CSVN – Là doanh nghiệp đứng chân nơi vùng biên giới, việc xây dựng “thế trận lòng dân” ở vùng biên cũng như tạo ra công việc ý nghĩa làm nhịp cầu kết nối tình quân dân nơi phên dậu là hết sức cần thiết, điều này đã được Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông cụ thể hóa thông qua việc kết nghĩa với Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15).
Kỳ 3: Hỗ trợ lao động đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu
Kết nối tình đoàn kết quân dân
Những ngày giữa tháng 6/2023, trời biên giới vẫn khó chịu khi cái nắng nóng vốn không như thường lệ. Chúng tôi có chuyến công tác đến Trung đoàn kinh tế – Quốc phòng 710 thuộc Binh đoàn 15, một đơn vị kết nghĩa với Cao su Chư Prông từ năm 2021. Đây là hoạt động giúp 2 đơn vị hỗ trợ, bổ sung cho nhau những mặt còn hạn chế trong quá trình SXKD, chăm lo đời sống NLĐ. Bởi Trung đoàn 710 với đặc thù là đơn vị làm kinh tế quốc phòng, còn Cao su Chư Prông là đơn vị thuần làm kinh tế nên để nâng cao chất lượng hoạt động SXKD và hỗ trợ nhau trên mọi mặt của đời sống xã hội, cùng nhau giữ vững an ninh chính trị trên vùng phên dậu Tổ quốc là điều hết sức cần thiết, việc làm này đã nhận được sự đánh giá cao của các cấp chính quyền địa phương, sự đón nhận nhiệt tình của NLĐ 2 đơn vị.
Sau khi kết nghĩa, phía Trung đoàn 710 hỗ trợ, giúp đỡ Cao su Chư Prông việc huấn luyện lực lượng tự vệ, thường xuyên nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, hỗ trợ công tác bảo vệ vật tư sản phẩm, bảo vệ tài sản trên vườn cây, công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống và khắc phục thiên tai. Về phía Cao su Chư Prông, hỗ trợ Trung đoàn 710 trong công tác quản trị SXKD, chế biến, lưu kho, tiêu thụ cao su. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào quản lý, chăm sóc và khai thác vườn cây, đào tạo nguồn nhân lực cạo mủ… Bên cạnh đó, 2 bên cùng phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác dân vận, chung sức xây dựng nông thôn mới, cùng nhau giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, tích cực trong công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn và giao lưu văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao vào những ngày lễ, Tết.
Bệnh xá của Trung đoàn và Trung tâm y tế cao su cùng hỗ trợ nhau trong công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và NLĐ của 2 đơn vị, phối hợp trong công tác phòng chống dịch.
Việc tổ chức kết nghĩa với Cao su Chư Prông, đơn vị giàu truyền thống trên khu vực Tây Nguyên của VRG với 46 năm kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su tạo điều kiện thuận lợi để Trung đoàn học hỏi, tiếp cận được những kinh nghiệm quý trong hoạt động SXKD và chăm sóc, khai thác cao su. Thượng tá Nguyễn Quang Tú – Trung đoàn trưởng cho hay, nhiều năm qua đơn vị chúng tôi đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm thắt chặt mối lương duyên, tình đoàn kết quân dân nơi vùng biên giới này.
“Cụ thể năm 2022, chúng tôi đã tổ chức cho 2 đơn vị là Đội 5 kết nghĩa với làng Griêng, Đội 2 kết nghĩa với làng Krông xã Ia Boòng; Đội 1 kết nghĩa với làng Klăh của xã Ia Mơr. Cùng với đó, 8 hộ công nhân người Kinh được gắn kết với 8 hộ công nhân người dân tộc thiểu số để hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn đơn vị đã có 40 cặp hộ gia đình gắn kết với nhau. Các mô hình này không chỉ thắt chặt mối quan hệ quân – dân mà còn tạo điều kiện giúp nhau phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn” – Thượng tá Nguyễn Quang Tú, chia sẻ.
Giúp dân thay đổi “nếp nghĩ”
Không chỉ giúp bà con nhân dân trong vùng, NLĐ của đơn vị thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, Trung đoàn và Cao su Chư Prông còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, nhất là việc tiếp nhận lao động dân tộc thiểu số vào làm công nhân.
