CSVNO – Việc tiết giảm được 0,5 công/tấn sản phẩm, tương đương 113.500 đồng/tấn, sản lượng sản xuất hàng năm từ 2.500 – 3.000 tấn mủ tờ/năm, sáng kiến “Hệ thống đánh đông tự động” của anh Lê Minh Trọng đã làm lợi cho Cao su Kon Tum từ 284 – 340 triệu đồng/năm.
Lợi ích và tiết kiệm rất lớn
Trao đổi về tính ưu việt và lợi ích mà sáng kiến của anh Lê Minh Trọng – Trợ lý kỹ thuật Xí nghiệp Cơ khí chế biến Koruco mang lại trong buổi lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội Công đoàn (CĐ) CSVN, nhiệm kỳ 2023 – 2028 vào ngày 16/5, ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ Cao su Kon Tum cho biết: “Sáng kiến đánh đông tự động của anh Trọng đã mang lại lợi ích và tiết kiệm rất lớn cho công ty, có thể lên đến 340 triệu đồng mỗi năm. Vì thế, CĐ công ty quyết định lấy sáng kiến này làm công trình chào mừng Đại hội CĐ CSVN lần thứ IX”.
Theo anh Trọng, sáng kiến này giúp công nhân không phải đo pH nhiều lần mà chỉ kiểm tra độ pH, mủ đông hoàn toàn ổn định; Giảm tỷ lệ bọt khí, bề mặt mủ đông láng mịn; Khối mủ đông vuông vắn, đồng đều dễ cho vào hộc cưa lạng; Chất lượng mủ đông sau khi cán tạo tờ đảm bảo chất lượng, ổn định và dễ đốt lò. Đồng thời, rút ngắn được thời gian đông tụ, giảm đáng kể vi sinh vật xâm nhập vào mủ.
Với những ưu việt này, mỗi tấn mủ tờ (RSS) sản xuất ra sẽ giảm được 0,5 công, qua đó tiết kiệm được 113.500 đồng/tấn và mỗi năm Cao su Kon Tum sản xuất từ 2.500 – 3.000 tấn thì tổng số tiền tiết kiệm được sau khi ứng dụng sáng kiến này, tối đa lên đến 340 triệu đồng.
Qua trao đổi, anh Trọng cho biết: “Trước đây việc đánh đông thủ công và theo kinh nghiệm, dẫn đến sự pha trộn giữa dòng mủ và dòng acid không theo tỷ lệ nhất định, vì sự chênh lệch áp suất của 2 dòng chảy không tuân theo quy luật tuyến tính tại mỗi thời điểm. Do đó, làm cho lượng acid lúc thừa lúc thiếu, khối mủ đông sau khi đánh đông không đồng đều, ảnh hưởng cho việc cán lạng tạo tờ, tỷ lệ phế phẩm tăng lên đồng nghĩa với việc lãng phí nhân công và acid.
Trải qua nhiều năm nghiên cứu, tôi đã tìm ra giải pháp mới về công tác đánh đông thay cho phương pháp truyền thống, đó là sử dụng hệ thống đánh đông tự động bao gồm các thiết bị cảm biến điện tử tự động hóa để kiểm soát các thông số kỹ thuật đáp ứng quy trình sản xuất hiện nay”.
Có thể lắp đặt cho các dây chuyền khác
Sáng kiến của anh Trọng được đưa vào hoạt động từ 10/2019, tại khu tiếp nhận mủ nước thuộc dây chuyền sản xuất mủ RSS của Xí nghiệp chế biến mủ Ya Chim. Theo anh Trọng, đây là giải pháp kỹ thuật mang tính công nghệ và hoàn toàn mới so với các nhà máy sản xuất cao su ở khu vực Tây Nguyên và các nhà máy khu vực phía nam của VRG.
Cũng theo anh Trọng, phương pháp đánh đông tự động này khi áp dụng vào sản xuất đã mang lại hiệu quả tối ưu mà vẫn giữ nguyên hiện trạng về hạ tầng cũng như không cần cơi nới, phá bỏ về mặt xây dựng, giá thành lắp đặt khoảng 200 triệu đồng nhưng mang lại hiệu quả tốt và có thể sử dụng lâu dài.
Được biết, sau thành công của sáng kiến này, anh Lê Minh Trọng đang đề xuất với lãnh đạo công ty quan tâm, xem xét cho đầu tư, lắp đặt thêm hai hệ thống đánh tự động cho dây chuyền sản xuất mủ SVR 3L tại Xí nghiệp chế biến mủ Cao su Ya Chim và Ngọc Hồi nhằm nâng cao công suất và chất lượng, cải tiến quy trình công nghệ trong dây chuyền chế biến cao su của công ty trong giai đoạn hiện nay.
GIA LINH
Related posts:
- Cao su Việt Lào sôi nổi hội thao kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam
- Miệt mài trên vườn cây
- Giảm suất đầu tư nông nghiệp: Cần đẩy mạnh cơ giới hóa
- Bệnh mới trên cây cao su tại VN
- Giải pháp phục hồi đất sau 40 năm trồng cao su
- Trả lương tối thiểu vùng: Khó khăn trong tổ chức thực hiện
- “Nông nghiệp tái tạo” - biện pháp khôi phục và duy trì sức khỏe của đất, góp phần giảm thiểu biến đổ...
- Giới thiệu quy trình kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017
- Nữ công nhân khai thác đạt gần 21 tấn mủ/năm
- Ngành gỗ tìm tòi, sáng tạo để vượt khó