CSVN – So với các khu vực khác của VRG, các công ty cao su khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các đơn vị đã có rất nhiều nỗ lực trong việc triển khai tổ chức hoạt động SXKD và chăm lo đời sống NLĐ.
Điều kiện làm việc được cải thiện, thu nhập từng bước được nâng lên
Sau 16 năm bén rễ ở miền núi phía Bắc (MNPB), vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, 28.715 ha cao su đứng vững với diện tích mở cạo mỗi năm càng nhiều, đã đem lại hiệu quả SXKD tốt cho các công ty và thu nhập ổn định cho NLĐ. Nhờ có cây cao su, đời sống bà con đã thay đổi, giờ đây công nhân cao su vùng cao đã không còn “chạy” ăn từng ngày mà đã có thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang, có tiền tích lũy.
Khu vực MNPB có 9 đơn vị hiện đang thực hiện nhiệm vụ trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su tại 6 tỉnh, với hơn 4.500 lao động, trong đó trên 92% là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hoạt động. Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Công đoàn (CĐ) các đơn vị thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, chăm lo đời sống, việc làm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, góp phần cùng các công ty vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển SXKD. Tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho NLĐ và 825 hộ nhận khoán. Đơn cử như năm 2022 vừa qua, thu nhập bình quân của 9 công ty cao su MNPB trên 5,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm 2021 là 11%. Nộp ngân sách Nhà nước trên 19,3 tỷ đồng. Để NLĐ yên tâm sản xuất, CĐ các đơn vị thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của NLĐ để đề xuất với lãnh đạo các công ty hỗ trợ. Nhất là việc cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm đủ việc làm và giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho NLĐ.
Chế độ, chính sách cho NLĐ được thực hiện đảm bảo và kịp thời
Công ty CPCS Điện Biên hiện đang quản lý 3.730 ha cây cao su, với 822 lao động (hơn 91% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số). Công ty đảm bảo đủ việc làm ổn định, thường xuyên cho NLĐ với thu nhập tăng bình quân 10,5%/năm; năm 2022 trên 5,8 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Không chỉ đời sống được cải thiện, điều kiện làm việc và sinh hoạt của NLĐ được Cao su Điện Biên đặc biệt quan tâm. 100% nhà làm việc, nhà ở và công trình phụ trợ tại các NT, đội sản xuất đã được xây dựng kiên cố. Máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công việc được mua sắm, bảo dưỡng, thay thế, tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ thực hiện nhiệm vụ công tác, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động. CĐ công ty đã trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân kịp thời đảm bảo về chất lượng và số lượng (tổng số tiền cấp phát bảo hộ lao động từ năm 2017 – 2022 hơn 1,8 tỷ đồng).
Hàng năm, công ty đầu tư hệ thống đường bê tông 1m trên các tuyến đường lô để phục vụ nhu cầu đi lại, khai thác, thu hoạch mủ nên đã hạn chế tai nạn lao động, nâng cao hiệu suất làm việc của NLĐ. Ngoài ra, CĐ đã phối hợp với chuyên môn đã quan tâm xây dựng mới, sửa chữa sân cầu lông, bóng chuyền, lắp đặt internet, truyền hình kỹ thuật số… cho hầu hết các NT, đơn vị được phục vụ nhu cầu công tác, trao đổi thông tin, giải trí của NLĐ.
Nhiều công trình phục vụ đời sống NLĐ
CĐ Công ty CPCS Sơn La hiện có 1.043 đoàn viên, với đặc thù gần 100% CNLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, CĐ công ty đã phối hợp với chuyên môn xây dựng đơn giá tiền lương, định mức lao động; xây dựng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có lợi nhất cho NLĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ.
Hàng năm, CĐ đã phối hợp cùng chuyên môn tổ chức hội nghị NLĐ và tổng kết hoạt động SXKD. Hoạt động CĐ từ công ty đến các đơn vị trực thuộc bảo đảm theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đặc biệt, CĐ tổ chức đối thoại, trao đổi các vấn đề phát sinh trong quá trình SXKD. Qua đó, các kiến nghị của NLĐ được giải đáp thỏa đáng, tạo niềm tin để NLĐ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.
