Thực hiện giải pháp linh động, chủ động trong thu tuyển công nhân

CSVN – Liên tục gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu hụt lao động khai thác, các công ty cao su khu vực Đông Nam bộ đã linh động thực hiện nhiều giải pháp để thu tuyển công nhân. Cao su Việt Nam đã trao đổi, ghi nhận những định hướng chỉ đạo của lãnh đạo VRG và các đơn vị thành viên đem đến những giải pháp tối ưu để ổn định lao động.

Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG chủ trì Hội nghị đánh giá công tác tuyển dụng và đào tạo công nhân khai thác mủ khu vực miền Đông Nam bộ năm 2023. Ảnh: Vũ Phong
Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG:

“Ổn định lao động là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”

Để làm tốt công tác tuyển dụng và ổn định lao động, tránh việc cạnh tranh giữa các công ty thành viên trong việc tuyển dụng, lãnh đạo VRG đề nghị các công ty cao su khu vực Đông Nam bộ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, cụ thể:

Thứ nhất, xác định lao động là yếu tố quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch sản lượng. Chính vì vậy, công tác tuyển dụng và ổn định lao động là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhất là vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong công tác tuyên truyền, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.

Thứ hai, với kinh nghiệm thực tiễn, các công ty cao su cần chủ động, có nhiều kênh trong việc tuyển dụng lao động tại chỗ, lao động ngoại tỉnh, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phù hợp với chế độ cạo của đơn vị và tiếp tục thực hiện tốt hoạt động khoán thu hoạch mủ.

Thứ ba, quan tâm hơn nữa công tác đào tạo tay nghề, ý thức kỷ luật cho NLĐ đồng bào DTTS, để vừa đảm bảo không thiếu lao động và lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu khai thác mủ.

Thứ tư, đẩy mạnh các chế độ chính sách chăm lo cho NLĐ, để NLĐ yên tâm gắn bó với đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Tược – TGĐ Công ty CPCS Phước Hòa:

“Tập đoàn cần có cơ chế lâu dài, hợp lý để ổn định lao động”

Mùa cạo mới năm 2023, công ty có gần 7.000 ha vườn cây cao su kinh doanh. Do hầu hết vườn cây non mới đưa vào khai thác nên công ty hiện thiếu hơn 200 lao động, chủ yếu ở 2 NT Bố Lá và Nhà Nai, bình quân mỗi NT thiếu gần 100 công nhân khai thác. Công ty đã tích cực thu tuyển lao động mới, cụ thể: thành lập các tổ thu tuyển lao động từ công ty đến NT; phối hợp với các đơn vị kết nghĩa, các huyện/xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp xúc tiến lao động… Đặc biệt là thu tuyển lao động đồng bào DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Công ty cũng có mô hình khu nhà ở công nhân đồng bào DTTS từ năm 2019 (hơn 30 căn nhà) giống Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty CPCS Đồng Phú. Tuy nhiên, tuyển dụng chưa nhiều, những năm trước bình quân thu tuyển vài ba chục lao động. Xác định ổn định lao động là điều kiện tiên quyết để hoàn thành kế hoạch sản lượng, vì vậy năm nay công ty đẩy mạnh mọi giải pháp tuyển hơn 200 lao động để đảm bảo sản xuất.

Theo tôi, tuyển dụng mới lao động chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, điều cốt lõi đầu tiên để giữ chân lao động là cơ chế tiền lương. Trong 5 năm qua, công ty xây dựng Quỹ phúc lợi từ 100 – 200 tỷ đồng để nỗ lực chăm lo đời sống cho NLĐ, mỗi năm chi thêm 25 – 37% để bổ sung chăm lo đời sống góp phần giữ chân lao động. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo Tập đoàn và các ban tham mưu cần có giải pháp, cơ chế lâu dài, hợp lý để ổn định lao động.

