CSVN – Cây cao su ở Hà Giang trong thời gian qua là câu chuyện đầy vất vả. Đó là sự thử thách về quyết tâm, khát vọng, về từng giống cây trong quá trình thích nghi, bám rễ trên miền đất khó. Vượt lên tất cả, Công ty CPCS Hà Giang đang quản lý hơn 1.514 ha cao su với sản lượng khai thác hàng năm đều vượt kế hoạch Tập đoàn giao.
Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt
Vườn cây của công ty trải dài trên địa bàn 3 huyện, 8 xã vùng sâu vùng xa, có địa hình phức tạp và thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Đầu năm lạnh giá, kèm mưa phùn làm phát sinh các loại bệnh cây cao su như bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá… Làm bộ lá bị tổn thương, giảm năng suất mủ, giảm thời gian khai thác trong năm.
Ngoài ra, đặc thù trên địa bàn công ty có mưa nhiều, lượng mưa lớn nhất cả nước (trung bình khoảng 4.665 – 5.000 mm/năm), số ngày mưa khoảng 200 ngày/năm, không những làm hư hỏng hệ thống giao thông nội vùng mà còn hưởng rất lớn đến công tác thu hoạch mủ. Do NLĐ phải di chuyển và cạo mủ trên địa hình trơn trượt, đồi dốc… dẫn đến nhiều ngày công nhân không thể lên đồi núi khai thác, làm giảm sản lượng theo kế hoạch hàng tháng đề ra.
Những năm qua lao động luôn biến động, công ty liên tục tuyển dụng và bố trí đầy đủ lao động khai thác. Tuy nhiên, những năm đầu khai thác do sản lượng còn thấp nên tiền lương của công nhân chưa cao, khó cạnh tranh với các ngành nghề khác trên địa bàn. Để giữ lao động, công ty thực hiện chính sách ưu tiên hàng đầu đối với công nhân khai thác, như: sửa sang nhà ở, hỗ trợ tiền điện, tiền ga; thường xuyên thăm hỏi, động viên kịp thời, nhất là đối với những lao động xa gia đình…
Tin tưởng sản lượng mủ tốt
Trải qua 4 năm khai thác và bắt đầu bước vào năm thứ 5, công ty đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình điều hành sản xuất. Chủ động xây dựng những giải pháp hoàn thành tốt kế hoạch sản lượng hàng năm. Tổng sản lượng từ năm 2019 – 2022 trên 1.775 tấn, mỗi năm đều vượt kế hoạch Tập đoàn giao.
Công ty đã xây dựng kế hoạch sản lượng mủ giai đoạn 2023 – 2030 và định hướng đến năm 2040, với năng suất bình quân cả chu kỳ trên 1,2 tấn/ha. Từ đặc điểm địa hình vườn cây và đặc thù thời tiết mưa nhiều trên địa bàn, công ty tiếp tục duy trì chế độ cạo D3 và thu mủ đông trên chén; tăng cường công tác kiểm tra, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tay nghề cạo mủ cho NLĐ. Thường xuyên khen thưởng kịp thời đối với công nhân cạo giỏi, đúng quy trình kỹ thuật.
Về tổ chức sản xuất, ông Đỗ Anh Minh – TGĐ Cao su Hà Giang, cho biết: “Công ty áp dụng hình thức giao khoán toàn bộ chi phí, như: chi phí nhân công trực tiếp, tiền lương gián tiếp, xăng xe, điện nước, bốc vác, vận chuyển… cho các đội sản xuất gắn liền với giao khoán sản lượng mủ nhập kho. Để tăng cường sự chủ động trong công tác điều hành của cơ sở, phát huy tối đa sự linh hoạt của các đơn vị theo phương châm 4 tại chỗ (nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và giám sát tại chỗ) nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, hạ giá thành sản phẩm”.
Hiện tại lực lượng lao động gián tiếp của công ty đã tinh gọn so với các đơn vị khác có cùng quy mô ở khu vực MNPB. Tuy nhiên năm 2023, công ty tiếp tục sắp xếp, định biên lại lực lượng lao động gián tiếp để giảm chi phí tiền lương gián tiếp, đồng thời vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc.
MINH TRÍ
Related posts:
- Cao su Đồng Nai xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp tiêu biểu
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn của một đơn vị biên giới và có hoạt động tại ...
- Bảo tồn rừng tự nhiên để phát triển xanh
- Nông trường Minh Hưng, Cao su Bình Long về trước kế hoạch sản lượng 32 ngày
- Công tác xa nhà - Nỗi lòng người trong cuộc
- Nông trường Ia Nhin giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Chư Păh
- Cao su Việt Lào: Nhiều giải pháp đảm bảo hiệu quả cao
- Sớm về trước kế hoạch
- Cao su Lộc Ninh sơ kết công tác sản xuất kinh doanh quý I
- Hào hứng tranh tài tại Hội thi Bàn tay vàng lần đầu tiên