Cao su Đồng Nai (2/6/1975 – 2/6/2023): Phát huy truyền thống, vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới

CSVN – Tính đến năm 2023, TCT Cao su Đồng Nai đã có 48 năm xây dựng, ổn định và phát triển. Chặng đường 48 năm qua, dù bất cứ giai đoạn nào với những khó khăn, thuận lợi nào, TCT vẫn chủ động phát huy truyền thống anh dũng kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, và cần cù sáng tạo, anh hùng trong lao động xây dựng đất nước, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu, nhiệm vụ các cấp giao.

Lãnh đạo VRG trao thưởng cho công ty tại Hội nghị tổng kết SXKD năm 2022.
Ngày 2/6/1975 – Mốc son lịch sử của TCT

Ngay sau mùa Xuân đại thắng năm 1975, Thường vụ Khu ủy Đông Nam bộ có chủ trương khôi phục lại sản xuất cao su, giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống cho công nhân cao su, tiến tới xây dựng vùng chuyên canh cao su XHCN. Để triển khai thực hiện chủ trương trên, Công ty Quốc doanh Cao su Đồng Nai được thành lập ngày 2/6/1975. Cũng trong ngày này, toàn thể NLĐ trên khắp các nông trường, nhà máy đồng loạt ra quân lao động, khôi phục và mở rộng sản xuất cao su. Được lao động sản xuất trong một tư thế mới – tư thế của người làm chủ đất nước, làm chủ công việc, tập thể công ty đã có nhiều nỗ lực, thi đua khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất, xây dựng đơn vị đạt nhiều thành tích xuất sắc.

Ngày 2/6/1975 được xem là mốc son lịch sử và được chọn là ngày truyền thống của TCT. Diện tích vườn cây khi tiếp quản từ 12 đồn điền cao su của 4 công ty tư bản Pháp là 21.000 ha cao su nằm trên  địa  bàn  tỉnh  Đồng  Nai.  Lúc này, công ty đứng trước tình hình “3 kiệt”, hầu hết vườn cây cao su bị bom đạn trong chiến tranh tàn phá trở nên suy kiệt, mật độ cây còn lại hơn 30%. Năng suất bình quân chỉ 550kg/ha/năm. Các nhà máy cũ kỹ với công nghệ lạc hậu, công suất chế biến chỉ còn 50%. Lực lượng lao động lúc bấy giờ là 5.131 người, trong đó 70% là lao động nữ lớn tuổi, năng lực lao động giảm sút nghiêm trọng. Đội ngũ cán bộ cốt cán được quy tụ từ nhiều nơi, chuyên môn nghiệp vụ chưa cao.

Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo công ty đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp truyền thống cách mạng của công nhân cao su, kiên trì vượt khó để ổn định đơn vị, từng bước gầy dựng lại vườn cây, cơ sở vật chất. Mỗi giai đoạn, công ty đều xây dựng chiến lược phát triển đúng với chủ trương của ngành cao su, của địa  phương  và  phù  hợp  với  tình hình thực tế tại đơn vị. Nhờ những bước đi đúng đắn, công ty đã dần khẳng định vị thế của một đơn vị anh cả miền Đông, xứng danh với truyền thống công nhân cao su Đồng Nai. Bên cạnh làm kinh tế, lãnh đạo của công ty qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm đến việc ổn định và nâng cao đời sống cho NLĐ.

Ghi nhận những thành tựu mà TCT đã đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác cho TCT.

Vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới

Gần 5 thập kỷ xây dựng và phát triển, TCT không ngừng bứt phá vươn lên, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trên hành trình phát triển, TCT đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, vượt qua trở ngại, thách thức để khẳng định là đơn vị anh cả miền Đông, vững bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trước tình hình diện tích đất trồng cao su liên tục giảm trong những năm tới để chuyển sang thực hiện các dự án theo định hướng phát triển của tỉnh Đồng Nai, năm 2023 TCT chủ động rà soát lại toàn bộ quỹ đất, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang phát triển thương mại, dịch vụ, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, triển khai thực hiện các dự án phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Phấn đấu thực hiện vượt các chỉ tiêu kế hoạch nông nghiệp, tiếp tục duy trì năng suất vườn cây đạt trên 2 tấn/ha theo hướng bền vững. Nỗ lực khai thác hơn 25.700 tấn. Tổng doanh thu phấn đấu đạt 1.599,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 257,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân trên 11 triệu đồng/người/tháng

