Cao su quê hương tôi

CSVN – Tôi sinh ra và lớn lên trong một làng nhỏ ở vùng cao nguyên lộng gió, nơi được bao bọc, ôm ấp, chở che bởi những cây cao su to lớn. Hình ảnh những hàng cây cao su xanh mướt vươn lên đón khí trời, tạo nên một khung cảnh trữ tình và gợi nhớ trong tâm hồn của tôi khi đi xa.

Những cánh rừng cao su bạt ngàn

Những rừng cao su bạt ngàn – nơi tôi gọi là quê hương của mình, với những thửa đất bazan màu mỡ, những hàng cây cao su xòe những tán lá rợp bóng mát, tạo nên một tấm thảm xanh trải dài xa tít. Với những cánh đồng rộng lớn, những con đường nhỏ quanh co, những dòng sông uốn lượn…. tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống và nhiều màu sắc.

Không chỉ là nguồn sống của dân làng, rừng cao su còn là một biểu tượng văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi đây. Từ bao đời nay, cây cao su đã trở thành người bạn trong cuộc sống của người lao động quê tôi. Từ việc khai thác mủ đến việc chế biến các sản phẩm từ cao su như bóp, dép, tấm lót sàn, và cả những sản phẩm công nghiệp khác, cây cao su đều đóng vai trò quan trọng. Không chỉ những giá trị kinh tế mà cây cao su mang lại, mà nó còn là một phần của ký ức tuổi thơ của tôi, và của nhiều người dân trong vùng. Khi tôi rời xa quê hương, hình ảnh những hàng cây cao su vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí tôi, gợi lên những kỷ niệm đẹp và nỗi nhớ da diết.

Rừng cao su không chỉ là biểu tượng của sự sống, mà nó còn là minh chứng của sự đoàn kết vượt khó của người lao động; nó còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Những cánh rừng cao su trùng điệp đã được vun trồng và chăm sóc bởi những bàn tay khéo léo của người dân nơi đây. Chúng tạo ra nguồn thu nhập chính cho cộng đồng và đem đến sự “thay da đổi thịt” của vùng sâu, vùng xa.

Trong những thớ gỗ của thân cây, đều chứa đựng một dòng nhựa trắng tinh khiết, như dòng “sữa mẹ”, tích lũy những gì tinh túy nhất của đất và trời, kết tinh thành “dòng chảy cuộc sống” để dành tặng cho con người, đem đến cuộc sống giàu đẹp cho người dân nơi đây.

Khi mặt trời vừa ló dạng, những người công nhân bắt đầu một ngày làm việc mới. Tiếng dao, thùng, âm thanh trò chuyện của mọi người như đang đánh thức giấc ngủ của núi rừng. Từ thân cây sù sì những dòng nhựa trắng nhỏ từng giọt tý tách vào chén mủ sóng sánh trong nắng sớm… Tất cả tạo nên bức họa ban mai yên bình và thuần khiết khiến con người cảm thấy khoan khoái và thích thú.

Trong những ngày hè oi bức, rừng cao su là điểm đến lý tưởng để tìm kiếm sự bình yên và thư giãn. Dưới tán lá xanh mát, ta có thể hít hà bầu không khí trong lành và cảm nhận sự tĩnh lặng của thiên nhiên. Cảm giác sảng khoái và tươi mới sẽ giúp ta đánh tan mọi căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống.

Vào mùa đông thời tiết trở nên lạnh hơn, lượng mưa giảm, những chiếc lá cao su sẽ rơi rụng để chuẩn bị thay màu áo mới. Khi bước vào mùa xuân những cơn gió nhẹ thoảng qua, cây cao su bắt đầu đổi màu và đâm chồi nảy lộc. Những chiếc lá xanh non, tươi mới, mượt mà thầm thì với gió, đùa giỡn với trăng, đón ánh mặt trời. Đàn chim hót líu lo, tạo nên một không gian âm nhạc tuyệt vời. Mùa xuân – khởi đầu của sự đổi mới và hy vọng, nhìn những lộc non cựa mình trong ban mai khiến ta cảm nhận được niềm hạnh phúc lan tỏa và tràn đầy năng lượng tích cực.

Cây cao su không chỉ là biểu tượng của rừng nhiệt đới, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống của người làng tôi. Từ những dòng nhựa trắng tinh đến những chiếc lá rụng đầy màu sắc, là những hình ảnh đi theo hành trình và trở thành nỗi nhớ xốn xang của những người con xa xứ. Dòng nhựa trắng tuôn chảy vun bồi cảm xúc, đưa ta về với những kỷ niệm đẹp và tình cảm thân thương của quê hương.

XUÂN HƯNG