Đảng bộ VRG góp sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng

CSVN – Tây Nguyên là một trong 3 vùng chiến lược về an ninh trật tự, là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số. Đây là vùng có đông thành phần dân tộc nhất cả nước và cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ – dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống. Hơn bốn thập kỷ qua, các công ty cao su khu vực Tây Nguyên trực thuộc VRG đã kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng.

Kỳ 2: Giữ vững an ninh chính trị ở vùng chiến lược

Sau Đông Nam bộ, Tây Nguyên là vùng trồng cao su trọng điểm lớn thứ 2 của VRG ở trong nước, nhưng cũng đảm nhiệm sứ mệnh cao cả được Đảng, Nhà nước giao phó: là cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào; phủ xanh đất trống, đồi hoang, đảm bảo độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường; làm nhiệm vụ an sinh xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở vùng chiến lược.

Cao su Chư Păh hỗ trợ xây nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo tại địa phương. Ảnh: CTV
Dấu ấn lãnh đạo của Đảng

Tại khu vực Tây Nguyên, Tập đoàn hiện có 12 đơn vị thành viên (trong đó, có 9 công ty cao su) đóng chân trên địa bàn 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum; quản lý hơn 64.000 ha cao su, trong đó phần lớn diện tích cao su nằm ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Cây cao su giúp đồng bào có cuộc sống ổn định, ấm no hơn 40 năm qua.

Thập niên 1980, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tập đoàn bắt đầu thực hiện chương trình phát triển cao su ở Tây Nguyên theo Quyết định 5382 của Tổng cục Cao su Việt Nam. Hơn bốn thập kỷ qua, từ những vùng đất hoang sơ, đất trống đồi trọc, hiện nay đã hình thành các khu thị tứ trù phú như thị xã Buôn Hồ, thị trấn Ea Đrăng, thị trấn Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh, Đăk Đoa, Đức Cơ… với cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp, các cơ sở giáo dục và y tế được các công ty cao su đầu tư không những phục vụ cho NLĐ mà còn cho dân cư trong vùng.

Đặc biệt, các công ty cao su đã tạo công ăn việc làm cho hơn 12.000 lao động, trong đó hơn 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số, chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, giúp cải thiện đời sống dân cư và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong quá trình hình thành và phát triển của các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên, dấu ấn về sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện đậm nét. Từ những cơ sở Đảng với quy mô từ 2 – 3 đảng viên, sau 40 năm hình thành và phát triển, đến nay hầu hết các công ty Tây Nguyên đều có từ 12 – 13 chi bộ Đảng với hàng trăm đảng viên. Không những thế, nhiều đơn vị đã xây dựng và phát triển cơ sở Đảng của mình tại các công ty con đang đầu tư trồng cao su ở những vùng sâu vùng xa, ở các nước bạn Lào và Campuchia như Công ty Mang Yang, Chư Sê, Chư Păh, Krông Buk, Ea H’leo…

Làm giàu đẹp vùng cao nguyên đất đỏ bazan

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình, các công ty cao su trực thuộc VRG trên địa bàn Tây Nguyên đã khẳng định được vai trò, vị thế. Không chỉ đối với NLĐ mà còn với địa phương bằng nhiều việc làm, công trình an sinh xã hội cụ thể, phục vụ đắc lực cho đời sống người dân trên địa bàn và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương, nhất là tham gia tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đứng chân.

Các công ty cao su đã xây dựng hàng ngàn km đường nhựa, đường cấp phối liên thôn, liên xã. Hệ thống đường – điện – trường – trạm được các đơn vị đầu tư bài bản, khang trang. Điện lưới quốc gia được kéo đến từng hộ công nhân, hệ thống trường mầm non đáp ứng tốt công việc giữ trẻ đảm bảo yên tâm cho cha mẹ khi đi cạo, trạm y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám và điều trị tuyến đầu tốt nhất. Nhiều căn nhà “Mái ấm Công đoàn”, “Nhà tình thương”, “Tình nghĩa”  được  xây  dựng  và  bàn  giao,  công  tác  phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng và thương bệnh binh được các công ty cao su quan tâm nhận nuôi dưỡng suốt đời, nhiều hoàn cảnh éo le được các tổ chức đoàn thể trong công ty giúp đỡ và hỗ trợ…

Kể từ khi cây cao su hiện diện trên vùng đất khó, phủ xanh rừng nghèo, đất hoang kêu gọi người về quần tụ, làm nên những làng, những xã đầm ấm, trù phú. Những khu dân cư đã hình thành, phát triển, ngày càng bền vững bên cạnh những nông trường cao su. Cây cao su góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và giữ vững vùng biên. Đất và người Tây Nguyên hơn 40 năm qua đã bện chặt cùng cây cao su, thành một khối bền vững, không tách rời…

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn

Song song với phát triển kinh tế và an sinh xã hội, các công ty cao su còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn. Hàng năm, các công ty đều dành nguồn kinh phí cho hoạt động này. Phối hợp chặt chẽ với địa phương, ký quy chế phối hợp với lực lượng công an tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh, ban chỉ huy quân sự tỉnh theo nguyên tắc công ty ký với tỉnh, huyện; nông trường ký với xã; đội sản xuất gắn với thôn, bản, làng, giữ vững an ninh chính trị, hỗ trợ kinh phí làm công tác phối hợp.

Qua đó, các công ty cao su ở Tây Nguyên đã thực hiện rất tốt các chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng, Nhà nước, địa phương và Tập đoàn về các mặt kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, môi trường và nhất là sử dụng NLĐ là đồng bào thiểu số, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương có cao su đứng chân và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn.

Ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ VRG, cho biết: “Tập đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các công ty cao su tại Tây Nguyên đẩy mạnh triển khai thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn dựa trên 3 trụ cột: Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm xã hội; tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bao gồm phát triển sản xuất kết hợp với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sử dụng lao động dân tộc, không ngừng tăng năng suất và thu nhập của NLĐ. Kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị và an ninh quốc phòng trong phạm vi tổ chức sản xuất”.

Với bề dày truyền thống 40 năm, các đơn vị Tây Nguyên đã được ghi nhận thông qua các danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ thi đua và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua và Bằng khen của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ NN& PTNT, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh… là minh chứng cho những nỗ lực vươn lên không ngừng của CB.CNV LĐ các đơn vị Tây Nguyên. Tất cả đều xứng đáng là những tập thể anh hùng.

THIÊN HƯƠNG