Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao hoạt động công đoàn của VRG tại Campuchia và Lào

CSVNO – Ngày 11/9, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và lãnh đạo VRG đã có buổi làm việc về tình hình tổ chức và hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp do VRG đầu tư tại hai nước Campuchia và Lào.

Tham dự buổi làm việc, về Tổng LĐLĐ Việt Nam có ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực TLĐ, Trưởng đoàn công tác; ông Huỳnh Thanh Xuân – Phó Chủ tịch TLĐ. Về phía VRG, có ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy, TGĐ Tập đoàn; ông Trương Minh Trung – UV BTV Đảng uỷ, Phó TGĐ Tập đoàn; ông Lê Đình Bửu Trí – Phó TGĐ Tập đoàn; ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ Tập đoàn, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam, cùng đại diện các doanh nghiệp thuộc VRG đang đầu tư tại Campuchia, Lào.

Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam cho biết, thời gia qua, được sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp chặt chẽ các cấp đoàn thể, sự chỉ đạo kịp thời của Tập đoàn, hoạt động công đoàn đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, việc làm, môi trường làm việc, thu nhập, phúc lợi của người lao động (NLĐ) ngày một nâng cao. Tuy vậy, do địa bàn các công ty đóng chân tại hai nước Campuchia, Lào nên các hoạt động, tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai.

“Buổi làm việc hôm nay là dịp để Tập đoàn, các doanh nghiệp đóng chân tại Campuchia, Lào trình bày, thảo luận về mô hình tổ chức, nội dung hoạt động của công đoàn. Từ đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp, chính sách để hoạt động công đoàn phù hợp hơn tại nước sở tại” – ông Huỳnh Kim Nhựt, phát biểu.

Quang cảnh hội nghị

Tại buổi làm việc, đoàn khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nghe Công đoàn Cao su Việt Nam trình bày tình hình chung về hoạt động công đoàn, cơ cấu tổ chức hệ thống công đoàn tại các doanh nghiệp tại Lào và Campuchia, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động.

Công đoàn Cao su Việt Nam hiện quản lý tổng số hơn 23.000 lao động. Trong đó, lao động tại Campuchia là hơn 17.400 người (931 người Việt, 16.526 người Campuchia). Lao động tại Lào đạt hơn 5.200 người (656 người Việt, 4.587 người Lào). Thu nhập bình quân của công nhân tại Campuchia là gần 14 triệu đồng, tại Lào là gần 8 triệu đồng.

Các dự án cao su đều có tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong đó có 2 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Cao su Việt Nam quản lý (Công ty CPCS Việt Lào và Công ty CP Cao su Chư sê – Kampongthom), còn lại là công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn công ty mẹ tại Việt Nam. 

Lãnh đạo Công đoàn Cao su Chê Sê Kampongthom dự hội nghị theo hình thức trực tuyến

Về thuận lợi, được sự quan tâm của Đảng bộ, ban lãnh đạo công ty mẹ ở Việt Nam, công đoàn các cấp, hoạt động tại các công đoàn cơ sở có nhiều tích cực. Ngoài chăm lo ổn định đời sống công nhân, vào các ngày lễ lớn, công đoàn sôi nổi tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao giao lưu giữa các đơn vị với nhau nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. 

Dẫu vậy, do địa bàn các công ty đóng chân tại nước ngoài nên nhiều hoạt động, tổ chức công đoàn gặp không ít trở ngại. Một số khó khăn như thời gian hoạt động hạn chế, cán bộ công đoàn phân tán, khó tập trung, nguồn kinh phí chưa nhiều, hay các hoạt động, phong trào ít thu hút đoàn viên, người lao động tham gia…

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG phát biểu tại hội nghị

Theo ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng uỷ, TGĐ VRG, Tập đoàn hiện đầu tư, quản lý hơn 110.000 ha diện tích cao su tại Lào và Campuchia. Ngoài lợi ích kinh tế, việc đầu tư sản xuất cao su tại hai nước bạn còn mang ý nghĩa quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chính sách quan tâm người lao động tại hai nước này được Tập đoàn đẩy mạnh, được thể hiện qua các hoạt động công đoàn.

Sau khi nghe đại diện công đoàn tại các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất tại Campuchia, Lào trình bày, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá mô hình công đoàn hiện đang triển khai mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo ông, để công đoàn hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, phải đề xuất một số kiến nghị giải pháp.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

“Thứ nhất, mỗi quốc gia truyền thống văn hoá khác biệt, vì vậy, mô hình công đoàn tại các doanh nghiệp thuộc VRG phải tôn trọng, hài hoà, phù hợp với văn hoá nước sở tại. Tiếp đến, cần quan tâm nhiều hơn về chế độ chính sách, công tác đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở tại Campuchia, Lào. VRG nên nghiên cứu thêm chương trình huấn luyện, đầu tư kinh phí, bổ sung cơ sở vật chất cho hoạt động công đoàn tại nước ngoài. Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam tăng cường cơ chế kết hợp, trao đổi, tổ chức các đoàn công tác tại Lào và Campuchia, tạo điều kiện Công đoàn Cao su Việt Nam tham dự và kết nối…” – ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

HOÀNG KHẢI