“Phấn đấu vượt kế hoạch sản lượng ít nhất 5%”

LTS: “Tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động” là nhiệm vụ xuyên suốt và dài hạn trong hoạt động nông nghiệp của VRG. Những năm gần đây, Tập đoàn chủ trương không mở rộng diện tích trồng mới cao su, một số diện tích sẽ được chuyển giao về cho địa phương để sử dụng trong các công trình phúc lợi xã hội và một phần diện tích sẽ được VRG chuyển đổi sang mục đích khác. Do đó, trong điều kiện diện tích giảm nhưng sản lượng khai thác phải đảm bảo tăng trưởng qua các năm thì việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sẽ giúp Tập đoàn đạt được mục tiêu nâng cao năng suất sản lượng vườn cây. Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG đã trao đổi với Cao su Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG. Ảnh: Vũ Phong

Năm 2023, các công ty cao su thành viên VRG đối mặt với những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kế hoạch sản lượng (KHSL) được giao, cụ thể ra sao thưa ông? Ông Lê Thanh Tú: Thực tế những năm gần đây, ngành cao su gặp rất nhiều khó khăn về thiếu hụt lao động, thời tiết khí hậu cực đoan, dịch bệnh trên cây cao su tiếp tục diễn biến khó lường… đã ảnh hưởng trực tiếp năng suất sản lượng vườn cây kinh doanh ở các đơn vị.

Tại khu vực miền núi phía Bắc, các đợt không khí lạnh làm nhiệt độ giảm sâu trong các tháng 1 & 2 vừa qua, đặc biệt khu vực Đông Bắc và các khu vực có cao trình cao Tây Bắc (> 600m) tiến độ ra lá chậm, làm chậm thời gian mở cạo. Bên cạnh đó, dự báo mùa đông năm nay đến sớm ở khu vực này. Ở các khu vực khác, nắng nóng kéo dài đầu mùa cạo 2023 và dự kiến tình hình mưa bão trong tháng 8, 9, 10 hàng năm làm giảm tiến độ thu hoạch mủ các khu vực Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Lào và khả năng còn tiếp tục ảnh hưởng trong quý IV.

Bệnh rụng lá đốm tròn (RLĐT) đã xuất hiện từ năm 2021 tại Việt Nam và tăng dần diện tích qua các năm (2021: 123,51 ha, 2022: 11.291,69 ha), dự báo năm 2023 bệnh tiếp tục phát triển. Tập đoàn đã triển khai công tác phun phòng bệnh RLĐT kết hợp công tác phun phòng bệnh phấn trắng mùa thay lá năm 2023.

Bên cạnh đó, vấn đề lao động cạo mủ thiếu dẫn đến không khai thác hết tiềm năng vườn cây, không xây dựng được chế độ cạo tối ưu (D3) tại một số đơn vị, ảnh hưởng lớn đến công tác hoàn thành KHSL tại một số công ty.

Hiện nay, việc bón phân trên vườn cây khai thác của các công ty chỉ được thực hiện khi đảm bảo biên độ lợi nhuận, điều này dẫn đến việc một số công ty sẽ không được duyệt kế hoạch phân bón dẫn đến không đảm bảo năng lực vườn cây khai thác mủ.

Đặc biệt, những năm qua, Tập đoàn không mở rộng diện tích trồng mới cao su, một số diện tích sẽ được chuyển giao về cho địa phương và một số diện tích được VRG chuyển đổi sang mục đích khác. Do đó, trong điều kiện diện tích giảm nhưng sản lượng khai thác phải đảm bảo tăng trưởng qua các năm cũng là thách thức trong việc thực hiện KHSL của VRG.

– Xin ông cho biết những định hướng và giải pháp hoàn thành KHSL năm 2023 của Tập đoàn?

Ông Lê Thanh Tú: Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây là một định hướng lớn của VRG. Tập đoàn đã xây dựng tầm nhìn về sản lượng khai thác đến năm 2030. Nhìn chung, sản lượng xây dựng hàng năm tăng, diện tích khai thác giảm, những năm tới năng suất vườn cây của toàn VRG đi theo hướng tăng. Để thực hiện đạt mục tiêu này, VRG đã xây dựng kịch bản và lộ trình cụ thể trong từng năm.

Kế hoạch năm 2023, sản lượng khai thác của Tập đoàn là 425.000 tấn, diện tích vườn cây kinh doanh là 279.795,44 ha; năng suất bình quân 1,52 tấn/ha. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức KHSL ít nhất 5% đã đề ra, VRG đã xây dựng chi tiết khả năng thực hiện tiến độ của từng khu vực. Tập đoàn đã phân bổ kế hoạch tiến độ từng tháng trong năm, thường xuyên theo dõi, có hướng dẫn hỗ trợ và xử lý kịp thời, phấn đấu đạt và vượt KHSL ngay từ những ngày, tháng và quý đầu năm.

