CSVN – Gần 14 năm, kể từ ngày đầu tiên cây cao su bắt đầu được trồng thử nghiệm ở vùng đất Hà Giang, vượt qua bao khó khăn của nắng mưa trên vùng đất địa đầu của Tổ quốc, Công ty CPCS Hà Giang đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ổn định cuộc sống.
Cây cao su đem lại những hiệu quả rõ nét
Cách đây 4 năm, năm 2019, những cây sao su đầu tiên ở Hà Giang đã bắt đầu cho mủ. Đó là một tín hiệu đem lại niềm vui khôn tả cho những người trồng cao su ở Hà Giang. Những hàng cây trồng, chăm sóc theo kiểu cách công nghiệp, những bát mủ trắng lạ lẫm ngày nào, nay đang bắt đầu trở nên quen thuộc với những người công nhân và cả những người dân quanh vùng trồng cao su.
Sau nhiều biến động của thời tiết, của việc phải lựa chọn giống cao su thích hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết ở vùng đất Hà Giang, đến năm 2023 diện tích cao su được trồng ở 3 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình của tỉnh là trên 1.500 ha. Anh Nguyễn Chí Trường – Phó TGĐ Công ty CPCS Hà Giang, tâm sự: “Dù gặp nhiều khó khăn và mới khai thác, nhưng sản lượng và chất lượng mủ cao su tại đây không hề thua kém ở những vùng trồng truyền thống. Sản lượng mủ năm sau cao hơn năm trước, năm 2022 vừa qua, đơn vị khai thác được trên 500 tấn mủ, năm nay dự kiến sẽ đạt trên 800 tấn”.
Thành quả đến từ sự nỗ lực chăm sóc của những người công nhân cao su Hà Giang, đến tháng 8 vừa qua, sản lượng mủ đã khai thác của công ty đạt 500 tấn. Những dòng mủ trắng đã và đang tạo công ăn, việc làm cho trên 200 lao động với chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng… NLĐ được đóng các loại bảo hiểm theo quy định. Đến nay mức thu nhập bình quân của NLĐ dao động từ 5 – 6,5 triệu đồng/người/tháng và con số này sẽ cao hơn nhiều khi thời điểm cây cao su cho sản lượng thu mủ cao, NLĐ có thể có thu nhập từ 20 – 22 triệu đồng/người/tháng khi tăng năng suất lao động.
Góp phần “thay da đổi thịt” vùng cao
Có mặt tại chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch HĐQT VRG Trần Công Kha với Cao su Hà Giang, anh Nguyễn Văn Thụ – Đội trưởng đội sản xuất cao su xã Kim Ngọc huyện Bắc Quang, chia sẻ: “Sau hơn 10 năm gắn bó với cây cao su, có nhiều vất vả. Giờ cây cao su cho thu mủ, thu nhập bình quân trong mùa cạo mủ của cả đội dao động từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng. Những tháng cuối năm cây cho mủ nhiều, thu nhập của người thợ cạo đạt 15 – 18 triệu đồng/người/tháng”.
Cây cao su ở Hà Giang cũng đang thu hoạch với sản lượng tăng dần qua từng năm, nhiều lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang gắn bó với cây cao su và nay đang ổn định cuộc sống. Ông Hoàng Văn Điều – Bí thư Đảng ủy xã Yên Hà, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, nơi có trên 115 ha cây cao su, cho biết: “Cây cao su trồng tại địa phương đang dần dần làm thay đổi tư duy của người nông dân theo hướng tích cực. Ban đầu người dân còn hoài nghi về loài cây công nghiệp này không thể cho mủ, nhưng đến hiện nay cây đã cho mủ ổn định. Điều này có thể mở ra hướng đi cho sự phát triển của loài cây này ở đất Hà Giang”.
14 năm vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả, đến nay, cây cao su đã cho những dòng mủ trắng trên miền đất Hà Giang. Tại nhiều địa phương, người dân với đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia góp đất trồng cao su, tham gia làm công nhân cao su. Qua đó, phát triển cao su với sự liên kết như hiện nay có thể trở thành một hướng đi góp phần giải quyết việc làm, lao động và thu nhập ổn định cho vùng đất Hà Giang.
HUY TOÁN
Related posts:
- Cao su Lai Châu phấn đấu đạt sản lượng 7.000 tấn mủ
- Tại sao thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng “bị chậm”?
- Đa dạng giải pháp nhằm ổn định lao động
- Vì sao cao su ở Đông Dương phát triển chậm?
- Cao su Bình Long: Hiệu quả từ chương trình phát triển bền vững
- Tận tâm với cây và đất
- Cao su Krông Buk – Ratanakiri: Triển vọng trở thành điểm sáng về mặt năng suất, sản lượng khu vực Ca...
- Sôi nổi chuỗi hoạt động ở Cao su Việt Lào
- Nông trường Tân Hiệp, Cao su Tân Biên: Nhiều năm liền năng suất trên 2 tấn/ha
- "VRG thực hiện rất tốt công tác an toàn vệ sinh lao động"