Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam: Nâng cao hiệu quả, chất lượng trong nghiên cứu phát triển cây giống

CSVN – Công tác giống góp phần quyết định trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất, tuy nhiên không có giống cao su tối ưu cho mọi vùng sinh thái, điều kiện đất và khí hậu khác nhau, đó là cơ sở khoa học cho việc cần phải cơ cấu giống thích hợp cho từng vùng – khu vực.

Trên vườn giống. Ảnh: Vũ Phong
Cải tiến giống phù hợp mục tiêu từng giai đoạn

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng, tính phù hợp và tính đa dạng về chủng loại cây giống cao su đáp ứng nhu cầu của toàn ngành trong giai đoạn mới, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác nghiên cứu phát triển cây giống đa dạng về chủng loại, năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng từng khu vực đảm bảo cung ứng giống cho toàn ngành.

Trong đó tiếp tục củng cố và phát huy năng lực cơ sở vật chất phục vụ sản xuất cây giống hiện có để nâng cao chất lượng cây giống sản xuất; phát huy năng lực quản lý, tay nghề của người lao động trong lĩnh vực sản xuất giống để hạ giá thành sản xuất; chuẩn hóa chất lượng và cơ cấu giống trong vườn nhân phù hợp với nhu cầu, tập trung cho các giống cao su được khuyến cáo trong Bảng I của đơn vị; phối hợp với Viện trong công tác đào tạo nhận dạng giống và thanh lọc giống trong quá trình sản xuất, đảm bảo trồng đúng giống trong tái canh trồng mới theo qui định của Tập đoàn.

Hiệu quả trồng cao su thể hiện chính ở năng suất, sản lượng mủ – gỗ thu hoạch được. Yếu tố giống và chất lượng cây con là hai yếu tố căn bản ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng vườn cây. Chính vì thế Viện không ngừng cải tiến giống cao su phù hợp mục tiêu cho từng giai đoạn, thể hiện ở cơ cấu bộ giống cao su được Tập đoàn ban hành.

Nghiên cứu và hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất cây giống

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất bằng giải pháp giống và chất lượng cây giống phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, đảm bảo cung ứng cho toàn ngành, bên cạnh việc phối hợp chia sẻ nguồn giống phù hợp với mục tiêu cụ thể, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng theo qui định của pháp luật, Viện tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện công tác tổ chức sản xuất cây giống cao su bằng các giải pháp nâng cao công tác giống.

Trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu tạo tuyển giống cao su, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao độ tin cậy trong đánh giá các đặc tính kinh tế của giống (năng suất mủ – gỗ), chống chịu bệnh hại, thích nghi với điều kiện khô hạn, đất xấu.

Chủ động hợp tác và tư vấn cơ cấu giống đến từng lô trồng và các giải pháp kỹ thuật cụ thể cho các đơn vị có nhu cầu, để hạn chế một số sai lầm như đã gặp ở RRIV 4, PB 260, RRIV 124. Nghiên cứu phát triển các loại hình cây giống tiến bộ (cây giống trên giá thể hữu cơ) phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn.

Đối với cây trồng nhân giống vô tính nói chung, rất khó giữ ổn định của bộ gen sau nhiều chu kỳ nhân giống. Đó là sử dụng cành gỗ ghép từ vườn nhân gốc (cấp 1) hoặc sử dụng phương pháp trẻ hóa (phục tráng) bằng nuôi cấy mô. Viện đang phối hợp với Công ty Deroose Plants của Bỉ trong việc thử nghiệm trồng cây cao su nuôi cấy mô. Đối với các đơn vị sản xuất cây giống truyền thống nên sử dụng cành gỗ ghép từ vườn nhân giống gốc (cấp 1) để đảm bảo chất lượng bộ gen của giống ổn định.

Ngoài ra việc qui hoạch và mở rộng qui mô vườn sản xuất cây giống ở các Trạm trại thuộc Viện có điều kiện thuận lợi cho công tác sản xuất cây giống, sớm đạt sản lượng 3-5 triệu cây giống mỗi năm. Tích cực đầu tư về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất cây giống, sản xuất giống với giá thành cạnh tranh.

MINH NGUYÊN

(trích báo cáo tham luận tại Hội nghị BCH

Đảng bộ VRG, ngày 24/4)