“Kết quả tiêu thụ sản phẩm CSTN thương hiệu VRG tăng trưởng hết sức ấn tượng”

CSVN – “Trong giai đoạn 2018 – 2022, công tác chế biến và tiêu thụ CSTN của cả Việt Nam nói chung và của VRG nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Tập đoàn đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các đơn vị thành viên trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm CSTN thương hiệu VRG và gặt hái được nhiều thành công.

Ông Trần Như Hùng – Trưởng Ban Thị trường Kinh doanh VRG (thứ 5 từ phéi sang) cùng đoàn công tác lãnh đạo VRG làm việc tại Tập đoàn Sailun (Trung Quốc), vào ngày 20/3.

5 năm vừa qua, sản lượng tiêu thụ sản phẩm CSTN thương hiệu VRG có kết quả tăng trưởng hàng năm hết sức ấn tượng, từ 20.791 tấn (năm 2018) lên đến 442.407 tấn (năm 2022). Tổng sản lượng tiêu thụ giai đoạn 2018 – 2022 là 1,24 triệu tấn mủ CSTN các loại, đạt 110% kế hoạch đề ra.

Về cơ cấu sản phẩm CSTN thương hiệu VRG cũng đã có nhiều thay đổi, cụ thể trong 1,24 triệu tấn sản phẩm VRG thì lượng tiêu thụ sản phẩm VRG SVR 10/20 đạt 650.000 tấn (tương đương 53% tổng sản lượng tiêu thụ). Tiếp theo là VRG SVR 3L với sản lượng tiêu thụ 327.000 tấn (tương đương 27%), VRG SVR CV 50/60 đạt 150.000 tấn (tương đương 12%) và sau đó là VRG Latex (5%) và VRG RSS (3%). Cơ cấu này khá phù hợp với xu hướng của thị trường khi chủng loại mủ V10/20 của toàn Tập đoàn đã vượt ngưỡng 50%.

Trong 1,24 triệu tấn sản phẩm CSTN thương hiệu VRG thì khu vực có lượng tiêu thụ tốt nhất là Đông Nam bộ với 574.878 tấn (tương đương 46%), kế tiếp là khu vực Campuchia 269.522 tấn (tương đương 22%), khu vực xếp thứ 3 là Tây Nguyên 206.584 tấn (tương đương 17%), Lào là 9% và MNPB, DHMT chỉ chiếm 3%.

Hiện nay, sản phẩm CSTN thương hiệu VRG đang được khách hàng rất tín nhiệm do sản phẩm có quy trình chế biến đồng nhất, có độ đồng đều cao. Sản phẩm đã được xuất khẩu hơn 70 quốc gia và đã được các nhà sản xuất săm lốp lớn tin tưởng, sử dụng thường xuyên. Đặc biệt, từ năm 2020 trở đi, sản phẩm đã đáp ứng được những đơn hàng lớn và thường xuyên, để sản xuất các loại vỏ xe có chất lượng cao như vỏ Radial dành cho thị trường Châu Âu và Châu Mỹ. Chính vì thế, Tập đoàn đã đón nhận những phản hồi tích cực từ các nhà sản xuất và thương mại.

Kể từ khi Tập đoàn công bố Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 112, khách hàng đã đánh giá rất cao về sự phù hợp với tình hình thực tế. Qua khảo sát, các khách hàng đánh giá TCCS 112 của Tập đoàn có chất lượng tiên tiến, vượt trội, đồng đều, ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt TCCS 112 có thêm chỉ tiêu Mooney (độ nhớt) trong khoảng từ 73- 93 là chỉ tiêu rất quan trọng đối với các nhà sản xuất săm lốp. Tiêu chuẩn này đã dần thay thế được TCVN 3769 :2016 vì TCVN có các tiêu chuẩn rất thấp, dẫn đến việc bất kỳ nhà sản xuất nào trên thị trường Việt Nam đều có thể sử dụng TCVN 3769 cho sản phẩm của mình.

