Bà Nguyễn Thị Phi Nga – Phó TGĐ thường trực Công ty CPCS Phước Hòa: “6.010ha quy hoạch khu/cụm công nghiệp”

CSVN – “Cao su Phước Hòa hiện quản lý 15.687 ha đất, trong đó diện tích cao su là 15.084 ha, khoảng 600 ha là diện tích khác trải rộng trên 5 huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương. Công ty có 2.077 lao động, tiền lương bình quân 9,2 triệu đồng/người/tháng.

Cao su Phước Hòa góp 80% vốn vào KCN Tân Bình

Hiện nay, công ty góp 80% (trên tổng số 100 tỷ đồng vốn điều lệ) vào Công ty CP KCN Tân Bình với diện tích thương phẩm hơn 240 ha. Công ty cũng nắm giữ hơn 32,85% (trên tổng số 160 tỷ đồng vốn điều lệ) của Công ty CP KCN Nam Tân Uyên với diện tích hơn 330 ha và đang mở rộng giai đoạn II gần 345 ha.

Nhìn chung, công ty góp vốn vào công ty con hay công ty liên kết trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN đều rất hiệu quả. Cụ thể: Ở Công ty CP KCN Tân Bình năm 2020 nhận cổ tức 80% (102 tỷ đồng), năm 2021 cũng nhận cổ tức 80% (102 tỷ đồng), năm 2022 vừa qua chia cổ tức 30% (37 tỷ đồng). Ở Công ty CP KCN Nam Tân Uyên, năm 2020 nhận cổ tức 120% (102 tỷ đồng), năm 2021 nhận cổ tức 90% (71 tỷ đồng), năm 2022 nhận 80% cổ tức (47 tỷ đồng).

Vị trí đất của Cao su Phước Hòa quản lý đa số đều tiếp giáp với các KCN trong tỉnh, vì vậy cạnh tranh lao động rất gay gắt và hiện nay công ty đang thiếu hụt lao động khai thác mủ cao su. Bên cạnh đó, giá bán cao su luôn ở mức thấp, dẫn đến doanh thu cao su không cao. Chính vì vậy, về kế hoạch sử dụng đất sắp tới, công ty đã quy hoạch việc tái sử dụng đất, theo chủ trương chung phù hợp với sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương. Căn cứ vào sự chỉ đạo của lãnh đạo VRG, công ty đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030 với tổng diện tích 10.702 ha và kế hoạch này đã được lãnh đạo địa phương thống nhất thông qua.

Theo đó, 4.992 ha sẽ quy hoạch KCN, 1.018 ha quy hoạch cụm công nghiệp (8 cụm công nghiệp ở huyện Phú Giáo, 4 cụm công nghiệp ở huyện Bắc Tân Uyên và 2 cụm công nghiệp ở huyện Bàu Bàng), 1.300 ha quy hoạch khu dân cư, 1.400 ha quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao và 1.300 đất khác. Còn lại 4.300 ha là quy hoạch cao su (chỉ chiếm 28% trong tổng diện tích 15.084 ha). Các vùng đất chuyển đổi đều là đất xấu bạc màu, hiệu quả trồng cây cao su không cao.

Công ty đã xác định xong diện tích phân bổ từng phần để phục vụ các nhu cầu phát triển khu/cụm công nghiệp, khu công nghệ cao… của tỉnh Bình Dương. Công ty có nhiều lợi thế trong việc chuyển đổi đất cao su sang phát triển KCN như tiết kiệm thời gian và chi phí đền bù so với các KCN khác, giúp giá cho thuê đất cạnh tranh hơn… vì vậy hiệu quả cũng cao hơn.

TUỆ LINH (ghi)