Cao su xanh mát vùng biên

CSVN – Bù Gia Mập đón chúng tôi bằng cơn mưa rào khá lớn, nước đổ rào rào cuốn phăng bao bụi bặm đường xa, cuốn luôn bao nhọc nhằn lo toan của bộn bề cuộc sống. Trước mắt chúng tôi lô tiếp nối lô một màu xanh bình dị, yên ả. Con đường đến Tổ 2, Đội Phước Long, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước uốn lượn mềm mại, cành cao su chìa ra tạo thành mái vòm hình trái tim yêu thương vẫy chào đón chúng tôi. Đôi chỗ dốc lầy trơn trượt bởi đất đỏ nhão nhoét khiến tôi thót tim sợ xe bị lún lầy, may thay người lái xe vững vàng đã đưa cả đoàn đến nơi an toàn.

Ảnh: CTV

Các bạn ở Tổ 2 đón chúng tôi trong không khí gần gũi, thân tình tựa những người bạn phương xa lâu ngày có cơ hội được gặp lại và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tác nghiệp. Anh Hà Xuân Trí, nhân viên bảo vệ đã giới thiệu với tôi về công nhân Huỳnh Khắc Bưởi, người công nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến 2 năm liền (2021, 2022). Anh Bưởi gắn bó nơi đây 6 năm. Anh kể, quê anh ở tận Cà Mau, cuộc sống mưu sinh đưa đẩy đẩy đưa anh về vùng đất này, làm đủ nghề để lo cho gia đình nhưng mãi vẫn thiếu trước hụt sau, từ khi có người bạn giới thiệu anh vào làm công nhân cao su anh mới thấy cuộc sống dần ổn định, sau 6 tháng anh xin cho vợ cùng vào làm công nhân cao su với mình. Hiện tại lương bình quân là 7 triệu đồng/người/tháng đủ trang trải cuộc sống, lo cho 2 con ăn học. Hiện vợ chồng anh đang ở khu tập thể, vừa không tốn tiền thuê nhà, vừa thuận tiện đi lô.

Người thứ hai tôi có duyên được gặp là chị Điểu Thị Bê, sinh năm 1991. Chị Bê người dân tộc Mnông, có chồng là người S’tiêng. Cũng tương tự như anh Bưởi, qua nhiều công việc tự do không ổn định, chị đi cạo thuê cho người ta lương cũng được 7 đến 8 triệu đồng/tháng nhưng không có chế độ gì, thế nên đến tháng 5/2021 chị xin vào làm công nhân cao su và đang ở tại khu tập thể nơi đây.

Chị kể, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng nếu chăm chỉ làm việc thì mọi thứ cũng ổn. Chồng chị là anh Điểu Thủ, sinh năm 1986 hiện đang làm cộng tác viên hướng dẫn viên du lịch ở Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập. Hai vợ chồng trò chuyện thân tình như đang trò chuyện với một người bạn. Anh Thủ say sưa kể về công việc của mình là giới thiệu cho du khách về những hoạt động trong lao động sản xuất của người S’tiêng bản địa, ví dụ du khách được trải nghiệm đi làm rẫy như một người dân, đi hái lá nhíp, đi thu hoạch đọt mây, đi hái nấm, đi bắt cá dưới suối…, giới thiệu một số món ăn của dân tộc mình như cơm lam, rượu cần, canh thụt, canh bồi…

Sau anh Bưởi, chị Bê, tôi còn gặp thêm mấy người hàng xóm ở cùng khu tập thể với anh chị, thấy nét tươi vui hiện hữu trên ánh mắt nụ cười của cộng đồng nhỏ này. Đặc biệt là nơi đây có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, Mnông kế đó là Khmer, Tày, Việt kiều Campuchia và một số bà con từ phía Bắc di cư vào. Đúng là đất lành chim đậu, mọi người muốn về đây xây dựng tổ ấm, mong muốn được làm việc lâu dài, ổn định cuộc sống làm nên một vùng biên yên ả đẹp như tranh.

Các cán bộ ở Ban quản lý cho biết sẽ thành lập sân bóng chuyền, sân bóng đá để công nhân vui chơi giải trí lúc chờ giao mủ hoặc khi rảnh rỗi. Lập vườn cây ăn trái công nhân ở ngay trước khu nhà tập thể vừa tạo bóng mát, cảnh quan, vừa có hoa quả phục vụ tại chỗ.

Chia tay Tổ 2 Đội Phước Long, nơi có 52 công nhân mà có đến 11 cặp vợ chồng cùng làm việc chung, thấy được không khí lao động vui vẻ tràn trề sức trẻ, nụ cười thường trực trên môi. Và một niềm tin vào ngày mai tươi sáng!

NGÔ THỊ NGỌC DIỆP