Từ năm 2017 đến nay, CĐ đã phối hợp với chính quyền đầu tư hơn 5 tỷ đồng trang cấp bảo hộ lao động và hàng trăm triệu đồng bê tông hóa hệ thống đường lô phục vụ CN khai thác. Ngoài ra, CĐ đã xây dựng mới, sửa các thiết chế văn hóa, như sân cầu lông, bóng chuyền, bóng đá; lắp đặt internet, truyền hình kỹ thuật số cho các NT, đội sản xuất, phục vụ nhu cầu công tác, trao đổi thông tin, giải trí của NLĐ.
Điều kiện làm việc và sinh hoạt của NLĐ luôn được CĐ quan tâm và cải thiện. Đến nay, 100% nhà làm việc, nhà ở, lớp học mầm non và công trình phụ trợ tại các NT, đội sản xuất được xây dựng kiên cố; máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất được đầu tư, bảo dưỡng, thay thế. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động được triển khai thực hiện đúng quy định. Chia sẻ về hoạt động trọng tâm trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Quý – Phó TGĐ, Chủ tịch CĐ Cao su Sơn La, cho biết: “Hiện nay, BCH CĐ đang tập trung đổi mới phương thức hoạt động theo hướng lấy đoàn viên, NLĐ là trung tâm. Tiếp tục triển khai hiệu quả các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phong trào rèn tay nghề, thi thợ giỏi, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; từng bước ổn định, nâng cao đời sống cho NLĐ”.
Chỗ dựa tin cậy của NLĐ
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, Ban Chấp hành CĐ các công ty đã tham gia xây dựng hệ thống nội quy, quy chế làm việc; NLĐ vào làm việc được ký hợp đồng lao động đầy đủ, đúng quy định. CĐ đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng TƯLĐTT đúng luật, phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình SXKD. CĐ phối hợp với chuyên môn xây dựng đơn giá tiền lương, định mức lao động, hỗ trợ ăn giữa ca; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách, giám sát việc trả lương, trả thưởng, khoán sản phẩm và các chế độ khác đối với NLĐ.
Trên cơ sở đó, quyền lợi của NLĐ trong thời gian qua được đảm bảo. Phát huy thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Hoạt động của Ban đối thoại định kỳ các công ty đã được thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị đại biểu NLĐ hàng năm, chất lượng đối thoại ngày càng được nâng lên.
Công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ cũng được quan tâm đúng mức. Bên cạnh việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, BCH CĐ các công ty luôn chăm lo đời sống, tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời NLĐ khi ốm đau hoạn nạn, tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn…
Các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần được CĐ các đơn vị quan tâm, thường xuyên tổ chức và được NLĐ hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi, nhất là các hoạt động văn hóa văn nghệ – thể dục thể thao, nhiều phong trào thi đua chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, ngành, địa phương và của các công ty. Từ đó, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, ý thức trách nhiệm với công việc của đại bộ phận NLĐ ngày càng được nâng lên. Để động viên, khích lệ NLĐ trong các phong trào thi đua, các đơn vị đã thường xuyên khen thưởng động viên. Trong đó, ưu tiên lao động trực tiếp, lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, các công ty MNPB đã khen thưởng cho các tập thể và cá nhân, giá trị hiện vật khen thưởng trên 450 triệu đồng.
16 năm qua, CĐ các công ty khu vực MNPB đã nỗ lực từng bước giúp bà con các dân tộc trên địa bàn ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao. Phát huy kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2023 – 2028, CĐ các đơn vị đẩy mạnh đa dạng các hoạt động, để chăm lo tốt nhất đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ.
BÌNH MINH
Related posts:
- Sẽ bổ sung, điều chỉnh Thỏa ước lao động tập thể ngành
- Công đoàn Cao su Kon Tum: Phát động nhiều phong trào thi đua hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày thành lập...
- Công đoàn Cao su VN tập huấn nghiệp vụ thỏa ước lao động tập thể
- Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cơ quan VRG tổ chức chương trình Quốc tế thiếu nhi
- Số ca nhiễm Covid 19 ở Campuchia vượt mốc 10.000, Lào lần đầu có ca nhiễm 3 con số
- CĐ CSVN thăm, tặng quà cho CNLĐ tại Campuchia
- Cụm thi đua miền Đông Nam bộ: Phát huy truyền thống, tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022
- Tổng Công ty Cao su Đồng Nai: Chuyển đổi số toàn diện tạo nền tảng cho sự đột phá và tăng trưởng
- Lãnh đạo Cao su Mang Yang đến tận nơi trao quà, ghi nhận ý kiến công nhân
- Hội thi Bàn tay vàng là lễ hội truyền thống, mang tính biểu tượng của ngành cao su