Trong thời gian qua, có nhiều nhóm giải pháp để nâng cao năng suất vườn cây, hoàn thành KHSL đã được các đơn vị thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy, năm 2023, Tập đoàn tiếp tục các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả và quyết liệt trong việc thực hiện KHSL, cụ thể:

Thứ nhất, công tác bảo vệ thực vật cần phải chủ động trên vườn cây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Đối với công tác phòng trị bệnh hại thì việc “phòng” đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong tình hình xuất hiện nhiều bệnh hại tác động lớn để vườn cây, đặc biệt là bệnh RLĐT. Ban Quản lý kỹ thuật Tập đoàn đã chủ động nghiên cứu các mô hình quản lý bệnh hại, đánh giá tác động một cách thận trọng và xây dựng phương án phòng trừ bệnh một cách khoa học, bài bản. Trong quý I năm 2023, Tập đoàn đã triển khai phun phòng bệnh ở các đơn vị thành viên. Qua đánh giá hiệu quả phun phòng bệnh đạt kết quả tốt, các vườn cây được phun phòng bệnh có tán lá vườn cây ở mức nhiễm nhẹ không bị rụng – sạch bệnh, lá sớm ổn định đưa vào cạo sớm. Cần tiếp tục theo dõi bám sát diễn biến của bệnh RLĐT để kịp thời có phương án xử lý bệnh. Quỹ Bảo hiểm Xuất khẩu Cao su có thêm chương trình hành động trong năm 2023 đối với tình hình phát sinh bệnh RLĐT, có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị.

Thứhai,tiếp tục có giải pháp thích hợp để bảo đảm nguồn lao động, nhất là các đơn vị ở khu kinh tế trọng điểm, bị tranh chấp nguồn lao động với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Có chế độ chính sách thu hút lao động, chuyển chế độ cạo phù hợp điều kiện lao động. Chủ động điều chỉnh giờ cạo phù hợp thời tiết điều kiện vùng miền, đảm bảo thu hoạch đủ nhát cạo trên năm.

Thứ ba, phải tuân thủ đúng kỹ thuật “cạo hết cây, thu hết mủ”. Vận động cạo khoán, cạo choàng, cạo bù những ngày không cạo được do ảnh hưởng mưa bão. Bên cạnh đó, chăm sóc tốt mặt cạo, đồng thời thường xuyên kiểm tra gia cố dây dẫn mủ, máng chắn mưa, tấm che chén đảm bảo hiệu quả phục vụ tốt cho công tác thu hoạch mủ trong những ngày mưa. Tăng cường tận thu tối đa sản lượng của diện tích thanh lý tái canh năm 2023 – 2024 trước khi cưa cắt. Trên cơ sở dự báo tình hình, diễn biến của thời tiết có kế hoạch áp dụng kích thích để tăng năng suất sản lượng. Tăng cường công tác quản lý và quyết liệt bảo vệ sản phẩm mủ ngoài vườn cây, tận thu hết mủ phụ trên lô.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý kỹ thuật thu hoạch từ cấp Tổ/Đội, NT, công ty. Đặc biệt với những vùng mới, vùng ngoài truyền thống như: Campuchia, Lào, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ… Thường xuyên phổ biến và tập huấn bổ sung kịp thời các kiến thức mới trên vườn cây kinh doanh theo Quy trình kỹ thuật 2020.

Thứ năm, thường xuyên theo dõi các đơn vị chậm tiến độ sản lượng nhiều năm, để có giải pháp kịp thời hỗ trợ. Rà soát diện tích đủ tiêu chuẩn mở cạo rải vụ nhằm tăng thêm sản lượng thực hiện.

Thứ sáu, hoàn thành việc số hóa trong quản lý đất đai, cây trồng thông qua việc triển khai hệ thống GIS ở các công ty để thực hiện tốt các giải pháp về quản lý chất lượng vườn cây, sản phẩm và giảm lao động quản lý trung gian.

VRG ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các đơn vị trong việc đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Với những tiến bộ, đột phá và cách quản lý đồng bộ, hiệu quả trong những năm qua, tôi tin tưởng rằng năng suất vườn cây của VRG năm 2023 sẽ có bước tăng trưởng đáng kể.

– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

TRẦN HUỲNH (thực hiện)