CSVN – Nhân dịp kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam, ông Trần Công Kha – UV BTV Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG đã trao đổi với Cao su Việt Nam về chặng đường 94 năm và định hướng của Tập đoàn trong thời gian tới.
– Năm 2023, kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2023), đồng thời kỷ niệm 126 năm cây cao su di nhập vào Việt Nam (1897 – 2023). Những năm qua, dù liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng VRG vẫn đạt được nhiều thành quả rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng an ninh, ổn định an sinh xã hội của đất nước. Xin ông cho biết đâu là nền tảng dẫn đến thành công đó?
Ông Trần Công Kha: Sự phát triển của ngành cao su Việt Nam nói chung và VRG nói riêng được tạo dựng từ quá trình chiến đấu, hy sinh và lao động miệt mài của các thế hệ công nhân, người lao động trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua. Ngành cao su Việt Nam tự hào có một truyền thống vẻ vang, gắn với công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc và xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Truyền thống đó được tạo dựng, vun đắp từ sự đóng góp bằng tâm sức, sinh mạng, trí tuệ của hàng vạn con người qua nhiều thế hệ.
94 năm qua, dù trải qua bao thăng trầm biến đổi, dòng nhựa trắng cao su – dòng chảy cuộc sống, vẫn luôn tuôn chảy, không ngừng được bồi đắp và kết tinh thành những giá trị truyền thống đặc sắc của ngành cao su, hòa vào dòng chảy của thời cuộc, của dân tộc, của đất nước, tạo thành sức mạnh trường tồn.
Chào mừng kỷ niệm 94 năm truyền thống, VRG phối hợp cùng Công đoàn Cao su Việt Nam và các đơn vị trong toàn ngành, tổ chức 21 sự kiện nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành. Thông qua các hoạt động ý nghĩa, giúp các thế hệ người lao động ngành cao su Việt Nam cùng ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của ngành, qua đó thêm hiểu và tự hào hơn về truyền thống tốt đẹp; đồng thời cùng nhau chung tay góp sức giữ gìn, phát huy các giá trị quý báu của ngành cao su trong thời gian tới.
Trong giai đoạn vừa qua, toàn thể CB.CNV- NLĐ của Tập đoàn đã nỗ lực rất lớn. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể người lao động cùng với những giải pháp ứng phó linh hoạt, đồng bộ, Tập đoàn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.
Thành quả có được ngày hôm nay của VRG là sự đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước, tiếp tục kế thừa vượt qua khó khăn, phát huy thành quả và truyền thống tốt đẹp đó. Biết rằng phía trước còn nhiều thách thức, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên còn gặp nhiều khó khăn ở phía trước, giá bán sản phẩm chính là mủ cao su ở mức thấp; thị trường và giá bán gỗ/sản phẩm từ gỗ cao su trầm lắng, chi phí tài chính tiếp tục tăng cao… Tuy nhiên, với truyền thống vượt khó, tin tưởng rằng người lao động toàn Tập đoàn tiếp tục năng động, sáng tạo, với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, sẽ cố gắng vượt qua khó khăn và tiếp tục góp phần đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam.
Nhân dịp này, tôi xin thay mặt toàn thể người lao động của VRG ghi nhận và trân trọng những đóng góp và hy sinh to lớn của nhiều thế hệ công nhân cao su trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm qua. Xin gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương đã luôn đồng hành, quan tâm, theo dõi, hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời để Tập đoàn có những định hướng phát triển tốt. VRG cũng mong muốn trong thời gian tiếp theo, các đồng chí sẽ tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng với sự phát triển của Tập đoàn.
Xin cảm ơn toàn thể người lao động ngành cao su qua nhiều thế hệ đã luôn gắn bó với ngành kể cả những lúc khó khăn. Xin chúc cho mỗi gia đình công nhân tiếp tục có cuộc sống ổn định, tiếp tục gắn bó để xây dựng ngành cao su xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước, cũng như của nhiều thế hệ công nhân trong suốt chiều dài 94 năm qua.
– Để thực hiện mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, Ban lãnh đạo VRG đã xây dựng chiến lược giai đoạn tới cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Công Kha: Phát huy kết quả đạt được và giá trị truyền thống tốt đẹp của ngành cao su Việt Nam, VRG tiếp tục nỗ lực vượt khó, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo.
