CV\SVNO – 5 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất và xuất khẩu gỗ trên cả nước nói chung và ngành gỗ VRG nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Giá trị xuất khẩu sụt giảm khiến cho mục tiêu đặt ra năm nay khó thực hiện được, các doanh nghiệp đang phải tái cấu trúc để có thể duy trì sản xuất. Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG đã trao đổi với Cao su Việt Nam về hiện trạng và giải pháp để ngành gỗ Tập đoàn vượt khó.
– Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng sản xuất và tiêu thụ của ngành gỗ của Tập đoàn?
Ông Lê Thanh Hưng: Hiện nay, kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng lớn bởi chiến tranh giữa các nước lớn, tình hình lạm phát trên toàn cầu, việc thắt chặt chi tiêu của các nước… dẫn đến tình hình xuất khẩu gỗ, các sản phẩm gỗ của Việt Nam nói chung và các công ty sản xuất gỗ VRG nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của toàn ngành.
VRG có 15 công ty sản xuất với 17 nhà máy chế biến gỗ, những năm qua, hoạt động SXKD của ngành chế biến gỗ có sự gia tăng về mặt sản lượng, doanh thu, lợi nhuận… góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch chung của Tập đoàn. Các công ty gỗ có những thuận lợi và khó khăn đan xen, cụ thể:
Về thuận lợi, các công ty chế biến gỗ có vị trí địa lý cũng như nguồn nguyên liệu gỗ cao su tập trung nhiều ở vùng Đông Nam bộ là vùng có nguồn cung gỗ cao su lớn và cũng là vùng xuất khẩu chủ yếu của cả nước. Các công ty có lợi thế về hỗ trợ nguồn nguyên liệu cây cao su hàng năm. Gỗ cây cao su đã có được chứng nhận quản lý rừng bền vững của VFCS/ PEFC và tăng dần trong các năm tiếp theo. Dây chuyền công nghệ hiện đại, mức phát huy công suất và hiệu quả kinh tế, năng lực sản xuất các nhà máy MDF khá tốt.
Về khó khăn, mức phát huy công suất sản xuất một số nhà máy gỗ phôi, ghép tấm và tinh chế ở mức thấp, chi phí sản xuất tăng cao và hiệu quả SXKD chưa tốt. Quy mô sản xuất nhỏ – cạnh tranh lớn trên thị trường, năng lực quản lý của một số công ty còn thấp, hiệu quả kém. Cơ chế về chính sách đang là rào cản đối với các công ty gỗ như đãi ngộ tiền lương, thu nhập đối với lao động có tay nghề cao, khó thu hút lao động lành nghề; đầu tư thiết bị cần thiết để đáp ứng nhanh chóng cho sản xuất sản phẩm tinh chế thường gặp khó khăn… Đối với ngành gỗ tinh chế khó thu hút lao động có tay nghề lâu năm, hầu hết các công ty đều tự đào tạo các nhân sự; nguyên vật liệu hiện nay đều phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc với giá cả phải chăng, trong khi đó, các nguyên vật liệu trong nước không có nhiều sự đa dạng và giá thành cao, gây cản trở cho SXKD…
Các công ty sản xuất gỗ phôi và ghép tấm của Tập đoàn hiện nay có sự phối hợp còn nhiều hạn chế, năng lực của một số công ty còn yếu. Thông qua đánh giá hiệu suất các nhà máy sản xuất ở mức thấp cho thấy các công ty phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu của Tập đoàn, chưa chủ động, tích cực thu mua tạo nguồn nguyên liệu, làm cho hoạt động một số công ty kém hiệu quả. Bên cạnh đó sự liên kết giữa các công ty cao su và công ty gỗ, liên kết giữa các công ty gỗ với nhau còn nhiều hạn chế dẫn đến các công ty thường chỉ thực hiện những đơn hàng quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao.
Đối với gỗ MDF các công ty có mối liên kết rõ nét hơn trong việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, phụ tùng thiết bị dự phòng. Tuy nhiên về thị trường tiêu thụ cần có sự phối hợp tốt hơn nữa để tạo lợi thế cạnh tranh.
Trước thực trạng đầy khó khăn, thách thức hiện nay, các công ty gỗ thành viên VRG đã nỗ lực rất lớn để sản xuất và tiêu thụ. Vì vậy, cần có đầu mối trong công tác hỗ trợ liên kết giữa các công ty cũng như trong công tác định hướng sản phẩm, đúc kết và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất… để hỗ trợ ngành gỗ vượt khó.
– Xin ông cho biết lãnh đạo VRG đã có những chỉ đạo, cũng như giải pháp cụ thể để các công ty gỗ Tập đoàn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại?
Ông Lê Thanh Hưng: Năm 2022 vừa qua, VRG đã tổ chức hội nghị định hướng phát triển ngành gỗ Tập đoàn. Ban lãnh đạo Tập đoàn luôn quan tâm, hỗ trợ các công ty chế biến gỗ có môi trường SXKD thuận lợi.
Để vượt qua khó khăn hiện tại, các công ty gỗ cần tái cấu trúc, chủ động tìm tòi, sáng tạo để duy trì sản xuất, tiêu thụ trong điều kiện tình hình tiêu thụ được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt nhiều thách thức. Các công ty cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tăng cường thương mại, tham gia hội chợ triển lãm, phát huy sản phẩm thế mạnh, thị trường ngách… Đầu tư chuyển đổi phù hợp với xu hướng từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, tăng năng suất. Về nguồn nhân lực tay nghề cao, các công ty xây dựng phương án, Tập đoàn sẽ có cơ chế hỗ trợ phù hợp đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng.
VRG sẽ thành lập các nhóm ngành để có sự hỗ trợ hợp tác trong sản xuất, thị trường, trao đổi thông tin, đề xuất các kiến nghị… như nhóm gỗ phôi và ghép tấm; nhóm tinh chế và nhóm các công ty sản xuất MDF. Tập đoàn hiện có hơn 100.000 ha cao su được cấp chứng chỉ rừng bền vững VFCS/PEFC. Tập đoàn luôn ưu tiên nguồn gỗ có chứng chỉ phân bổ theo quy định cho các nhà máy sản xuất gỗ thành viên để liên kết chuỗi và nâng giá trị sản phẩm gỗ cao su có chứng chỉ. Bên cạnh đó, các công ty gỗ cần tích cực tiếp thị gỗ có chứng chỉ đến khách hàng, có thể đăng ký về Tập đoàn để nhận hỗ trợ về nguồn gỗ có chứng chỉ rừng bền vững để tạo lợi thế cạnh tranh.
Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ đánh giá và cơ cấu lại một số công ty gỗ hoạt động chưa hiệu quả, bằng hình thức hợp tác với đối tác có nguồn lực, kinh nghiệm, thị trường để tham gia điều hành nhằm tăng hiệu quả SXKD các công ty.
Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu hoạt động các công ty; mỗi công ty phải xây dựng sản phẩm có thế mạnh riêng. Nghiên cứu mở rộng một số sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sử dụng gỗ cao su hiệu quả nhất. Có giải pháp thúc đẩy mục tiêu giảm lượng gỗ phôi xuất bán, tăng tỷ lệ gỗ cao su tinh chế, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong SXKD. Xây dựng năng lực sản xuất gỗ các công ty đạt trình độ và năng lực tiên tiến, tất cả các sản phẩm gỗ xuất bán được sử dụng từ nguồn gỗ hợp pháp và có chứng chỉ rừng bền vững, hoàn chỉnh chuỗi giá trị gỗ cao su từ khâu trồng đến sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu VRG. Lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước để kiến nghị về việc ghi nhận gỗ cao su là sản phẩm chính phù hợp với tình hình thực tế…
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
TRẦN HUỲNH (thực hiện)
Related posts:
- "Thu nhập người lao động 2016 phấn đấu bằng 2015"
- Đ/c Đặng Duy Bình giữ chức Bí thư Chi bộ Visorutex
- Cao su Sa Thầy nỗ lực về đích trước 11 ngày
- Tập trung mọi nguồn lực đạt kết quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh
- Cao su Ea H’leo: Sản lượng khai thác cao nhất từ trước đến nay
- Lời cảm ơn nhân ngày Báo chí Cách mạng VN 21/6
- Cao su Bình Long tuyên dương 140 học sinh tiêu biểu
- Quyết liệt giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất
- Cao su Bà Rịa tặng quà Xuân yêu thương cho công nhân khó khăn
- VRG ưu tiên bàn giao đất xây dựng công trình an sinh xã hội