CSVN – Indonesia đang tìm cách hợp tác với nhà sản xuất cao su Thái Lan khi nước này đang đối phó với giá giảm mạnh và việc Liên minh châu Âu ban hành luật chống phá rừng. Thương mại cao su là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự trong cuộc gặp gần đây của Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan với Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha.
Theo Zulkifli, Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, 2 nước này hiện đang gặp phải khó khăn nối tiếp nhau là việc giá cao su sụt giảm cho đến việc mặt hàng này phải tuân theo Quy định không phá rừng của EU (EUDR).
“Thái Lan và Indonesia là những nhà sản xuất cao su hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với tình huống tương tự do giá cao su tự nhiên toàn cầu tiếp tục biến động trong thập kỷ qua,” ông Zulkifli cho biết trong một thông cáo báo chí gần đây. Ngoài ra Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết thêm, bệnh rụng lá cao su cũng “giáng một đòn chí mạng” vào sản xuất, càng thêm gây khó khăn cho nông dân. Giá giảm có thể khiến nông dân trồng cao su chuyển sang các cây trồng khác. Theo Zulkifli, điều này có thể dẫn đến nguồn cung cao su tự nhiên bị thắt chặt trong tương lai.
Ông cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các thành viên của Hội đồng Cao su ba bên quốc tế (ITRC), cụ thể là: Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Hội đồng này chiếm 58% sản lượng cao su toàn cầu, theo đuổi mức giá hợp lý và có lợi cho các hộ sản xuất nhỏ. Hội đồng có một số công cụ để kiểm soát giá, kế hoạch xuất khẩu đã thỏa thuận (AETS) nhằm hạn chế xuất khẩu cao su. Các công cụ khác bao gồm chương trình quản lý nguồn cung (SMS) và chương trình thúc đẩy nhu cầu (DPS) nhằm thúc đẩy tiêu thụ cao su trong nước. “ITRC cũng cần làm việc cùng với các nhà xuất khẩu cao su khác, bao gồm Việt Nam và Philippines, để đẩy giá lên,” Zulkifli nói thêm.
Năm 2022, Indonesia là nước sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan, chiếm thị phần 21,57%. Indonesia đã xuất khẩu cao su tự nhiên trị giá 3,66 triệu đô la vào năm 2022, đánh dấu mức giảm 11,35% so với 4,12 triệu đô la được ghi nhận vào năm trước. Bộ Thương mại Indonesia cho biết xuất khẩu cao su tự nhiên của Indonesia đang có xu hướng giảm 1,4% trong giai đoạn 2018-2022.
Cao su – cùng với dầu cọ – là một trong những mặt hàng mà EUDR điều chỉnh. Theo đó, các nhà xuất khẩu phải chứng minh cao su của họ không đến từ đất bị phá rừng nếu họ muốn vào thị trường EU. Indonesia đã cố gắng làm dịu lập trường của EU, mặc dù các cuộc đàm phán của họ chú trọng nhiều hơn đến dầu cọ. Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ Malaysia, và EU gần đây đã đồng ý thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để xác định các giải pháp thiết thực cho việc thực hiện EUDR.
Q.K (theo jakartaglobe.id)
Related posts:
- Nữ cán bộ Công đoàn tận tâm, hết lòng vì công nhân lao động
- Cao su Phước Hòa chia cổ tức 45%
- TCT Cao su Đồng Nai "tuyển và giữ" lao động hiệu quả
- Đoàn Thanh niên Cao su Đồng Nai tình nguyện hỗ trợ công nhân mùa tái canh
- Giá trị xuất khẩu cao su tăng gần 80% trong nửa đầu năm 2021
- Tôn vinh 14 doanh nghiệp tại Hội nghị Quốc tế và Họp mặt Doanh nhân Cao su 2020
- Gỗ Tây Ninh hướng đến xuất khẩu sản phẩm tinh chế
- Cao su Bình Long sôi nổi ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Diện mạo mới, sức sống mới ở Ya Chim
- Hiệu quả từ phong trào “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”