Mục tiêu phát triển của VRG là khẳng định vị thế một Tập đoàn kinh tế công – nông nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam và khu vực trên quan điểm phát triển bền vững. Tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng người lao động đồng bào dân tộc thiểu số, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của người lao động. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất của Tập đoàn.
VRG vừa ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn 2050. Đây là một trong những chủ trương quan trọng của Tập đoàn nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Chiến lược được xây dựng nhằm đáp ứng xu thế phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, góp phần đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các bon trong dài hạn.
Trong quá trình xây dựng, chiến lược lấy con người làm trung tâm, cam kết thực hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân, đảm bảo rằng người dân trong vùng dự án và khu vực lân cận được hưởng lợi từ các dự án, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống con người về văn hóa, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.
Chiến lược tập trung đẩy mạnh thực hiện các chứng nhận quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững nhằm hướng đến mục tiêu doanh nghiệp cam kết cung ứng bền vững, có các chính sách truy xuất nguồn gốc minh bạch và nâng cao chuẩn mực kinh doanh để hội nhập quốc tế. Tập đoàn cũng xác định rằng, chiến lược định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, tăng cường kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và không ngừng cải tiến hệ thống quản trị phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.
Trong chiến lược, VRG đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể như: giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050 so với năm 2023; xanh hóa chuỗi cung ứng với mục tiêu 60% diện tích cao su toàn tập đoàn và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC…) và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm. Đến năm 2050, toàn Tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC…) và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su…) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.
VRG cũng xanh hóa các quy trình sản xuất, với mục tiêu đến năm 2050: sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối tối thiểu từ 50% tổng nhu cầu; tiết kiệm năng lượng khoảng 20 – 30% so với tổng nhu cầu; giảm thiểu chất thải bằng giải pháp tiết kiệm/tái sử dụng tối thiểu 35% lượng nước sử dụng, tận dụng/tái chế tối thiểu 40% chất thải rắn và bùn thải, giảm thiểu 20% chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ GIS để quản lý hiệu quả rừng cây cao su theo độ tuổi, năng suất…; đánh giá trữ lượng carbon của rừng cây cao su hướng tới thương mại hóa tín chỉ carbon… VRG cũng hỗ trợ cao su tiểu điền công tác khoa học kỹ thuật, giống cao su hiệu quả cao, nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su, thu mua với giá tốt và có thể truy xuất nguồn gốc.
Theo đề án tái cơ cấu mà Thủ tướng đã phê duyệt, để thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho VRG thông qua Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025. Doanh thu hợp nhất là 161.730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32.300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34.435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ Tập đoàn khoảng 12.350 tỷ đồng (trung bình 2.470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm).
Xác định phương hướng “Hiệu quả là nhiệm vụ chính của VRG”, Tập đoàn chủ động xây dựng nhiều phương án trên nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có nhằm đảm bảo tối đa nguồn thu, hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất. Bảo đảm quyền lợi cho chủ sở hữu Nhà nước và cổ đông, nhà đầu tư trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực của Tập đoàn bao gồm đất đai, lao động, khả năng luân chuyển nguồn vốn và thế mạnh của từng doanh nghiệp trong hệ thống.
Nhân kỷ niệm 94 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam, thay mặt Ban lãnh đạo VRG, tôi kêu gọi toàn thể người lao động ngành cao su tự hào kế thừa truyền thống hào hùng của ngành, phát huy tinh thần Phú Riềng Đỏ, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm lao động sản xuất; vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch năm 2023, góp phần xây dựng ngành cao su phát triển ổn định và bền vững, xứng đáng với công lao to lớn của các thế hệ tiền bối và xứng danh Huân chương Sao Vàng mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
TRẦN HUỲNH (thực hiện)
Related posts:
- Về đích sản lượng
- Cao su Đồng Phú: Một trong những lá cờ đầu về năng suất, chất lượng và hiệu quả
- Các công ty thủy điện hoạt động hiệu quả, đóng góp vào doanh thu của VRG
- Tập đoàn sẽ xây dựng thương hiệu gỗ VRG
- VRG ủng hộ 200 triệu đồng vào Quỹ vắc xin Covid – 19 tại tỉnh Quảng Nam
- Chuẩn bị chu đáo cho mùa cạo mới
- VRG triển khai các hoạt động hướng đến tái kết nối với FSC
- VRG được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong phòng chống Covid - 19
- Triển khai xây dựng nhà máy, đào tạo nghề công nhân tại Campuchia
- Xây dựng quỹ lương theo 3 thông tư mới