Ứng dụng khoa học kỹ thuật

– Nghĩ lại thấy công việc khai thác cao su của công nhân mình giờ khác xưa ông hả. Giờ mình ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào.

– Thấy khác gì đâu, vẫn con dao cạo cạo roẹt roẹt đều đều mà. Chỉ có thấy khâu trút mủ lên tẹc hồi xưa phải vác thùng lên giờ có máy bơm nên khỏe hơn thôi.

– Nhìn mắt thường thì chỉ có vậy chứ thực ra nhiều lắm đó nha. Như là ứng dụng giống mới cho năng suất cao nè, dùng máy móc trong đào hố bón phân nè, rồi các cách chăm sóc cho cây to, mập cho nhiều mủ để ông cạo nè…

– Sao con dao cạo với công nhân mình không thấy gì khác ông nhỉ.

– Hè hè, cái này người ta nghiên cứu nhiều rồi mà không ổn. Đúc kết rằng dù tiến bộ cỡ nào thì đôi tay công nhân – con dao cạo – cây cao su không thể nào tách rời được. Giống như là chân lý rồi.

HAI CẠO

Phận ghế đá

Cũng là cái mảng xi măng

Nhưng mà số phận lại nằm chỏng chơ

Từ nay đời nó hững hờ

Mặc cho thương, ghét… người vô ra dòm.

(Ảnh chụp: Lúc 8h45, ngày 05/05/2023 – Tại Bệnh viện Mắt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

THẰNG BỜM

Con đường biết kêu…

Hôm đó, tổ của Tư Mủ nhóm họp công nhân xong, thì bác Tám phu công- tra tiện đường nên ghé vô đúng lúc mọi người nghỉ ngơi ăn bánh, trái cây. Bác cười nói có lộc ăn uống, còn công nhân thì quấn quýt quanh bác hớn hở được dịp nghe bác kể chuyện vui.

– Trong lô cao su có con gì kêu mà đúng giờ giấc, còn không thôi nó kêu là trời sắp mưa hả bây?

Thằng Tèo thì nói con hổ, Bi nói con quạ, nhỏ Lan nói con quốc…

– Sai hết.

– Tụi cháu chịu thua…

– Thua dễ dàng vậy sao?

– Chịu thua để bác còn kể ra. Nhưng mà ức lắm… vì mấy con thú rừng đó thỉnh thoảng kêu là trời đổ mưa, lại phải chịu sai!

– Thì thú rừng kêu trùng dịp, giống như bác có lộc ăn uống với bây vậy thôi.

Bác nói con này quen thuộc với người thợ đi cạo mủ hàng ngày đó chứ. Như lô cao su này có con gì chạy tới chạy lui. Đó là con đường lô, đường thùng (*) đó bây!

– Con đường lô sao kêu được hở bác?

– Con đường lô thì không kêu, chỉ có con đường thùng là kêu oang oang… có giờ có giấc đàng hoàng, nó kêu là trời sắp nhỏ lệ xuống vườn cao su. Mà thôi, bác cháu mình ăn bánh, trái cây đi, bác thấy ông trời kéo mây đen xám xịt thì nó sắp kêu oang oang rồi.

Câu chuyện tới đây, có người hiểu, người chưa hiểu, nhưng thấy ông trời đang vần vũ rung chuyển, mà ai nấy cũng tranh thủ ăn uống còn đi trút mủ cho nhanh cho kịp. Khi mọi người ăn uống vừa xong thì Tư Mủ lấy thanh củi cao su gõ vào đít thùng tôn 35 lít (thùng chứa đựng mủ) phát ra tiếng kêu: tùng, tùng, tùng… liên hồi.

– Đấy con đường thùng kêu… là trời sắp mưa đó bây!

Mọi người hối hả về phần cây của mình xách thùng đi trút mủ, bác cũng chia tay với đám con cháu để đi vào trong xóm có việc. Thằng Tèo, thằng Bi, nhỏ Lan… vội vã cầm những chén mủ đầy ăm ắp đổ vào trong thùng trút, trong bụng lại nghĩ thầm: “Đúng là ông già tếu táo, con đường thùng thôi mà cũng dệt thành câu chuyện… đường biết kêu cho được”. Tụi nó trút mủ xong hết phần cây, miệng vẫn còn cười tủm tỉm… tỏ vẻ còn tràn đầy năng lượng tích cực với công việc.

(*) đường thùng: Là con đường thường được phân ranh vị trí ở giữa vườn cây, và mỗi phần cây sẽ được chia ra thành 2 đầu cây cạo bằng nhau, để tiện cho việc trút mủ, vận chuyển mủ, bôi thuốc kích thích mủ… quy định cũng bắt buộc công nhân phải tập hợp úp toàn bộ số lượng thùng chứa mủ khi đem vào lô trên con đường này theo hàng lối thẳng tắp cả vườn cây.

NGUYỄN CỦ CẢI