Để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, TCT đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho toàn bộ diện tích trồng cao su; được tổ chức quốc tế GFA cấp Chứng nhận bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC – FM cho diện tích 11.035 ha, đạt tỷ lệ 34,8% trên tổng diện tích trồng cao su và được tổ chức SGS cấp Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC cho toàn bộ 3 Nhà máy trực thuộc, với tổng công suất đạt 40.000 tấn/năm.

Việc đạt được chứng chỉ Rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm đã góp phần tăng giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nhờ vậy, dù tình hình tiêu thụ của ngành cao su gặp rất nhiều khó khăn, giá bán cao su cũng liên tục giảm, TCT đã tận dụng thương hiệu uy tín, ký được hợp đồng dài hạn với nhiều khách hàng ở Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,… đồng thời tập trung tìm kiếm các đối tác nội địa để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Một số chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2020 – 2025: Duy trì tổng diện tích đất cao su ổn định bình quân 28.200 ha; Duy trì năng suất vườn cây đạt trên 2 tấn/ha theo hướng bền vững; Phấn đấu tổng sản lượng mủ cao su khai thác đạt trên 126.000 tấn, thu mua trên 63.000 tấn, tiêu thụ đạt trên 190.000 tấn, trong đó tỉ lệ xuất khẩu trên 60% tổng thị phần; Phấn đấu phát triển sản phẩm mới có sử dụng cao su thiên nhiên với hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, phấn đấu đến năm 2025 tạo doanh thu chiếm 60 – 70% so với doanh thu cao su thiên nhiên sơ chế; Đến năm 2025, tổng quỹ đất danh cho hoạt động phát triển ứng dụng công nghệ cao là 2.000 ha.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, TCT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cơ giới hóa, tự động hóa trên vườn cây đặc biệt là trong khâu khai thác thông qua việc chế tạo và đưa vào sử dụng robot cạo mủ. Thực hiện nghiên cứu và sử dụng công nghệ viễn thám để kiểm kê và trị bệnh cho vườn cây, hỗ trợ trong công tác đo đạc, biến động diện tích đất. Ứng dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, đổi mới công nghệ trong chế biến nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường…

Đối với lĩnh vực chế biến và tiêu thụ: TCT tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng công nghiệp mới để sản xuất đa dạng hóa chủng loại cao su, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đầu tư dây chuyền tự động hóa trong đóng gói và vận chuyển để tiết giảm công lao động trong chế biến. Chuyển đổi sử dụng nhiên liệu khí đốt, điện năng phục vụ sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối sạch biomass và hệ thống năng lượng mặt trời lắp đặt tại các nhà máy….

Bên cạnh hoạt động SXKD, TCT còn chú trọng, quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động thiết thực. Bình quân hàng năm, TCT nộp ngân sách trên 200 tỷ đồng, năm 2022 con số này tăng lên là 364 tỷ đồng. Không chỉ vậy, TCT còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Tổng số lao động hiện có hơn 4.100 người, TCT đã sắp xếp lao động hợp lý, đảm bảo việc làm ổn định cho NLĐ; thường xuyên cân đối nguồn để tăng việc chăm lo vật chất qua lương thưởng, tổ chức các hoạt động động viên tinh thần cho NLĐ, thu hút nguồn lao động.

Đứng trước những khó khăn, thách thức trong tình hình hiện nay, TCT xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn từ 2025 – 2030, trong đó, tập trung mọi nguồn lực vào việc đầu tư phát triển những ngành nghề chính, và phù hợp với quy hoạch, phát triển của tỉnh Đồng Nai, của VRG. Phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột “Kinh tế – Xã hội – Môi trường”.

MINH NHIÊN. ẢNH: VŨ PHONG