CSVNO – Theo Báo cáo thống kê sản lượng cao su thiên nhiên tháng 4 năm 2023 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) công bố, sản lượng cao su thiên nhiên (CSTN) toàn cầu có mức tăng trưởng chậm hơn nhiều ở mức 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 896.000 tấn trong tháng 4. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy đà tăng cho giá cao su ngay trong quý II.
Trong khi đó nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu tăng trưởng nhanh chóng ở mức 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 1,241 triệu tấn. Đặc điểm của thị trường CSTN tương đối nhạy cảm với tâm lý thị trường. Các yếu tố cơ bản tích cực của thị trường bị ảnh hưởng bởi rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu, chi phí lãi suất tăng, tác động từ xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine và lạm phát dai dẳng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo phục hồi chậm lại vào năm 2023.
Trong quý I, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á biến động mạnh. Sau khi tăng mạnh trong tháng 1, giá cao su có xu hướng giảm trở lại trong tháng 2, tháng 3 do những các cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ và EU phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu, làm dấy lên lo ngại nhu cầu cao su trong sản xuất và tiêu dùng giảm, gây áp lực lên giá sản phẩm. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất tại các nước tiêu thụ cao su lớn như Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thực sự hồi phục khiến xu hướng giá cao su trên thị trường chưa ổn định.
Ở chiều ngược lại, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động trong quý I. Diễn biến giá cao su trong nước cùng chiều với xu hướng giá thế giới, tuy nhiên xu hướng giá yếu hơn khá nhiều so với giá niêm yết trên các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Trong khi đó, giá năng lượng tăng kéo theo chi phí logistics tăng cũng là một yếu tố gây sức ép lên xuất khẩu cao su giai đoạn đầu năm.
Trong tháng 4, giá mủ nước tại Bình Phước và Đồng Nai giữ ở mức 270-280 đồng/TSC; tại Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Trị giao dịch ở mức 250 đồng/TSC; còn ở các vùng nguyên liệu khác, giá cao su ghi nhận trong khoảng 225 – 240 đồng/TSC.
ANRPC cho biết trong năm 2023, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự báo đạt khoảng 14,916 triệu tấn, tiêu thụ dự kiến đạt 14,912 triệu tấn.Các dữ liệu đều cho thấy cán cân cung – cầu trên thị trường cao su thế giới nhiều khả năng sẽ nghiêng về thiếu hụt nguồn cung. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy đà tăng cho giá cao su ngay trong quý II.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế thế giới vẫn cần thêm thời gian để ổn định trở lại sau cú sốc của ngành ngân hàng hồi tháng 3. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chưa thực sự hồi phục như dự đoán. Do vậy, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng giá cao su thế giới vẫn sẽ phải đối mặt những sức ép nhất định.
Q.K
Related posts:
- Cao su Bà Rịa, Hòa Bình ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Xuất khẩu nông sản phấn đấu đạt 55 tỷ USD
- Đề xuất tặng cờ thi đua Chính phủ cho Cơ khí Cao su
- "Bình tĩnh, chủ động, linh hoạt ứng phó với khó khăn"
- Cơ hội để gỗ cao su cất cánh
- Tập huấn võ thuật cho lực lượng tự vệ 4 công ty tại Gia Lai
- Trao giải thưởng "Cao su Việt Nam" vào cuối tháng 7
- Nông trường Dục Nông (Cao su Kon Tum):Nhiều năm liền dẫn đầu sản lượng công ty
- Góp sức cho nhiệm vụ kép của toàn ngành
- Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát