Cổ đông quan tâm đến những giải pháp vượt khó của VRG

CSVN – Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Tập đoàn vào ngày 16/6 vừa qua là dịp để cổ đông và ban lãnh đạo trao đổi về những vấn đề đang diễn ra trong và ngoài doanh nghiệp, để các cổ đông nắm rõ những kế hoạch, dự định trong năm, hay hiểu hơn những quyết định được HĐQT đưa ra mà cổ đông chưa hiểu hết qua những văn bản được công bố. Ông Phạm Văn Thành – TV HĐQT, Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư VRG đã đại diện HĐQT trả lời các câu hỏi của cổ đông trong hội nghị lần này.

Ông Phạm Văn Thành – TV HĐQT, Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư VRG trả lời câu hỏi của các cổ đông vào ngày 16/6. Ảnh: Vũ Phong

Bà Nguyễn Lan Hương (mã cổ phiếu GVR007179): Luật đất đai sửa đổi tác động như thế nào đến các KCN và chiến lược phát triển các KCN, khu dân cư của Tập đoàn. Việc chuyển đổi có phải lựa chọn nhà đầu tư theo Luật đất đai không?

Ông Phạm Văn Thành: Với những luật hiện hành bao gồm Luật đất đai, Luật đầu tư thì đối với các KCN là đối tượng không phải đấu giá đất, chỉ cần thiết mới tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Một trong những hướng Tập đoàn đang đi là chúng tôi không thực hiện theo hướng Nhà nước là thu hồi đất và giao cho lại cho các KCN mà các công ty cao su và các đơn vị quản lý đất sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Nếu đi theo con đường này sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục. Tập đoàn theo dõi rất kỹ luật đất đai, thời điểm này không có gì quá bất lợi cho định hướng phát triển của Tập đoàn.

Ông Đỗ Văn Ba (mã cổ phiếu GVR022393): Quy trình phê duyệt KCN từ cao su có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây, ban lãnh đạo VRG đánh giá nút thắt gì cần tháo gỡ trong quy trình chuyển đổi đất cao su? Tập đoàn có kế hoạch phát triển nhà ở trong tương lai không?

Ông Phạm Văn Thành: Thực tế về cơ chế chuyển đổi thì trong giai đoạn vừa rồi, Tập đoàn chuyển đổi từ đất cao su qua KCN và tất cả các đất khác đều có vướng mắc. Hồ sơ để hoàn thành KCN phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố. Ví dụ như: Kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất 5 năm, 10 năm… Trong quá trình các địa phương làm quy hoạch thì nhiều địa phương cũng không tiên liệu được tốc độ tăng trưởng của KCN như thế nào, dẫn đến có nhu cầu thì mới hoàn tất lại thủ tục, làm cho kế hoạch kéo dài thời gian. Ngoài ra, cũng do nhìn nhận đất nông trường, mỗi lần chuyển đổi thì phải thay đổi phương án sử dụng đất. Theo nghị định số 10 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường mới ban hành cũng đã tháo gỡ được vấn đề này. Tập đoàn không phải điều chỉnh phương án sử dụng đất khi còn thực hiện quy trình của địa phương.

Trong các đề án cơ cấu lại Tập đoàn cũng đã có trình các cấp có thẩm quyền về việc xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân cao su và các khu công nghiệp mà Tập đoàn làm chủ đầu tư. Và đây cũng là định hướng của Nhà nước, bắt buộc phải có nhà ở để phục vụ cho nhu cầu ăn ở sinh hoạt của KCN. Hiện nay đề án cơ cấu cấp lại đang hoàn chỉnh giai đoạn cuối, riêng đề án này được các cơ quan chính quyền rất ủng hộ.

Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (mã cổ phiếu GVR022491):

– Tình hình chuyển đổi đất cao su Công ty Cao su Phước Hòa và Công ty Cao su Đồng Phú và KCN Tân Lập 1 có nguồn gốc giống như KCN Nam Tân Uyên. Liệu có thể đẩy nhanh tiến độ hay không? Kế hoạch chuyển đổi đất cao su sang KCN năm 2023 và trong giai đoạn 2023 – 2025 hoặc 2023 – 2030?

Ông Phạm Văn Thành: Công ty CPCS Đồng Phú đang hoàn tất thủ tục để mở rộng 2 KCN là Nam Đồng Phú và Bắc Đồng Phú. Đối với Phước Hòa, hiện nay, Công ty CP KCN Nam Tân Uyên đã hoàn thành, riêng Tân Lập 1 thì đang từng bước xúc tiến thủ tục, đang cố gắng trong thời gian nhanh nhất để hoàn thiện.

Đến 2030 thì Tập đoàn theo quy hoạch địa phương dự kiến chuyển đổi khoảng 40.000 ha đất cao su qua đất KCN và Cụm KCN. Đến 2025 đặt mục tiêu cố gắng chuyển đổi 7.000 – 8.000 ha. Năm 2023 kỳ vọng một vài dự án sẽ thực hiện vào cuối năm còn lại sẽ triển khai trong năm 2024. Năm 2024 – 2025 sẽ lo các thủ tục khác để đến năm 2025 có đầy đủ thủ tục thực hiện. Với diện tích và cơ cấu này thì tỉ lệ lợi nhuận Tập đoàn sẽ cao. Tập đoàn sẽ làm từng bước, cái nào hiệu quả làm trước, chưa hiệu quả sẽ hoàn thành các thủ tục trước khi thực hiện.

VRG dự kiến giá bán và sản lượng tiêu thụ của cao su Tập đoàn trong giai đoạn từ đây đến cuối năm 2023 như thế nào trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa trở lại, giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên?

Ông Phạm Văn Thành: Thực tế Trung Quốc mở cửa nhưng tốc độ phát triển của Trung Quốc vẫn chậm. Các sản phẩm của cao su phần lớn là phục vụ cho người tiêu dùng, với tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều bất ổn như hiện nay như lạm phát… dẫn đến thắt chặt tiêu dùng. Như vậy các sản phẩm từ cao su sẽ giảm. Do đó, nhận định Tập đoàn là từ nay đến cuối năm 2023 khả năng giá cao su có chuyển biến tích cực là khó. Tuy nhiên về mặt tiêu thụ, mặc dù đang ở mức giá thấp nhưng hàng tồn kho Tập đoàn là ổn. Nếu cuối 2022 lượng tồn kho Tập đoàn trên 80.000 tấn thì hiện nay chỉ khoảng 40.000 tấn. Tức là hàng vẫn bán được và dòng tiền vẫn đảm bảo cho các công ty hoạt động. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 trở đi khi tình hình kinh tế thế giới ổn định hơn thì có thể nhu cầu, giá cả, hiệu quả của cao su sẽ tăng cao hơn.

Kế hoạch thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết của VRG để giảm tỉ lệ sở hữu chéo?

Ông Phạm Văn Thành: Hiện nay đối với các công ty cao su từ năm 2023 – 2025 thoái vốn là rất khó vì liên quan đến việc định giá. Còn quy định định giá đất vốn đất thuê trả tiền hằng năm như Tập đoàn thì hiện nay chưa rõ ràng, do đó việc định giá đất sẽ kéo dài. Chúng tôi cũng dự kiến đối với những đơn vị cao su tạm thời chưa thực hiện sắp xếp giai đoạn 2021 – 2025. Trong điều kiện nếu các quy định pháp luật ra đời như Luật đất đai sửa đổi, Luật 69 về quản lý vốn đầu tư, vốn Nhà nước vào doanh nghiệp thay đổi có những cái rõ ràng hơn thì lúc đó chúng tôi sẽ xin phép cơ quan có thẩm quyền tiếp tục thực hiện việc xác nhận chuyển nhượng vốn ở các công ty cao su. Về vấn đề giảm tỉ lệ sở hữu chéo, chủ yếu là các công ty liên quan đến các ngành nghề khác, trong đề án cơ cấu lại chúng tôi cũng đã trình cho các cấp có thẩm quyền và sau khi giải quyết xong thì trong giai đoạn 2023 – 2025 sẽ giải quyết vấn đề này.

Ông Hoàng Duy Viết (mã cổ phiếu GVR001485): Xin ban lãnh đạo VRG cập nhật tình hình và kế hoạch cụ thể về tái cơ cấu FSC, chứng chỉ phát triển rừng bền vững?

Ông Phạm Văn Thành: Đây không phải là công việc có thể trả lời dứt khoát thời gian hoàn thành. Bời vì đây là quá trình rất dài, yêu cầu để tái cơ cấu FSC khá phức tạp. Hiện nay chúng tôi vẫn vừa làm với FSC và vẫn thực hiện các chứng chỉ phát triển rừng của quốc tế như PEFC. Hai chứng chỉ này gần như tương đương nhau và chúng tôi đang đi theo hướng này. Riêng Tập đoàn có bộ phận chuyên trách thực hiện kết nối FSC. Các cổ đông có quan tâm thì khi có một sự kiện nào liên quan thì các cơ quan thông tin đại chúng đều có công bố thì có thể theo dõi thông qua các kênh này.

HẰNG NY (ghi)