Sáng kiến làm lợi cho đơn vị hơn 4 tỷ đồng

CSVNO – Tích cực tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid – 19”, anh Nguyễn Văn Dương – Giám đốc Nông trường Ou Tuek Thla, Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom đã có sáng kiến “Tận dụng tấm nilon thải của nhà máy để làm tấm lót mủ khi thu hoạch thay cho bàn dăm ” làm lợi cho đơn vị hơn 4 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Dương – Giám đốc Nông trường Ou Tuek Thla, Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom (áo trắng) trao thưởng cho công nhân

Trước đây, khi thu hoạch mủ chén công nhân thường đổ ra giữa đất làm cho mủ dính tạm chất, đất cát, lá cây, cành nhánh làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Để khắc phục tình trạng trên, Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom đưa ra phương án làm bàn dăm bằng tre và phương án làm bàn dăm bằng sắt cho toàn bộ các phiên cạo thì sẽ tốn rất nhiều chi phí của công ty.   

Sau khi thực hiện giải pháp tận dụng tấm nilon thải ra của nhà máy chế biến thì không hạn chế số lượng tấm trải trên một phiên, kích thước cũng tùy phiên cho mủ để cắt lớn nhỏ để lót mủ không tràn ra ngoài, còn làm bàn dăm thì chỉ làm 2 cái trên 1 phiên cạo trong khi công dụng của tấm trải nilon và bàn dăm là giống nhau, bên cạnh đó bàn dăm còn có nguy cơ bị mất trộm. Sau khi thu hoạch mủ xong công nhân sẽ treo tấm trải lên dây đen cột kiềng treo giữa 2 cây cao su.

Anh Nguyễn Văn Dương – Giám đốc Nông trường Ou Tuek Thla, Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom (ngoài cùng bên phải) trao thưởng công nhân vượt sản lượng

Ông Hoàng Hữu Tuấn – TGĐ Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom, cho biết, trước đây khi thu hoạch mủ công nhân bỏ mủ lên bàn dăm bằng tre để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhưng do chi phí cao làm giảm doanh thu và lợi nhuận của công ty. Cho nên sau khi anh Nguyễn Văn Dương đưa ra sáng kiến “Tận dụng tấm nilon thải của nhà máy để làm tấm lót mủ khi thu hoạch và treo tấm nilon lên dây sau khi sử dụng thay cho bàn dăm”, thì công ty thấy hợp lý vì công dụng và hiệu quả chất lượng sản phẩm như nhau mà lại không tốn chi phí đầu tư. Cho nên công ty đã chỉ đạo 2 nông trường triển khai và áp dụng sáng kiến vào toàn bộ diện tích khai thác của đơn vị để thay thế bàn dăm.

 Với giải pháp này thì khi trời mưa gió đất cát, các tạp chất khác sẽ không bám vào tấm trải như lúc đặt cố định trên đất, nước mưa sẽ làm trôi đi các tạp chất còn dính trên tấm trải, chất lượng mủ được nâng cao, chỉ số tạp chất so sánh khi chưa sử dụng giải pháp tháng 7/2022 chỉ số tạp chất trung bình là 0,056, (lúc đó chưa có bàn dăm), chưa áp dụng sáng kiến và sau khi sử dụng sáng kiến vào tháng 7/2023 chỉ số tạp chất trung bình giảm xuống còn 0,034. Công nhân chở mủ về ga để rửa cũng ít việc hơn, không còn đất cát, lá cây và cành nhánh bám vào, tấm trải đó hư hỏng hay cần thêm đều có để thay thế bổ sung.

Anh Dum Veng – công nhân Đội 3, Nông trường Ou Tuek Thla phơi tấm trải nilon lên giây sau khi thu hoạch mủ xong

 Về hiệu quả kinh tế, nếu như làm bàn dăm bằng tre để mủ cũng tốn kém 1 cái giá 12 USD, thời gian sử dụng ngắn được 1 năm là gãy hư hỏng, do mưa gió và mối mọt.

Còn nếu làm bàn dăm bằng khung sắt và lưới B40 theo giá trị thị trường 1 cái bàn dăm là 23 USD, mỗi phần cây cần 2 cái, như vậy mỗi công nhân 8 cái. Công nhân của 2 nông trường là 972 người sẽ cần tổng cộng 7.776 cái, nhân với đơn giá 23 USD sẽ tiêu tốn 178.848 ngàn đô la Mỹ (nếu quy đổi tiền Việt là hơn 4 tỷ đồng).

GIA PHÚC