Trong 1,24 triệu tấn sén phẩm CSTN thương hiệu VRG thì khu vực có lượng tiêu thụ tốt nhất là Đông Nam bộ với 574.878 tấn (tương đương 46%). Ảnh: Vũ Phong

Trong thời gian tới, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và kết quả phát triển thương hiệu VRG, Tập đoàn tiếp tục xây dựng thương hiệu CSTN VRG có sức cạnh tranh cao, giữ vững vị trí là một trong những ngành quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Thông qua các thông tin từ các khách hàng, các tổ chức cao su quốc tế có uy tín, các triển lãm hoặc các hội thảo chuyên đề, Tập đoàn định hướng nhằm xây dựng cơ cấu sản phẩm một cách phù hợp với xu hướng thị trường trong từng giai đoạn, trong đó, trọng tâm sản xuất các sản phẩm có thể cung cấp đến khách hàng là các nhà sản xuất cuối cùng, các nhà thương mại có nguồn khách hàng ổn định.

Tập đoàn tập trung xây dựng cơ cấu sản phẩm cho giai đoạn tới theo hướng duy trì lượng SVR/CSR 10 đạt ngưỡng 50%, duy trì lượng SVR 3L ở ngưỡng 10 đến 15%, mủ RSS3 và Latex trong khoảng 10%. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chế biến các sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm Latex Low Protein, SVR 10 và SVR 3L mix… Tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất lớn để tiếp nhận các chuyển giao công nghệ, các cơ hội hợp tác nhằm từng bước nắm vững công nghệ.

Trong điều kiện phù hợp, tùy vào nhu cầu thị trường, tiếp tục nghiên cứu các phương án nhằm tăng lượng mủ SVR 10 mix và SVR 3L ở ngưỡng 100.000 tấn/năm (tương đương 20% tổng sản lượng của Tập đoàn) trong giai đoạn 2023 – 2025. Trong đó, ưu tiên các đơn đặt hàng ổn định hoặc các khách hàng có uy tín trên thị trường.

Tập đoàn đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm VRG đến các nhà sản xuất trong nước hoặc các đối tác chiến lược, nghiên cứu đa dạng các phương án vận chuyển sản phẩm mủ CSTN nhằm giảm thiểu các chi phí, tối ưu hóa lợi và thu hồi nhanh dòng tiền. Định hướng cho các đơn vị thành viên trong việc sản xuất các sản phẩm mà thị trường cần chứ không sản xuất các sản phẩm là thế mạnh của các đơn vị.

Tích cực tìm kiếm các thị trường mới và giàu tiềm năng, các đối tác có uy tín và có nhu cầu lớn nhằm tiêu thụ và hỗ trợ các công ty thành viên trong việc tiêu thụ sản phẩm VRG. Từng bước giới thiệu các khách hàng đến để làm việc với các đơn vị thành viên, tạo lượng khách hàng ổn định để các đơn vị chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển sản phẩm CSTN thương hiệu VRG theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Phấn đấu để các sản phẩm CSTN, gỗ của Tập đoàn có chứng nhận FSC trong thời gian tới. Đẩy mạnh quảng bá về sản phẩm CSTN và gỗ của Tập đoàn theo hướng phát triển bền vững và luôn gắn liền với trách nhiệm với xã hội.

Tập đoàn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng công nghệ số trong công tác phân loại, chăm sóc khách hàng. Triển khai tìm hiểu, nghiên cứu và tham gia vào các đề án về Sàn giao dịch cao su để từ đó mở rộng kênh bán hàng song song với giao dịch trực tiếp. Đưa sản phẩm cao su lên sàn giao dịch điện tử để các khách hàng có thể tham gia tìm hiểu thông tin về nhà cung ứng và đấu giá sản phẩm cao su”.

THIÊN HƯƠNG (ghi)