CSVN – Ngày nay, đến với thôn làng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nơi cây cao su đã bám chặt lấy đất sau hơn 40 năm định hình, sẽ cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt”. Đó là nhờ một loại cây mà nhiều người hay gọi với cái tên rất kinh tế “cây xóa đói giảm nghèo”.
Hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương khóa V
Theo “Lịch sử Cao su Việt Nam” – Tập II (1975 – 2020), năm 1983 trên cơ sở thành tựu đạt được, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chủ trương đẩy nhanh quá trình khai hoang và mở rộng diện tích cây cao su. Trong đó, ở miền Đông Nam bộ mục tiêu đặt ra là đạt 40 vạn ha, ở Tây Nguyên và Bình Trị Thiên khoảng 80 vạn vào năm 1985.
Để chuẩn bị tốt cho vụ trồng mới năm 1983, Tổng cục Cao su (nay là VRG) đã giao nhiệm vụ cho các công ty cao su ở Đông Nam bộ tích cực hỗ trợ các công ty trên địa bàn Tây Nguyên. Cụ thể, Cao su Đồng Nai giúp Cao su Ea H’leo; Cao su Dầu Tiếng giúp Cao su Krông Buk, Cao su Chư Sê; Cao su Phước Hòa giúp Cao su Mang Yang, Cao su Kon Tum.
Đây là một chủ trương mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh – quốc phòng. Chủ trương này được lãnh đạo Tổng cục Cao su hiện thực hóa bằng phương châm “gà mẹ đẻ gà con”, từ phương châm này hàng loạt các công ty trên địa bàn Tây Nguyên bao gồm Cao su Krông Buk, Ea H’leo, Chư Sê, Mang Yang và Kon Tum lần lượt được thành lập ngay trong năm 1984.
Hành trình khẳng định chỗ đứng trong đời sống người dân Tây Nguyên
Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên, VRG có 14 đơn vị trực thuộc với nhiệm vụ là trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su và trồng rừng. Trong đó, chủ đạo là 10 công ty cao su, bao gồm Cao su Bảo Lâm; Krông Buk; Ea H’leo; Chư Sê; Chư Prông; Mang Yang; Chư Păh; Kon Tum; Chư Mom Ray và Sa Thầy. Các đơn vị này có tổng diện tích trên 60 ngàn ha cao su, giải quyết việc làm cho trên 10 ngàn lao động, trong đó trên 50% lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Giờ đây, những con người được xem là “mở cõi” cho cây cao su bén rễ nơi Tây Nguyên đại ngàn đã không còn công tác. Khi có dịp đoàn tụ gặp nhau, bao nhiêu ký ức lại ùa về.
Vào năm 2019, dự Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, Anh hùng Lao động Hồ Văn Ngừng – Nguyên Giám đốc công ty chia sẻ: “Ngày tôi được cử lên Tây Nguyên trồng cao su mới chỉ 20 tuổi. Khi chúng tôi tiếp xúc với lãnh đạo địa phương, người ta nghi ngờ và thiếu tin tưởng bởi chúng tôi còn rất trẻ…”.
Tâm sự này của ông Hồ Văn Ngừng phần nào đã nói lên sự gian nan, vất vả của 18 con người là bộ khung đi “mở cõi” cho Cao su Chư Sê hôm nay. Giờ đây, Cao su Chư Sê không chỉ là đơn vị có tiếng ở tỉnh Gia Lai mà đang là một trong số doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên địa bàn huyện Chư Sê.
Cũng vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Cao su Ea H’leo, chúng tôi đã được nghe ông Lê Quang Hòa – Nguyên là Phó TGĐ, Chủ tịch Công đoàn công ty kể: “Khi mới lên, nơi đây là một vùng rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào bản địa nên giao tiếp khó khăn, nhiều tập quán còn lạc hậu. Giao thông đi lại không thuận tiện, tàn dư của Fulro vẫn còn, an ninh trật tự phức tạp, nhiều người rất hoang mang lo sợ…. nhất là dịch bệnh sốt rét đã làm nhiều anh em vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất này”.
Cũng như Cao su Chư Sê, ngày nay Cao su Ea H’leo là một doanh nghiệp lớn của huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk đang giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó có khoảng 60% lao động là đồng bào dân tộc bản địa, mỗi năm đóng góp hàng chục tỷ đồng vào ngân sách. Qua đó, chung tay cùng địa phương từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi cao su đứng chân.
