Các đơn vị thuộc VRG tại Campuchia quyết tâm hoàn thành vượt cao nhất kế hoạch năm 2023

CSVNO – Đó là thông tin tại Hội nghị giao ban tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2023 đối với các công ty cao su của VRG tại Vương quốc Campuchia, do Tập đoàn tổ chức vào ngày 29/7 tại Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG phát biểu chỉ đạo tại buổi họp giao ban
Thuận lợi về sản lượng, khó khăn về giá bán

Tính đến ngày 30/6, tổng diện tích các đơn vị thành viên VRG đang quản lý tại Campuchia là 88.348 ha; trong đó: diện tích kinh doanh là 85.281 ha; diện tích KTCB là 1.206 ha, ngưng đầu tư là 947 ha. Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm là 39.212 tấn, đạt gần 30% KH năm (so với sản lượng khai thác cùng kỳ năm 2022 tăng 9,46%, nhiều hơn 3.389 tấn). Nhiều đơn vị đạt sản lượng khai thác 6 tháng cao so với kế hoạch, cụ thể: Tân Biên Kampong Thom đạt 5.097 tấn, (35,64% KH năm); Đồng Nai Kratie đạt 2.865 tấn (39% KH năm); Đồng Phú Kratie đạt 2.529 tấn (33,29%); Tây Ninh Siêm Riệp đạt 1.823 tấn (40,52%); Bà Rịa Kampong Thom đạt 3.343 tấn, (31,85%); Mê Kông đạt 2.430 tấn (31,56%); 2 đơn vị là C.R.C.K 2 và Bean Heack đều đạt trên 30% KH năm….

Ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom, Cụm trưởng Cụm 1 báo cáo tại buổi họp

Về chế biến, đến hết ngày 30/6, các đơn vị tại Campuchia đã chế biến được 44.598 tấn, đạt 36,5% so với KH năm (so với cùng kỳ cao hơn 24,81%, tương đương nhiều hơn 8.866 tấn).

6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã tiêu thụ được 49.463 tấn, đạt 37% KH năm (so với cùng kỳ cao hơn 17%, tương đương nhiều hơn 7.232 tấn), giá bán bình quân khoảng 30,38 triệu đồng/tấn; doanh thu gần 1.571 tỷ đồng (đạt 31,95% KH năm), lợi nhuận trước thuế gần 59,7 tỷ đồng (đạt 11,21% KH năm). Doanh thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 137,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế thấp hơn 247,9 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do giá bán trong 6 tháng đầu năm 2023 ở mức thấp (30,38 triệu đồng/tấn so với kế hoạch 36 triệu đồng/tấn và so với cùng kỳ); chi phí đầu vào một số loại vật tư phục vụ trang bị cho mùa cạo mới tăng. Một số đơn vị như: Mang Yang K, Đồng Nai Kratie…  chi phí lãi vay cao làm tăng giá thành tiêu thụ dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó TGĐ Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom báo cáo tình hình hoạt động SXKD của đơn vị tại buổi họp
Nhiều giải pháp nhằm hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2023

Trong 6 tháng còn lại của năm 2023, các đơn vị tại Campuchia phấn đấu khai thác 96.222 tấn (đạt 73,5% KH năm), ước thực hiện cả năm 2023 là 136.454 tấn (đạt 103,96% KH năm 2023); chế biến  hơn 91.011 tấn (đạt 72,17% KH năm), ước thực hiện cả năm 2023 là 137.143 tấn (đạt 109,09 KH năm 2023); sản lượng tiêu thụ gần 89.256 tấn (đạt 66,95%); ước thực hiện cả năm 2023 là 138.719 tấn (đạt 103,95% KH năm 2023); ước tổng doanh thu hơn 3.149 tỷ đồng (đạt 61,16% KH năm); ước thực hiện cả năm 2023 là 4.719,7 tỷ đồng (đạt 93,11% KH năm 2023).

Ông Nguyễn Đức Hiền – Phó TGĐ phụ trách Công ty TNHH MTV Cao su Dầu tiếng đại diện lãnh đạo các công ty mẹ có ý kiến tại buổi họp

Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 ở mức cao nhất các đơn vị tập trung vào các giải pháp: Tập trung chăm sóc vườn cây nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, chú trọng công tác bảo vệ thực vật, phòng trị bệnh kịp thời. Ổn định lao động phục vụ công tác khai thác, đảm bảo tay nghề, nâng cao năng suất lao động và có kế hoạch dự trữ, tuyển dụng đào tạo tay nghề để bổ sung kịp thời khi có biến động về lao động. Chú trọng công tác thu gom mủ nguyên liệu, bảo quản, chế biến sảm phẩm mủ cao su đạt chất lượng cao. Tăng cường giải pháp về quản lý, giao khoán và các biện pháp quản lý chặt chẽ từ chi phí quản lý, đầu tư, thực hiện tiết giảm chi phí hợp lý nhằm hạ giá thành sản phẩm và linh hoạt trong điều hành để nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh năm 2023. Chủ động trong công tác tiêu thụ, tích cực tìm kiếm đối tác mới nhằm thực hiện ký kết hợp đồng bán chuyến tại thời điểm thích hợp phấn đấu tiêu thụ đạt hiệu quả cao nhất trong tình hình thị trường hiện đang diễn biến không được thuận lợi…

Đoàn công tác cũng đã đến thăm Nhà máy chế biến mủ của Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom

Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của Cụm trưởng các Cụm 1,2,3 cũng như các đơn vị thành viên hầu hết đều xoay quanh giá bán hiện nay thấp, tình hình tiêu thụ khó khăn. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác về tình hình đầu tư, đất đai, vốn vay, thuế suất tại Campuchia… và đề xuất tháo gỡ các khó khăn, các đơn vị đều thể hiện quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản lượng được giao.

