CSVN – Nông trường Phú Riềng Đỏ (Cao su Phú Riềng) hiện đang quản lý gần 1.854 ha cao su. Trong đó, vườn cây kinh doanh 1.028,69 ha; vườn cây cao su KTCB hơn 749 ha; vườn cây tái canh 75 ha. Nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động luôn được ban lãnh đạo nông trường đặt lên hàng đầu và là mục tiêu quan trọng của đơn vị.
Thu nhập ổn định, tạo nguồn lao động mới
Chúng tôi ghé thăm nông trường vào những ngày cuối tháng năm, trong cái nắng gay gắt đầu hè, tiếp chúng tôi tại văn phòng trụ sở nông trường, sau cái bắt tay vồn vã, ông Hoàng Long – Giám đốc nông trường phấn khởi cho biết, năm 2022 nông trường đã khai thác được hơn 2.406 tấn/2.302 tấn đạt 104,6% KH, vượt 104,9 tấn, năng suất bình quân 2,34 tấn/ha, năng suất lao động 10,42 tấn/lao động/năm. Nông trường 15 năm liên tục là đơn vị có năng suất đạt trên 2 tấn/ha và là đơn vị 16 năm liền góp mặt trong Câu lạc bộ 2 tấn của VRG; 11/11 tổ đều hoàn thành KH giao. Tổng thu nhập bình quân của NLĐ hơn 13 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, lực lượng lao động thu hoạch mủ của NT hàng năm dao động từ 222 -378 lao động, được bố trí hợp lý đảm bảo công tác thu hoạch mủ đạt hiệu quả cao. Các tổ sản xuất, các bộ phận chuyên môn nông trường đều được sắp xếp bố trí hợp lý, khoa học tạo nên bộ máy quản lý năng động, tự tin, luôn hoàn thành tốt công việc được giao.
Để đạt được mục tiêu “Nâng cao sản lượng, năng suất vườn cây, năng suất lao động, nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người lao động”, ban lãnh đạo nông trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể sát với thực tiễn để hoàn thành kế hoạch sản lượng công ty giao. Trên tinh thần đó, hàng năm nông trường có kế hoạch tổ chức đào tạo mới cho lực lượng lao động địa phương, đặc biệt là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nguồn lao động mới cho nông trường, cùng địa phương tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương nơi đơn vị đóng chân.
Có được những con số đầy ấn tượng về năng suất và sản lượng cũng như thu nhập NLĐ trong tình hình khó khăn chung toàn ngành, khi giá mủ vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục là cả sự nỗ lực đáng ghi nhận của ban lãnh đạo đơn vị, sự đoàn kết chung sức, đồng lòng phấn đấu “thi đua nước rút” để về đích của tập thể NLĐ nông trường.
Khuyến khích, động viên NLĐ phát huy lao động, sáng tạo
Khi chúng tôi hỏi về những giải pháp “vượt khó” của đơn vị để có được kết quả năng suất vườn cây cũng như năng suất lao động nâng dần lên từng năm, giám đốc Hoàng Long chia sẻ, chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới, nông trường đã tổ chức đào tạo lại tay nghề cho 100% công nhân về kỹ thuật, sắp xếp bố trí lao động, bố trí vườn cây hợp lý, đảm bảo liền vùng, tiện cho công tác quản lý và thu hoạch mủ. Hạn chế thấp nhất việc chia lại phần cây cho các tổ và công nhân, để công nhân yên tâm thu hoạch lâu dài trên phần cây của họ, như vậy công nhân sẽ có ý thức hơn trong việc giữ dăm cạo và giữ kỹ thuật vườn cây tốt hơn. Tùy nhóm vườn cây để chia số cây cạo trên phần cây nhằm đảm bảo thời gian cạo và thời gian cho mủ hợp lý.
“Do đặc thù diện tích vườn cây phân tán rải rác ở những địa bàn khác nhau, cung đường đi lại khó khăn nên việc bố trí nhân công phải linh động, hợp lý, hạn chế tối đa “chỗ thừa, chỗ thiếu”. Với những giải pháp linh hoạt, bằng động viên, khích lệ, vận động NLĐ “cạo hết cây, thu hết mủ”; thực hiện đúng quy chế, thời gian và tay nghề…Trong đó, đặc biệt tạo ra môi trường làm việc, quy chế làm việc, thỏa mãn các yêu cầu về bầu không khí làm việc của tập thể, thái độ cư xử của lãnh đạo. Định mức, đơn giá tiền lương, tiền thưởng và các chế độ chính sách phải được công khai minh bạch, khuyến khích động viên NLĐ phát huy lao động sáng tạo, hưng phấn trong công việc, nhằm tăng năng suất lao động”, ông Long trải lòng.
“Môi trường làm việc cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong công việc. Ở đây, môi trường làm việc từ nông trường, tổ đến công nhân luôn thân thiện, đoàn kết, có trách nhiệm. Việc bố trí sắp xếp lao động phải hợp lý, khoa học, công bằng, đúng theo năng lực và điều kiện cụ thể của từng lao động (trên cơ sở một chuẩn mực chung) từ đó phát huy năng lực làm việc của từng công nhân và từng hộ gia đình, từng tổ sản xuất”, ông Long cho biết thêm.
Nơi ươm mầm, nuôi dưỡng các ‘thế hệ vàng”
Vừa pha trà, rót nước mời khách, giám đốc Hoàng Long không giấu được sự tự hào khi giới thiệu về “vùng đất thiêng” gắn liền với truyền thống Phú Riềng Đỏ hào hùng – dấu son chói lọi 94 năm lịch sử vẻ vang của ngành cao su Việt Nam. Và cũng chính “chiếc nôi cách mạng” này là đất lành “ươm mầm”, nuôi dưỡng nhân tài, làm nên các “thế hệ vàng” – bổ sung lực lượng cán bộ chủ chốt của công ty.
Do thời gian gấp rút, chúng tôi chỉ kịp “mục sở thị” một vòng khuôn viên trụ sở nông trường, những hàng cây xanh cao vút vươn lên đón nắng trời, những bãi cỏ xanh mướt, những khóm cây được chăm sóc tỉa tót tỉ mẩn, tạo cảm giác thư thái, yên bình khi đi trong không gian thoáng đãng: Xanh – Sạch – Đẹp. Có lẽ chính không gian làm việc nơi đây là nguồn sáng tạo – nảy sinh nhiều ý tưởng lớn lao và các dự án tốt đẹp của các vị lãnh đạo đương nhiệm qua các thời kỳ – các thế hệ làm nên thương hiệu “Nông trường Phú Riềng Đỏ”. Cái nắng miền Đông vào buổi trưa chợt dịu lại khi chúng tôi được nghe những dự định, kế hoạch mà nông trường sẽ thực hiện trong năm 2023 và cả mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Trong đó, phấn đấu hoàn thành trên 7.770 tấn mủ của các năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2020-2025, duy trì năng suất bình quân đạt 2,3 tấn /ha; nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập của công nhân, phấn đấu thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng đạt từ 120 – 130 triệu đồng/người/năm, thu nhập từ kinh tế gia đình từ 30 – 35 triệu đồng/hộ/năm…
Chia tay Nông trường Phú Riềng Đỏ bằng cơn mưa xối xả, trắng trời – dấu hiệu tốt của một vụ mùa khai thác bội thu. Cơn mưa giải tỏa “cơn khát” cho con người, vườn cây và lòng hồ thủy điện đang khô cạn của vùng đất giàu truyền thống anh hùng. Gởi lại Phú Riềng Đỏ lời hẹn lần sau sẽ đến thăm Làng Ba, Ngã Ba thằng Tây, Miếu Ba cô… Đi giữa cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt, chúng tôi mang theo về suốt hành trình cả “tinh thần Phú Riềng Đỏ” của NLĐ vẫn đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất, thi đua hoàn thành kế hoạch; làm nên thương hiệu của nông trường, của công ty, của ngành cao su và của nhân dân tỉnh Bình Phước anh hùng.
NGUYỄN LÝ – Ảnh: THIÊN LONG
Related posts:
- Sẽ khen thưởng xứng đáng nếu các thí sinh giành được thành tích cao
- TCT Cao su Đồng Nai: Sôi nổi Hội thi Bàn tay vàng cấp nông trường
- Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: 40 năm vượt khó, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Nhà nước trên v...
- Chăm sóc vườn cây cao su mùa nắng nóng
- Cao su Chư Păh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19
- Cao su Điện Biên quyết tâm hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023
- Cao su Bà Rịa hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
- Cao su Quảng Trị ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi 100 triệu đồng
- Công nhân cao su khó trụ nổi ở các khu công nghiệp
- Noong Hẻo vững tin đón “vàng trắng”
Cảm ơn Tác giả bài viết! Đã giới thiệu về mảnh đất và con người Phú Riềng Đỏ! Mong có thêm nhiều bài viết về những con người siêng năng, cần cù và sáng tạo trên những cánh rừng cao su yêu dấu!