Quyết tâm làm thật tốt nơi đất khách
Vợ chồng anh Tẩn Seo Thề và chị Lừu Thị Chư hiện là công nhân khai thác mủ cao su tại Nông trường Cẩm Đường, TCT Cao su Đồng Nai. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, vợ chồng anh chị cũng như nhiều anh chị em công nhân đồng bào H’Mông từ Hà Giang vào mảnh đất Đồng Nai lập nghiệp đã quen với công việc và cuộc sống mới.
Vợ chồng anh chị quyết định vào làm công nhân cao su tại Nông trường Cẩm Đường theo mô hình lao động cũ “thu tuyển” lao động mới giúp TCT. TCT thu tuyển lao động từ các tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 2018 khi nguồn lao động tại địa phương khan hiếm. Với các chế độ, chính sách được đảm bảo đầy đủ, kịp thời, việc làm ổn định và thu nhập tương xứng với công sức lao động, các anh chị em sau khi vào làm việc 1 năm đã giới thiệu thêm công nhân từ các tỉnh vào làm việc.
Giai đoạn đầu mới vào làm việc còn nhiều khó khăn bởi trước đây anh chị trồng trọt hoa màu là chính nhưng khi bắt tay vào công việc mới, anh chị quyết tâm phải làm thật tốt để có tiền gởi về quê nuôi con ăn học và gia đình bớt vất vả hơn. Anh chị tâm tình: “Thời gian ban đầu nơi đất khách quê người còn nhiều lạ lẫm, vợ chồng tôi cũng chưa biết trong này công việc, nơi ăn chốn ở thế nào nên gởi con cho ba mẹ để vào ổn định công việc trước. 3 năm làm việc ở đây, chúng tôi đã xác định sẽ gắn bó với công việc này, thời gian tới tôi sẽ đưa đại gia đình của mình vào đây để ổn định cuộc sống”.
Anh chị cũng như những lao động ở tỉnh xa đến đều được đơn vị hỗ trợ ở tại nhà ở tập thể, được hỗ trợ tiền tàu xe vào Đồng Nai, lương thực thực phẩm trong thời gian đầu, được thăm khám sức khỏe… Chuyển công việc mới, anh chị tập quen dần, anh nói: “Kỹ thuật cạo mủ cao su đòi hỏi sự kiên trì để cạo cho đúng, cho chuẩn theo quy định. Chúng tôi được học cạo và kiểm tra tay nghề trước khi bố trí phần cây. Trong quá trình làm việc, anh chị em công nhân mới vào được tổ trưởng hướng dẫn và chỉ bảo tận tình nên tay nghề ngày một nâng lên”.
An tâm làm việc, gắn bó cùng cao su Đồng Nai
Tết Nguyên đán 2023, TCT tổ chức đưa bà con công nhân ở các tỉnh miền núi phía Bắc về quê đón Tết, cuối tháng 2 dương lịch vợ chồng anh chị đã đăng ký trở vào làm việc tại TCT vì “đã quen tay quen chân rồi, vào đi làm để có thu nhập”. Vậy là anh chị tiếp tục hành trình vào Nam. Anh chia sẻ: “Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng được gần 20 triệu. Năm vừa rồi chúng tôi dành dụm được hơn 160 triệu đồng, số tiền này chúng tôi để dành nuôi con ăn học và sửa sang lại nhà cửa, sắm sửa trang thiết bị hiện đại trong gia đình. Bên cạnh lương, thưởng thì TCT và nông trường thường xuyên đến thăm và tặng quà cho anh chị em công nhân Hà Giang. Chúng tôi được biết hiện nay ở bên ngoài nhiều doanh nghiệp khó khăn, công nhân mất việc làm rất đông nhưng ở đây TCT đảm bảo công việc ổn định cho bà con, đảm bảo các chế độ chính sách nên chúng tôi rất mừng và an tâm làm việc”.
Hiện nay, TCT có 4.007 lao động, trong đó có 655 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc, chiếm tỷ lệ 27%/ tổng số lao động cạo mủ. Dù hiện nay, TCT cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình giá bán giảm nhưng TCT đã nỗ lực duy trì thực hiện tốt các chế độ đối với NLĐ, nhất là bà con mới thu tuyển ở xa đến làm việc, các hoạt động thăm hỏi, động viên chia sẻ, các phong trào VHVN – TDTT được tổ chức thường xuyên để bà con dần ổn định cuộc sống mới.
MINH NHIÊN
Related posts:
- "Sản lượng vượt năm nay sẽ cao hơn năm 2020"
- "Giải thưởng tiếp thêm động lực để thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ"
- Lợi nhuận khổng lồ từ các đồn điền cao su
- “Tôi thương các cháu công nhân lắm”
- “Phải luôn nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp hơn”
- Nghĩa tình keo sơn 4 thế hệ
- Người công nhân nói ít, làm nhiều
- “Nhất trên cả nhất”
- Hạnh phúc lớn nhất là được lao động, sáng tạo và cống hiến
- Sáng kiến tiết kiệm bạc tỷ của một giám đốc nông trường