CSVNO – Năm 2023, ngành Nông nghiệp được giao chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu ít nhất 55 tỷ USD. Tuy nhiên, 5 tháng qua, con số này mới đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước… Liệu ngành nông nghiệp có “về đích” đúng hẹn?
Thách thức không nhỏ
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành Nông nghiệp 5 tháng đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; chăn nuôi 190 triệu USD, tăng 34,5%; thủy sản 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%…
Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho hay: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ chiếm 19,8%, giảm 35,2% và Nhật Bản chiếm 7,8%, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhiều mặt hàng trọng điểm giảm mạnh như: Cao su đạt 799 triệu USD, giảm 24,0%; chè 65 triệu USD, giảm 18,9%; hồ tiêu đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%; sắn và sản phẩm sắn đạt 539 triệu USD, giảm 14,3%. Đặc biệt, thủy sản và lâm sản là hai mặt hàng trọng điểm xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của ngành, sụt giảm sâu: Xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; lâm sản đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho biết: Giá nguyên liệu cho thủy sản tăng, cầu thị trường thế giới giảm sút đang là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp, lượng hàng xuất khẩu giảm một nửa so với năm trước.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe phân tích, hiện giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh.
Về nguyên nhân sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, việc thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu, bên cạnh đó là các chính sách tăng cường bảo hộ sản xuất nội địa… khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết, xuất khẩu đơn hàng.
Tận dụng khai thác nhóm ngành hàng thế mạnh
Trái ngược những diễn biến nêu trên, 5 tháng qua, nhiều mặt hàng nông sản lại có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê đạt 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%; hạt điều 1,28 triệu USD, tăng 5,5%; thịt, phụ phẩm đạt 58 triệu USD, tăng 59,1%… Điểm sáng nhất là gạo, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0%.
“Từ khi Trung Quốc mở cửa sau dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả sang thị trường này tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung bật tăng mạnh, đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4 cũng tăng 11,35% so với tháng 3-2023, đạt 125,5 triệu USD”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt ít nhất 55 tỷ USD như Chính phủ giao, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần tận dụng khai thác đà tăng trưởng từ mặt hàng gạo, rau quả và một số nhóm ngành hàng thế mạnh như tiêu, cà phê, gia vị…
Tận dụng các FTA
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng các Hiệp định thương mại thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới, phối hợp bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
“Ngành Nông nghiệp tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ, phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tham tán tại các nước trong tổ chức các hoạt động: Diễn đàn kết nối thúc đẩy xuất khẩu rau gia vị và gia vị sang thị trường EU; Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ qua nền tảng số. Việc tái cơ cấu sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu cũng là việc làm cấp bách. Đồng thời, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh tập trung vào chế biến, nâng cao giá trị từ sản phẩm chế biến…
Đầu tư vào chất lượng
Các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp cần phải đầu tư vào chất lượng nông sản hơn nữa, thích ứng với xu hướng tiêu dùng tương lai để tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thông tin thêm gạo là loại lương thực được sản xuất và tiêu dùng chủ yếu tại châu Á. Các thị trường châu Âu, Mỹ dù nhập khẩu gạo nhưng quy mô thị trường nhỏ.
PGS-TS Dương Văn Chín đánh giá sự thành công của ngành lúa gạo trong những năm gần đây là nỗ lực một thời gian dài để khẳng định uy tín, chất lượng. Nhiều giống lúa như: OM18, OM5451, Đài Thơm 8… rất được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, phân khúc gạo thơm cao cấp, Việt Nam đã có ST25 và Lộc Trời 28… giành được giải cao khi thi quốc tế. Đây là phân khúc có thể bán được giá 1.000 USD/tấn, nếu đẩy được sản lượng 1 triệu tấn/năm, Việt Nam thu về giá trị 1 tỉ USD/năm.
“Gạo Việt Nam gần như thu hoạch quanh năm, luôn có gạo mới giao cho khách hàng. Vấn đề lớn hiện nay là các tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành lúa gạo cần được áp dụng trên diện rộng để tăng lợi nhuận cho nông dân” – PGS-TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.
Với ngành rau quả, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cho hay sự tăng trưởng của ngành có sự đóng góp đáng kể của mặt hàng mới là sầu riêng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, dù mới được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cuối năm 2022 nhưng trong 4 tháng đầu năm, sầu riêng đã xếp vị trí thứ 2 trong ngành trái cây xuất khẩu, thu về 190,5 triệu USD, tăng 573,1% so với cùng kỳ năm 2022. “Việc cần nhất của ngành sầu riêng Việt Nam hiện nay là phải đầu tư vào chất lượng nhiều hơn, từ đó tạo uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam ra thế giới” – ông Nguyễn Văn Mười lưu ý.
Sự lo lắng của đại diện VACVINA phía Nam là năm nay sầu riêng Việt Nam bị sượng và cháy múi rất nhiều. Điều này xuất phát từ việc nông dân ham sản lượng để tranh thủ giá khiến chất lượng sầu riêng giảm sút. Hiện 1 cây sầu riêng nông dân giữ lại trái nhiều quá, cây chưa trưởng thành đã đưa vào khai thác khiến cây suy yếu nên chất lượng không bảo đảm. Biểu hiện của điều này là sầu riêng đang bán trong nước rất nhiều, giá thấp do không đủ chuẩn xuất khẩu, còn DN xuất khẩu tìm không ra hàng dù đưa giá cao.
Để tìm giải pháp cho vấn đề này, VACVINA phía Nam đang tổ chức nhiều lớp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nâng chất lượng sầu riêng. Đặc biệt, VACVINA còn tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu sầu riêng Thái Lan cho các nhà vườn, HTX thuộc ngành hàng sầu riêng vào cuối tháng 6 này.
Ông Nguyễn Văn Mười nói thêm Thái Lan là nước đi trước Việt Nam trong xuất khẩu sầu riêng ra thế giới nhưng khi Việt Nam – Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, nông dân Thái Lan ngay lập tức có sự chủ động ứng phó. Họ đã nâng tiêu chuẩn chất khô (sầu riêng ít nước, ngon hơn) từ 32% lên 35% để tăng chất lượng sầu riêng xuất khẩu. “Cần chủ động kiểm soát chất lượng sầu riêng, tránh trường hợp hàng bị sượng, cháy múi ảnh hưởng đến uy tín sầu riêng Việt Nam” – đại diện VACVINA đề nghị.
Với ngành hàng cà phê, chuyên gia Nguyễn Quang Bình phân tích nguyên nhân cà phê Robusta tăng giá nhờ sự ảnh hưởng tích cực của thị trường cà phê nội địa. Tỉ trọng sử dụng cà phê nội địa tăng và xu hướng dùng cà phê đặc sản, cà phê nguyên chất giúp cà phê Việt Nam nâng chất lượng. “Thay vì bán xô, Việt Nam đã có sự sàng lọc, loại bỏ sản phẩm không đạt chuẩn nên sản lượng giảm đi, kéo theo giá tăng” – ông Bình tiết lộ về cách làm hay của ngành cà phê.
Cũng theo ông Bình, việc giá cà phê đạt cao nhất từ khi xuất khẩu đến nay giúp nông dân có động lực giữ cây cà phê trước làn sóng chuyển đổi sang các loại cây ăn trái. “Cà phê vẫn có ưu điểm về việc tồn trữ lâu, trong khi trái cây phải tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch. Nếu chưa có đầu ra thì việc giữ lại cây cà phê vẫn an toàn hơn” – ông Bình nói. /.
theo kinhtenongthon.vn
Related posts:
- Xây dựng Đảng bộ vững mạnh để sản xuất kinh doanh hiệu quả
- Phát triển cao su bền vững: Điều chỉnh quy mô, nâng cao chất lượng
- 6 tháng đầu năm Cao su Chư Pah khai thác trên 2.800 tấn mủ
- Cao su Mang Yang khen thưởng 7 tập thể, 35 cá nhân vượt kế hoạch tháng 5
- Cao su Phú Thịnh làm Khối trưởng Khối Tây Nguyên 2
- Tích cực cắt giảm suất đầu tư
- Lãnh đạo VRG làm việc tại tỉnh Sơn La
- Cao su Chư Păh thu nhập bình quân năm 2021 đạt trên 122% kế hoạch
- "Dĩ bất biến ứng vạn biến" quyết liệt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020
- Continental giới thiệu dòng lốp bền vững nhất