việc thực hiện luật chống phá rừng sau khi có sự phản đối trên toàn cầu
- Cao su Chư Păh phát triển toàn diện, bền vững
- Tặng 400 suất quà cho công nhân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Nông trường Ea Tir, Cao su Ea H’L...
- Gởi niềm tin vào mùa cạo mới
- Hào hứng tranh tài tại Hội thi Bàn tay vàng lần đầu tiên
- Nông trường Tavaeng I giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Krông Buk – Ratanakiri
- Các đơn vị miền núi phía Bắc năm 2021: Dự báo có nhiều khởi sắc
- Công tác xa nhà - Nỗi lòng người trong cuộc
- Noong Hẻo vững tin đón “vàng trắng”
- Cao su Phú Riềng: Tô thắm truyền thống Phú Riềng Đỏ hào hùng