Đại diện các Ban tham mưu Tập đoàn có nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực tháo gỡ những khó khăn cho các đơn vị. Ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban Quản lý kỹ thuật (QLKT) VRG, đánh giá: “Thời tiết những tháng đầu năm tại các đơn vị sản xuất ở Campuchia tương đối thuận lợi, định biên lao động ổn định nên việc hoàn thành vượt sản lượng là hoàn toàn khả thi. Cuối năm 2023 dự kiến sẽ có 4 công ty nẳm trong CLB 2 tấn/ha là Tân Biên Kampong Thom, Bà Rịa Kampong Thom, C.R.C.K.2, Bean Heack. Hiện nay, Ban QLKT Tập đoàn đang xây dựng đề án tái cơ cấu vườn cây giai đoạn 2, tâp trung vào công tác giống cho các đơn vị trồng tái canh giai đoạn 2”.

Lãnh đạo các Ban: Tài chính – Kế toán, Kế hoạch Đầu tư VRG đề nghị các đơn vị tiết giảm tối đa chi phí chưa cần thiết nhằm giảm giá thành, đồng thời tăng năng suất, sản lượng để bù vào giá bán sụt giảm. Các ban cũng sẽ tham mưu hỗ trợ tối đa cho các đơn vị khó khăn trong tiêu thụ mủ cao su cũng như tính toán giá thành trong thời gian tới.

Đoàn cũng đã đến thăm vườn cây của các công ty tại Cụm 1

Ông Huỳnh Tấn Siêu – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết: “Hiện các công ty đầu tư của VRG tại Campuchia có 9 nhà máy chế biến đi vào hoạt động với công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu suất, hiệu quả chế biến. Tuy nhiên hiện nay giá thành chế biến sản phẩm trên mỗi tấn mủ vẫn cao hơn trong nước, chủ yếu do giá điện tại Campuchia cao hơn Việt Nam”. Ông Siêu đề nghị: “Các đơn vị nghiên cứu các giải pháp để hạ giá thành chế biến, trong đó có giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời. Ngoài ra các đơn vị cũng cần qua tâm việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu”.

Ông Phạm Văn Hỏi Em – Trưởng Ban Tài chính Kế toán VRG phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Ông Trần Như Hùng – Trưởng Ban Thị trường Kinh doanh VRG, thông tin: “Dự báo thị trường tiêu thụ những tháng cuối năm sẽ có tín hiệu khả quan do nhu cầu tiêu thụ có tăng, tuy nhiên vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nên giá bán bình quân vẫn ở mức thấp”.

Ông Lê Văn Thắng – Phó Chánh Văn phòng VRG, đề nghị các đơn vị tăng cường công tác truyền thông những thuận lợi, khó khăn, hiệu quả của các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn tại Campuchia nhằm tạo sức lan tỏa trong và ngoài nước.

Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, Phó Ban thường trực Ban K đánh giá cao việc nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của các đơn vị trong 6 tháng đầu năm với nhiều chỉ tiêu vượt so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều đơn vị đã có những thay đổi tích cực trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện sản lượng. Các đơn vị nên tập trung vào rà soát các chi phí theo ý kiến của các ban tham mưu nhằm hạ giá thành, phấn đấu vượt sản lượng từ 5 – 6%. Ông Trương Minh Trung cũng đề nghị: “Ban QLKT VRG cần sớm có hướng dẫn cho các đơn vị trong việc tái  canh chu kỳ 2 nhằm ổn định, duy trì cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư. Các đơn vị cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm theo định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn…”.

Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG phát biểu tại hội nghị

Chỉ đạo, kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG thống nhất cao tham mưu của các Ban thuộc Tập đoàn trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, các giải pháp trong việc thực hiện sản lượng, tiêu thụ, tài chính, chế biến… Ông cũng đánh giá cao tính linh hoạt, chủ động của các đơn vị cũng như hiệu quả của 16 dự án đầu tư của Tập đoàn tại Campuchia.

Ông Lê Thanh Hưng đề nghị: “Các đơn vị nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí cũng như áp dụng hiệu quả công tác chuyển đổi số vào quản lý, sản xuất. Phát triển bền vững cũng là chủ trương lớn của Tập đoàn, đề nghị Ban K cũng như các đơn vị có báo cáo về các giải pháp cụ thể nhằm tận dụng lợi thế từ chương trình này. Các đơn vị tiếp tục duy trì, tăng cường mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương nước sở tại để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhằm thực hiện tốt hoạt động sản xuất kinh doanh được Tập đoàn giao”.

Quang cảnh buổi họp giao ban
Lãnh đạo các đơn vị chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo VRG

PV – Ảnh: VŨ PHONG