CSVN – Máng chắn, mái che giúp ngăn dòng chảy nước mưa vào miệng cạo, chén hứng mủ, đồng thời làm miệng cạo nhanh khô, duy trì sản lượng, chất lượng mủ vào những tháng mưa.
“Bảo vệ” mủ cao su mùa mưa
Ở miền Đông Nam bộ, mùa mưa thường bắt đầu từ đầu tháng 5, kết thúc cuối tháng 11. Giai đoạn này cũng là thời điểm cây cao su sinh trưởng, phát triển mạnh, lượng mủ cho ra nhiều. Để giảm thiểu tác động của thời tiết đối với mủ cao su, từ nhiều năm nay, các công ty áp dụng biện pháp dán máng che mưa cho cây cao su.
Đến NT Lai Uyên, Công ty CPCS Phước Hoà vào một ngày giữa tháng 7, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng các anh chị công nhân cao su về cách cạo mủ, giữ mủ trong những tháng mưa. Chị Nguyễn Thị Hồng – công nhân khai thác Đội 2, có kinh nghiệm hơn 19 năm cạo mủ, cho biết, thời điểm thu hoạch mủ rộ thường bắt đầu từ sau tháng 5, ngay đúng mùa mưa. Vào những ngày này, nếu không có biện pháp giữ mủ cẩn thận, lượng mủ dễ bị hao hụt. Nguyên nhân là nếu nước mưa rơi vào miệng cạo, chén hứng sẽ làm thối miệng cạo, hư mủ, thất thoát sản lượng. Trước kia, chị Hồng phải túc trực ngoài lô cả ngày để trời mưa trở tay cho kịp, chạy đua với thời tiết để trút mủ.
“Từ khi áp dụng phương pháp gắn máng che mưa, công nhân chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều. Đối với mưa nhỏ, vừa, máng che mủ phát huy tác dụng rất tốt. Công nhân bây giờ có thể yên tâm ngồi nghỉ ngơi tại nhà đội chờ tạnh mưa, có thể ra lô làm những việc tiếp theo, rất thuận tiện. Với kinh nghiệm 19 năm, tôi nghĩ rằng quan trọng là công nhân phải lắp máng che mưa thật kín, chắc chắn, như thế mới che chắn cẩn thận khi mưa tới” – chị Hồng nói thêm.
Phát huy các sáng kiến trong việc lắp đặt máng che mưa
NT Lai Uyên hiện trang bị máng chắn mưa, mái che mủ 100% diện tích vườn cây. Ông Trần Văn Phong – Phó Giám đốc NT Lai Uyên cho biết, máng che mưa được NT áp dụng từ lâu, trải qua nhiều thử nghiệm với đủ kiểu mái che cũng như chất lượng. Ban đầu NT dùng loại máng bằng xốp, sau đó thay thế bằng nhựa PE với nhiều kích cỡ và cách làm khác nhau. Có lúc máng được làm ngửa lên để hứng và dẫn nước, có khi được làm úp xuống (gọi là mái che mưa) để dòng nước theo mái chảy tuột ra ngoài. Hiện tại, NT dùng loại máng che bằng vật liệu PE có độ rộng 5-7 cm.
“Máng che mưa và mái che chén đã đem lại lợi ích rất lớn cho ngành cao su nói chung và NT Lai Uyên nói riêng. Ngày trước khi chưa làm mái che chén thì khi trời mưa, công nhân phải dầm mưa đi trút mủ của mình, khiến công nhân bị ướt, dễ bị bệnh. Ngoài ra, phương pháp này giúp hạn chế nước mưa vào chén làm cho mủ bị loãng, khô miệng cạo, từ đó góp phần lớn duy trì sản lượng mủ cho NT” – ông Phong đánh giá.
Nhờ nhiều biện pháp giữ vững sản lượng, năng suất cao su của NT Lai Uyên luôn nằm trong tốp đầu của Cao su Phước Hòa nhiều năm qua. NT hiện quản lý 2.709,87 ha, tổng số lao động là 283 người. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng mủ NT trên 606 tấn.
“Để đạt được nhiều kết quả tích cực, NT đề ra nhiều kế hoạch cụ thể, các giải pháp kỹ thuật trong quản lý vườn cây. Trong đó, đơn vị chú trọng lắp, gia cố máng che mủ trong những tháng cao điểm mùa mưa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích công nhân phát huy các sáng kiến trong việc lắp đặt máng che mưa, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao” – ông Phong, nhấn mạnh.
HOÀNG KHẢI
Related posts:
- Sáng kiến trong chế tạo lò sấy cao su: Hạ giá thành sản phẩm, thân thiện với môi trường
- Kinh nghiệm giữ vững năng suất trên 2 tấn/ha
- Chăm sóc cây cao su thời giá bán mủ thấp
- Bộ lá ổn định nhờ chú trọng phun phòng bệnh phấn trắng
- Nông trường Bachiang I nhiều năm liền năng suất 2 tấn/ha
- Sinh trưởng cao su phụ thuộc vào cây trồng xen
- Nông trường Cầu Khởi, Cao su Tây Ninh: 2 tổ năng suất trên 3 tấn/ha
- Cao su Lai Châu vượt khó
- Những tín hiệu tích cực từ Nông trường Mường La
- Hậu quả của trồng cao su không đúng kỹ thuật