Lãnh đạo các công ty thăm hỏi công nhân người đồng bào tại Đội 1, NT Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Vũ Phong
Ông Dương Tấn Phong – Phó TGĐ Công ty CPCS Tân Biên:

“Tìm mọi biện pháp để tăng thu nhập cho NLĐ”

Công ty hiện có khoảng 2.000 ha vườn cây kinh doanh (70% vườn cây già) với hơn 400 công nhân khai thác. Để ổn định và giữ chân lao động, công ty tiếp tục thực hiện việc tốt công tác điều tiết chi trả tiền lương, tiền quỹ phúc lợi phù hợp với từng thời điểm sản xuất cụ thể, đảm bảo thu nhập, tạo điều kiện cho NLĐ an tâm sản xuất. Cụ thể: hỗ trợ lương thấp trong các thời điểm ngưng cạo hoặc mới bắt đầu xả cạo, tính toán đơn giá mủ phù hợp theo từng thời điểm, linh động tính toán thanh toán chi phí hỗ trợ cho công nhân trong các ngày mưa bão không có sản lượng hoặc sản lượng thấp. Tiếp tục thực hiện tốt công tác khen thưởng cho NLĐ các ngày lễ lớn, thưởng ABC cuối năm…

Công ty cũng tìm mọi biện pháp thực hiện để tăng năng suất lao động, tiết kiệm, giảm giá thành để có điều kiện nâng đơn giá tiền lương, tăng thu nhập cho NLĐ trong toàn công ty. Tạo điều kiện để công nhân tăng gia sản xuất, có thêm thu nhập. Qua đó giúp NLĐ yên tâm gắn bó với đơn vị. Bên cạnh đó, kết hợp với các tổ chức đoàn thể tiếp tục thực hiện tốt công tác quan tâm đến các chế độ và đời sống tinh thần cho NLĐ, như: chăm sóc sức khỏe, các hoạt động tham quan học tập, tổ chức các sân chơi cho NLĐ… Công đoàn, Đoàn Thanh niên tích cực chăm lo đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo sự đồng thuận gắn kết trong lực lượng công nhân lao động.

Ban lãnh đạo công ty, NT cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại để lắng nghe những ý kiến, trăn trở của NLĐ. Để qua đó, công ty có những giải pháp phù hợp nhất và chia sẻ kịp thời với NLĐ.

Lãnh đạo VRG và các công ty cao su khu vực Đông Nam bộ trao đổi về mô hình khu nhà ở công nhân đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Vũ Phong
Ông Huỳnh Văn An – TV HĐTV, Trưởng Phòng Tổ chức, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận:

“Thực hiện tốt hợp đồng khoán thu hoạch mủ cao su”

Hầu hết vườn cây khai thác của Cao su Bình Thuận đều trước năm 2000, nên năng suất sản lượng giảm, từ trong Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn xuống còn 1,52 tấn/ha và tiếp tục giảm trong năm 2023. Năm nay, công ty đưa 400 ha vào thanh lý, còn 3.300 ha khai thác. Từ đầu năm đến nay, công nhân khai thác nghỉ gần 100 người.

Ban lãnh đạo công ty đã có 2 giải pháp đảm bảo sản xuất hoàn thành kế hoạch sản lượng, cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện khoán 400 ha cao su khai thác. Qua quá trình triển khai hợp đồng khoán, đến nay kết quả phương án này đã đem lại một số hiệu quả thiết thực, như: giải quyết được tình trạng thiếu lao động khai thác mủ do nghỉ việc. Công ty giảm được các khoản đầu tư chi phí vật tư phục vụ cho công tác khai thác. Giảm được chi phí thanh toán lương, các chi phí trích nộp BHXH, trang bị đồ lao động và các chế độ khác theo quy định của Nhà nước…

Thứ hai, thực hiện công tác bố trí số cây cạo trên phần và chế độ cạo hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Dự kiến tăng phần cạo từ 500 lên 700 – 800 cây. Qua đó, sẽ tăng thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng lên 9 – 10 triệu/người/tháng, phương án này công nhân rất phấn khởi.

PHƯƠNG UYÊN (thực hiện)