Cây cao su bấy giờ khá xa lạ với bà con ở Tây Nguyên, nên công tác tuyển dụng lao động trở nên khó khăn, vất vả. Công việc khai hoang, trồng mới chủ yếu bằng phương pháp thủ công, vì thế tốc độ phát triển cây cao su không nhanh. Do đó, hầu như những người đi tiên phong đều dựa vào kinh nghiệm để phát triển cây giống, tạo vườn ươm. Mặt khác, tích cực phát triển cây trồng, con vật ngắn ngày để tạo lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc sống.
Từ chủ trương của Đảng và Nhà nước đến phương châm “gà mẹ đẻ gà con” của lãnh đạo VRG, đến nay, tuy các công ty ở Tây Nguyên không “to lớn” như “gà mẹ”, nhưng vẫn đang “đẻ trứng” đóng góp lớn vào công cuộc phát triển kinh tế của địa phương ở vùng nông thôn, vùng biên giới. Nhất là việc đã giải quyết được hàng ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn chiến lược.
Cây cao su làm thay đổi từ nhận thức đến đời sống vật chất
Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình không chỉ trong lòng NLĐ mà còn với địa phương bằng nhiều việc làm, công trình an sinh xã hội cụ thể phục vụ đắc lực cho đời sống người dân trên địa bàn và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương, nhất là tham gia tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đứng chân. Ông Lê Anh Tuấn – TGĐ Cao su Ea H’leo chia sẻ: “Thời gian qua, các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, Cao su Ea H’leo nói riêng đã đóng góp lớn cho địa phương, cụ thể làm hàng trăm km đường cấp phối liên thôn, liên xã. Trạm y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại đảm bảo công tác khám và điều trị tuyến đầu tốt nhất. Nhiều nhà “Mái ấm Công đoàn”, “Nhà tình thương”, “tình nghĩa” được xây dựng và bàn giao, công tác phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng được công ty quan tâm, nhiều hoàn cảnh khó khăn được các tổ chức đoàn thể giúp đỡ và hỗ trợ, tặng quà vào các dịp lễ, Tết…”
Trong khi đó, ông Vương Đức Thông – Chủ tịch Công đoàn Cao su Chư Sê cho hay: “Không chỉ giúp bà con dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống vật chất. Chúng tôi còn phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, hỗ trợ các công trình phúc lợi, Ánh sáng Công đoàn để từ đó nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất cho người dân vùng cao su đứng chân”. Khi chúng tôi trao đổi với nhiều công nhân cao su người dân tộc thiểu số, họ đã chia sẻ khi chưa đi làm công nhân, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh. Sau khi làm công nhân cao su, cuộc sống của NLĐ không chỉ ổn định, mà còn được tham gia vào nhiều hoạt động khác từ nơi sinh sống đến nơi làm việc, từ cấp tổ đến cấp ngành, quyền lợi luôn được đảm bảo, các chế độ chính sách được công ty thực hiện nghiêm túc. Công ty còn giúp NLĐ phát triển kinh tế gia đình, cuối năm làm tốt được khen thưởng, biểu dương… nên NLĐ rất yên tâm, tin tưởng vào công ty.
Gần 40 năm đồng hành cùng cây cao su, qua bao thăng trầm, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên từ cảm giác ngờ vực thuở ban đầu về cây trồng mới thì nay, lớp lớp công nhân cao su là người đồng bào rất đỗi tự hào khoác màu áo xanh chung tay khai thác dòng nhựa trắng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu đẹp vùng cao nguyên đất đỏ bazan.
Xuyên qua các con đường trong những cánh rừng bạt ngàn cao su trên vùng đất Tây Nguyên, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các dịch vụ thương mại, thông tin… phủ khắp các thôn, làng mới thấy ý nghĩa, vai trò dẫn dắt và tiếp sức của các dự án cao su trên mảnh đất bom cày, đạn xới thuở trước. Đồng bào dân tộc thiểu số tự hào đã chung tay kiến thiết xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc, phồn vinh…
VĂN VĨNH
Related posts:
- Vinh danh 261 Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú
- Sôi nổi Hội thi Bàn tay vàng Cao su Đồng Nai
- Cao su Hòa Bình phấn đấu tiếp tục vượt mức kế hoạch sản lượng
- “Trong tương lai Tập đoàn chỉ tồn tại nhãn hiệu cao su thiên nhiên thương hiệu VRG”
- Cao su Hòa Bình phấn đấu vượt 5% kế hoạch sản lượng
- Nông trường Otang giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Hoàng Anh Mang Yang K
- Chủ động nhiều giải pháp, tăng tốc hoàn thành kế hoạch
- Dấu ấn từ phong trào "sáng tạo trẻ" ở Đoàn thanh niên cao su Chư Prông
- "Đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn cho phù hợp với tình hình mới"
- Xây dựng cơ chế thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới