Những cánh rừng cao su “khát mưa”

Rừng cao su bừng tỉnh sau cơn mưa. Ảnh: Đỗ Thị Nguyên

“Vậy là Gia Lai đã có cơn mưa đầu mùa to lắm chị ơi”. Sáng đầu tuần nhận dòng tin nhắn của em công nhân – “cộng tác viên ruột” từ Tây Nguyên gởi về, kèm theo bài thơ viết vội còn nhiều lỗi, tự nhiên trong tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Tâm trạng xốn xang, vui lây với niềm vui của riêng em và của biết bao người công nhân trên những cánh rừng cao su “khát mưa”.

Nhưng cơn mưa đầu tháng xối xả đó là tín hiệu vui hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Có người nói – đó là cơn mưa “bạc tỷ”, có người thì cho rằng là “mưa vàng”, “mưa sản lượng”… Có lẽ “trời cũng chiều người”, những cơn mưa chấm dứt chuỗi ngày nắng nóng, xua tan cái nóng như thiêu như đốt cứ “vô tình” phả xuống phố sá, rừng cây. Thời tiết nắng nóng cực đoan cứ bủa vây vạn vật, cỏ cây và con người. Những cánh rừng cao su cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi đã vào mùa khai thác mà những giọt mủ rơi vào miệng chén rất khiêm tốn bởi nắng nóng.

Từ ô cửa nhìn xuống đường vào ban trưa, sóng nắng cứ loang loáng làm cay xè cả mắt, cái nóng hầm hập từ mặt đường cứ mặc nhiên “vô tâm” phả nhiệt. Có như thế mới thấu hiểu sự vất vả của người lao động làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, họ xoay xở bằng mọi cách để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống thường nhật khi vật giá không “hạ nhiệt”.

Em kể cho tôi nghe về sự sốt ruột của người công nhân cao su “đang khát mưa”, và cả ban lãnh đạo nông trường cũng thấp thỏm “đứng ngồi không yên” khi nắng nóng vẫn hoành hành và thời gian đã trôi dần gần nửa năm mà sản lượng mủ vẫn là những con số khá khiêm tốn. Mấy anh chị Công đoàn các đơn vị thường xuyên xuống tổ, đội động viên anh chị em công nhân vững tin cố gắng trước khó khăn của những tháng đầu năm, lan tỏa thông điệp “chung tay vượt khó” để hoàn thành kế hoạch sản lượng, để có thêm thu nhập cải thiện đời sống….

Có lẽ ông trời cũng đang muốn thử thách lòng người làm nông nghiệp. Nhất là bà con làm nương rẫy ở Tây Nguyên, họ vẫn hàng ngày “lạy trời mưa xuống”, ngóng chờ một phép nhiệm màu sẽ ban mưa để núi đồi, nương rẫy được xanh tươi, vạn vật xanh tốt, không khí mát lành cho sự sống đâm chồi nảy lộc…

Vậy là đã có những cơn mưa “trắng trời” xối xả trên những cánh rừng cao su, không chỉ ở một vài khu vực Tây Nguyên mà các tỉnh miền Đông Nam bộ mưa cũng đã về. Nghe giọng phấn khởi không giấu được niềm vui của cô công nhân từ Nông trường Cẩm Đường (Cao su Đồng Nai) báo về “Chiều nay trên em mưa to lắm, thấy mưa lòng cứ vui chi lạ chị à…”.

Đi trong mưa chiều tầm tả, những giọt nước mưa phả vào mặt mát lạnh trên đường về nhà, lòng lại miên man bao cảm xúc dâng trào. Tôi lại liên tưởng đến những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của những cặp vợ chồng trẻ đồng bào dân tộc H’mông từ vùng đất Hà Giang xa xôi vào Đồng Nai lập nghiệp – Họ kể cho tôi nghe bao dự tính trong tương lai, mà trong lời nói, nụ cười mang theo bao ước mơ, khát khao sự đổi đời khi có thêm những đồng tiền chắt chiu từ lương, thưởng để gởi về quê cho cha mẹ, con cái có thêm tấm áo mới mỗi khi Tết đến xuân về.

Đó còn là niềm tin vào ngày mai khi có tiền mua được miếng đất “an cư lạc nghiệp”, mua thêm chiếc ti vi để xem, con cái được đến trường học chữ… Và, hơn cả là đời con sẽ không còn vất vả, ngược xuôi vì được sống trong “Ngôi nhà chung cao su” nghĩa tình.

Trước mắt tôi hiện hữu nụ cười chiến thắng của người thợ giỏi, tinh thần hăng say lao động lan tỏa trên các vườn cây, nông trường, nhà máy, xí nghiệp khi đi qua bao gian khó bộn bề – Họ mang theo niềm tin vào một ngành cao su phát triển bền vững trong tương lai.

MINH KHÔI