Chị Kpă Hby – công nhân Đội 7, Trung đoàn 710 vui vẻ tâm sự: “Khi chưa làm công nhân, cuộc sống của gia đình chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh lắm. Giờ thì tôi không chỉ được đơn vị đào tạo nghề khai thác mủ cao su, bố trí công việc cho thu nhập ổn định mà còn thường xuyên được lãnh đạo các cấp quan tâm động viên, giúp đỡ”.
Đến thăm một gia đình công nhân mới, đang sinh sống trong dãy nhà tập thể ở Đội 7 chúng tôi mới mắt thấy, tai nghe về sự thay đổi trong đời sống của người dân nơi vùng biên khi vào làm công nhân khai thác mủ của Trung đoàn, cả 2 vợ chồng đều là thanh niên người Jrai và tiêu biểu trong lao động sản xuất.
Anh Siu Hơi nói với chúng tôi về sự thay da, đổi thịt trong đời sống gia đình mình kể từ ngày được nhận vào làm công nhân: “Chúng tôi được nhận vào làm công nhân từ năm 2020, trước đó chúng tôi bôn ba khắp nơi tìm kế sinh nhai với mức lương không ổn định. Từ ngày vào làm công nhân cạo mủ, đời sống chúng tôi đã thay đổi nhiều, cụ thể lương tháng 12/2022 vừa qua 2 vợ chồng chúng tôi được gần 25 triệu đồng/tháng, thu nhập này giúp chúng tôi trang trải được rất nhiều việc như hỗ trợ cha mẹ già chữa bệnh, cho con đến trường và tích lũy…”.
Chia sẻ với chúng tôi về việc giúp đỡ bà con thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo, Thượng tá Lê Thanh Tùng – Chính ủy Trung đoàn cho biết, để giúp đỡ bà con trên địa bàn phát triển kinh tế, chúng tôi đã cử hàng trăm lượt CB.CNV xuống tận vườn, ruộng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa nước, trao tặng hàng chục con bò giống cho các hộ gia đình cận nghèo, đồng thời hướng dẫn bà con cách chăm sóc bò để tạo sinh kế qua đó có vốn trang trải, chăm lo gia đình.
Một nghĩa cử cao đẹp khác của Trung đoàn là tạo điều kiện cho những ước mơ tiếp tục bay cao và bay xa khi nhận nuôi và hỗ trợ 3 học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 2 xã Ia Mơr, Ia Piơr theo chương trình “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường”.
Ngoài ra, để hiểu văn hóa, tập quán của người dân địa phương và hỗ trợ lao động trong đơn vị, thời gian qua Trung đoàn 710 đã tổ chức cho 50 CB.CNV của đơn vị đi học tiếng Jrai nhằm thực hiện tốt công tác dân vận, giúp bà con hiểu đúng về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như những quy định, nội quy của Binh đoàn 15 và Trung đoàn nói riêng.
Với những việc làm thiết thực, hiệu quả trong thời gian qua Trung đoàn 710 và Cao su Chư Prông đã giúp người dân trên địa bàn vùng biên giới huyện Chư Prông cũng như công nhân của 2 đơn vị từng bước thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” qua đó, giúp bà con và NLĐ các xã biên giới từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Ngành cao su Việt Nam đáp ứng EUDR
- Cao su Phú Riềng chuẩn bị chu đáo trường thi
- Các đơn vị trực thuộc Cao su Sa Thầy xuất sắc hoàn thành kế hoạch sản lượng
- Cao su Đồng Nai (2/6/1975 - 2/6/2023): Phát huy truyền thống, vững vàng bước vào giai đoạn phát triể...
- MDF Kiên Giang vượt khó, hoàn thành kế hoạch
- Cán bộ VRG tham gia bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng an ninh
- Truyền thống vẻ vang của ngành là động lực để thế hệ trẻ phấn đấu, góp sức vượt khó
- Ông Trần Khắc Chung giữ chức Tổng Giám đốc Cao su Bà Rịa
- Công đoàn Cao su Việt Nam tổ chức Tết sum vầy cho người lao động
- Nông trường 3 giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Tây Ninh Siêm Riệp