CSVN – Mô hình xen canh cây cà phê dưới tán cao su tái canh thực hiện tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk thời gian qua đã nhận được nhiều kết quả khả quan. Đây là đề án được VRG chấp thuận và tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đất đai.
Mô hình đạt hiệu quả cao
Từ năm 2015 đến nay, công ty gặp khó khăn vì giá mủ cao su giảm; đồng thời, giá vật tư tăng và thị trường tiêu thụ khó khăn, dẫn đến sụt giảm hiệu quả kinh doanh và thu nhập của NLĐ. Do đó, công ty quyết định đa dạng hóa cây trồng, tập trung vào cây cà phê để cải thiện tình hình, tăng thu nhập cho NLĐ và người dân địa phương bằng mô hình xen canh cây cà phê dưới tán cao su tái canh.
Công ty xây dựng và thực hiện phương án khoán vườn cây đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công ty và người nhận khoán, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong vùng. Việc thực hiện phương án khoán trồng xen cây cà phê, cây ngắn ngày công ty luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của VRG, không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cao su.
Kết hợp trồng cây cà phê và cao su giúp tăng khả năng sinh lời và đa dạng nguồn thu. Cà phê có thời gian trưởng thành ngắn hơn cao su, do đó, trong quá trình chờ cây cao su phát triển, cây cà phê có thể mang lại thu nhập sớm cho người trồng. Công ty đã triển khai dự án trồng xen cây cà phê trong khu vực cao su trên diện tích khoảng 1.000 ha và giao khoán cho công nhân của công ty và người dân địa phương thực hiện. Phương thức giao khoán đã mang lại những hiệu quả tích cực, bao gồm tăng thu nhập cho công ty và công nhân nhận khoán.
Tăng thu nhập cho người lao động
Chia sẻ về mô hình trồng xen cà phê với cao su, ông Nguyễn Mậu Hiển – Giám đốc NT Ea Hồ Phú Lộc cho biết: “Mô hình này được triển khai ở hai NT thuộc Cao su Krông Buk từ năm 2015 – 2019, NT đã triển khai mô hình trồng xen cây cà phê với cây cao su trên tổng diện tích 895,53 ha. Mô hình này đã mang lại thu nhập bổ sung cho NLĐ và cải thiện đời sống của công nhân. Công ty đã quy hoạch, lựa chọn những vùng đất gần nguồn nước để trồng xen, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tưới tiêu và dễ dàng chăm sóc, khai thác cho công nhân”.
Chị H’ái Niê – Công nhân NT Ea Hồ Phú Lộc nói thêm: “Hiện tại tôi nhận khoán trên diện tích 2 ha, trồng được 1.280 cây. Tôi được hướng dẫn chăm sóc cây và tỉa cành, làm cỏ để đảm bảo cây cà phê phát triển tốt. Buổi sáng, tôi tham gia công việc cạo mủ, đến trưa khi kết thúc công việc tôi về nhà ăn cơm và nghỉ ngơi. Đến đầu giờ chiều tôi sẽ thực hiện chăm sóc cây cà phê. Kể từ khi nhận lô đất xen canh này, cuộc sống của tôi đã ổn định hơn. Thu nhập đều đặn, tôi có đủ tiền để cho con đi học, mua đồ dùng hàng ngày. Tôi cảm thấy mô hình này rất hữu ích cho bà con nông dân”.
Mô hình xen canh đã đóng góp vào việc tăng thu nhập và ổn định cuộc sống của người lao động, đồng thời đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương. Đây là mô hình rất thiết thực và đáp ứng nguyện vọng của người dân.
HẰNG NY
Related posts:
- Công đoàn Công ty 75 bàn giao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân khó khăn
- Ông Trần Hoàng Giang giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa
- Cao su Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập
- Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đạt nhiều thành quả nổi bật
- Trả lương tối thiểu vùng: Khó khăn trong tổ chức thực hiện
- Cao su Hòa Bình tổ chức thành công Hội thi Bàn tay vàng năm 2024
- CĐ Cao su Tân Biên chăm lo tốt người lao động để vượt qua đại dịch
- Cao su Sa Thầy xuất sắc thực hiện vượt tất cả các chỉ tiêu năm 2023
- Hăng hái ra quân đầu năm
- Hồ hởi tin vào một mùa bội thu