Hãy kiên trì dạy bảo con

Anh Đức Trung kính mến!

Em năm nay 48 tuổi, em và vợ đã ly hôn 5 năm, có một con trai 6 tuổi, cháu đang ở với vợ, năm nay cháu vào lớp 1. Do ly hôn trong hòa bình và nhà của nội ngoại đều ở gần nhau nên việc em gặp gỡ đưa đón con về chơi rất thuận lợi.

Rồi 2 năm nay em có người khác. Người mới của em 42 tuổi, có con trai riêng, năm nay cháu học lớp 4, chín tuổi. Cô ấy là mẹ đơn thân nên quá nuông chiều con. Em thường thấy bé rất hay bắt nạt má, bé luôn vòi vĩnh và hay điều khiển bắt má phải theo ý mình, mọi điều, mọi lúc.

Bằng tình yêu thương, em đã nhiều lần nói với cô ấy về giới tính của trẻ. Về việc, trước kia con ngủ chung với má thì nay không thể, phải có phòng riêng. Trước má tắm cho, giờ con phải tự lập, tự chuẩn bị quần áo tắm, quần áo sách vở đi học, đi chơi… Cô ấy bắt đầu phụng phịu nói em làm quá, nói nghi kỵ con riêng của cô ấy, nói nhiều thứ.

Em nói với cô ấy về sự tò mò giới tính ở trẻ con, cha mẹ phải hiểu rõ độ tuổi của trẻ, sự tò mò tìm hiểu của trẻ, để mà dạy bảo, để mà cha mẹ cần giữ khoảng cách cơ thể với con cái, để mà biết cách ân cần âu yếm con.

Tuy nhiên sự việc gần như không tiến triển theo hướng tích cực, mà chỉ được một thời gian ngắn rồi việc đâu lại vẫn y như cũ. Em biết, cô ấy muốn bù đắp sự thiếu thốn thua thiệt vì thiếu vắng cha của bé, và sự nuông chiều con cái quá mức là cô ấy muốn con mình hạnh phúc.

Vậy là sai hay đúng, thưa anh Đức Trung?

EM TRAI

Em trai thân mến!

Rất thú vị, có hai vấn đề cần được đề cập trong lá thư này của em. Thứ nhất, mẹ đơn thân với con trai; thứ hai chuyện tò mò giới tính bắt đầu từ khi nào.

Anh Đức Trung đi vào vấn đề thứ nhất trước. Có một định nghĩa về mẹ đơn thân: là mẹ sinh con theo ý nguyện mình, người cha bị ẩn, hoặc bị giấu đi. Sau này xã hội coi phụ nữ góa trẻ, phụ nữ ly hôn đều là mẹ đơn thân (Việc ấy không hẳn đúng, và trong khuôn khổ bài viết này xin chưa bàn tới).

Người hiện tại của em, em không nói là ly dị hay góa. Nhưng em có nói rằng thằng bé điều khiển mẹ nó. Ấy là một thứ quy luật kỳ lạ, mẹ yêu con trai và bố yêu con gái, âm và dương, sự bù trừ giới tính. Gia đình bình thường đã vậy, bố chiều con gái lắm trong khi mẹ kỳ vọng, mẹ săn sóc con trai rất kỹ. Nếu mẹ đơn thân thì vị trí đứa con trai là số 1, là duy nhất trong lòng mẹ nó, và đứa bé sẽ đinh ninh thế và thực sự cũng là như thế.

Có thể hình dung thằng bé lớn lên như vầy: Mẹ là mẹ, là ô-sin, là tất cả. Nhưng càng lớn, giới tính càng chi phối hành vi của nó, con đực trẻ tương lai, ý thức lãnh thổ, ý thức sở hữu và ý thức sử dụng, ý thức cai trị, ý thức gia trưởng một gia đình mà ở đó, mẹ chỉ là một thành viên thôi. Vậy đó, mẹ nhún sớm thì con lấn sớm, luôn luôn lấn một khi mẹ không cứng tay, không cầm trịch nổi.

May mà mẹ nó gặp em, người đàn ông nhìn xa trông rộng và có điều kiện nữa, nên đứa bé được tách riêng ngay. Vì sao người Âu – Mỹ có văn hóa nuôi con tách riêng, họ khoa học, họ biết về mùi, về cái ổ, về sự nhờn tởn của một em bé khi nó đươc ôm ấp thái quá và hậu quả là nó không cứng cỏi tự lập được.

Vấn đề thứ hai tò mò giới tính. Giới tính là bản năng, bí ẩn kín đáo riêng tư nhưng ai cũng có nhu cầu. Có rất nhiều công trình nghiên cứu về tâm sinh lý người cho kết luận, con trai cũng như con gái, 6 tuổi là một bước tâm sinh lý, bắt đầu sự tò mò giới tính. Những người làm cha làm mẹ nên biết và nên nói thẳng những chi tiết để mà nói chuyện với các bé, hướng dẫn các bé, ôn tồn với các bé, tâm lý với các bé, và dạy dỗ các bé.

Anh Đức Trung tin rằng em sẽ làm cho vợ hiện nay của em dần hiểu và đồng thuận với em trong việc dạy bảo và thuần thục cậu bé. Chúc hai em thành công!

ANH ĐỨC TRUNG