Anh Đức Trung kính mến!
Người vợ đầu tiên của tôi mất ngay sau khi sanh cháu trai được hơn tuần tuổi. Tôi ở vậy, gà trống nuôi con, cho đến khi con trai lập gia đình, ra ở riêng, tôi đi bước nữa.
Tôi và người vợ hiện nay lấy nhau đã 12 năm, được một cháu gái 10 tuổi. Năm nay tôi 60 tuổi, hơn vợ 15 tuổi, đã nghỉ hưu trước tuổi 5 năm. Vợ tôi năm nay 45 tuổi, làm phó phòng kế toán của một công ty thương mại trực thuộc UBND huyện, có công việc ổn định, lương khá.
Kết hôn được một thời gian thì sự nghiệp của cô ấy bước vào giai đoạn phát triển bước ngoặt. Cô ấy bận rộn nhiều hơn, công việc nhiều hơn nên không thể dành nhiều thời gian chăm lo gia đình, con cái. Do đó, cô ấy mong tôi tạm gác bớt phần công việc hoặc xin nghỉ hưu sớm để hỗ trợ cho cô ấy:“Anh chịu khó vài năm. Chỉ một vài năm thôi. Em lo công tác, thăng tiến rồi tích lũy tiền bạc phát triển kinh tế. Sau rồi em sẽ ngoan ngoãn ở nhà, làm bà nội trợ cho anh và con, anh nhé!”. Sau nhiều băn khoăn, suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định nghỉ hưu sớm ủng hộ sự nghiệp của vợ. Tôi nghỉ hưu trước tuổi với đồng lương trợ cấp ít ỏi, chăm lo việc nhà, lo dạy con nhỏ… Và, đúng như mong đợi, sự nghiệp của cô ấy có nhiều bước tiến lớn, lương bổng, thu nhập ngày một khá hơn.
Tôi chỉ không ngờ, vợ tôi lại vì chuyện đó mà coi thường tôi. Cô ấy nói tôi là người chồng vô dụng, bất tài. Ngày nào cô ấy cũng chì chiết, kể lể về những người chồng trẻ trung, mạnh mẽ, tài giỏi, ga-lăng … của bạn cô ấy, khiến tôi hết sức mệt mỏi. Tình yêu của tôi dành cho vợ cũng từ đó mà phai nhạt dần.
Thời gian vừa qua, kinh tế của cả nước đang rất khó khăn và chưa thể phục hồi sau đại dịch Covid – 19, nên công ty nơi vợ tôi làm việc cũng vô cùng khó khăn. Lúc này cô ấy mới bắt đầu nghĩ đến gia đình, ở nhà nhiều hơn, ít đi sớm về trễ hơn, ít tiệc tùng và ăn cơm nhà nhiều hơn, cư xử với tôi có phần tình cảm hơn, ít chì chiết hơn, quan tâm tới con hơn… “Em mong chúng ta lại quay lại làm một đôi vợ chồng tình tứ như xưa” – cô ấy đề nghị.
Có điều, cô ấy không hiểu là, sau tất cả những gì cô ấy đối xử với tôi, bây giờ điều níu giữ tôi ở lại chỉ còn là trách nhiệm. Tôi không hề có người phụ nữ nào khác nhưng cũng không còn cảm giác muốn gần gũi hay yêu thương vợ nữa.
Cô ấy khóc lóc, trách móc, giày vò tôi là người tệ bạc. Nhưng tôi không thể làm khác những cảm xúc thực sự trong lòng mình. Tôi nên làm gì bây giờ, thưa anh Đức Trung?
BẠN ANH ĐỨC TRUNG
Bạn thân mến!
Trước hết, Đức Trung tôi xin chia sẻ nỗi đau mất mát và sự khó khăn của cha con anh, khi mẹ cháu vừa sinh con đã bị mất! Và, qua đó Đức Trung càng hiểu anh là người chồng, người cha tốt, sống thủy chung, chia sẻ, vị tha.
Hiện tại, những mệt mỏi và bế tắc của cuộc hôn nhân 12 năm nay, dường như đã khiến cảm xúc trong anh chai sạn đi nhiều. Đức Trung tôi rất hiểu, ở cái tuổi lục tuần, vì yêu vợ quý con, vì mong muốn một gia đình trọn vẹn yên ấm, mà sẵn sàng từ bỏ hết để lui về làm hậu phương cho vợ tiến bước…nhưng rồi lại gặp toàn thất vọng, lại một lần nữa đau buồn, chả trang trải tâm sự được cùng ai!
Tuy nhiên, đọc đi đọc lại thư của bạn, Đức Trung không hề thấy bạn có ý nghĩ từ bỏ cuộc hôn nhân này. Mặt khác, vợ bạn, sau nhiều năm mải mê với sự nghiệp, giờ đã bắt đầu hướng về gia đình. Đây là những mặt tích cực có thể nhìn thấy rõ nhất trong mối quan hệ giữa hai người.
Nếu đã lựa chọn ở bên nhau, tại sao không lựa chọn ở bên nhau hạnh phúc? Hai người đã từng có những lúc yêu thương nồng nàn, “một đôi vợ chồng tình tứ”. Liệu có cách nào khơi gợi lại những cảm xúc ấy? Nên chăng, cần có những lúc ngồi lại, chia sẻ những mệt mỏi chất chứa trong lòng nhiều năm qua để cả 2 có thể hiểu nhau và thông cảm cho nhau hơn, từ đó giúp cải thiện mối quan hệ?
Cuộc sống luôn có những thăng trầm. Ấy cũng là cơ hội để ta có thể nhìn lại, hiểu điều gì thực sự quan trọng đối với ta, điều gì ta nên trân trọng. 12 năm qua có thể rất mệt mỏi nhưng sau tất cả, hai người vẫn đang ở bên nhau. Đó mới chính là điều đáng quí. Phải vậy không anh bạn!
ANH ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Buồn lòng vì chồng ngủ ngáy quá to
- Tiêm vaccine là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân
- Binh đoàn 15: Sẵn sàng cho ngày hội toàn dân
- COVID-19 khiến khủng hoảng lương thực toàn cầu trầm trọng hơn
- Bộ Y tế hướng dẫn cách ly F1 tại nhà
- Phận đời trôi nổi trên sông Sài Gòn
- Hãy để việc gì đến sẽ đến, đừng ép!
- Sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà
- Cao su Sa Thầy: Thăm, tặng quà người dân bị hỏa hoạn
- Tiếp tục quyết liệt các giải pháp chống dịch – Việt Nam đang đi đúng hướng