Cao su quê tôi

CSVN – Con đường nhựa mềm mại uốn lượn nhấp nhô như dải lụa được tô điểm bởi hàng hàng lớp lớp cây công nghiệp lâu năm ven đường. Cao su, điều, tiêu, cà phê… phủ xanh, tạo cho miền quê một nét chấm phá thơ mộng.

Ảnh: Vũ Phong.

Ấn tượng nhất vẫn là những lô cao su nối tiếp nhau trùng trùng điệp điệp. Mùa nào cao su cũng có nét đẹp riêng khiến ai đã một lần đến thăm Hớn Quản quê tôi đều có một cảm nhận thích thú lẫn tự hào. Đau xót chốt chặn Tàu Ô ghi dấu một trong những giai đoạn ác liệt nhất của Chiến tranh Việt Nam trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 và một Hớn Quản hôm nay trù phú, tươi đẹp và yên bình.

Đã bao giờ bạn cảm nhận được mùi thơm thơm của dòng nhựa trắng tinh khôi vừa tươm ra, nhỏ từng giọt từng giọt xuống tô vào sáng sớm? Ôi chao! Hương thơm thoang thoảng nhẹ nhàng, dễ chịu và loang loang quyện cùng sương sớm. Cây cao su thức dậy rất sớm cùng người thợ cạo, hai ba giờ sáng cây đã cần mẫn thức giấc đón người. Giữa lô yên ả, tiếng côn trùng réo rắt khúc nhạc quê. Sương giăng mắc trắng trên tán lá, dường như có sự giao thoa giữa cao su và bầu trời. Lằn ranh mỏng manh mờ ảo cho đến khi ông mặt trời ló dạng, những tia nắng hồng bừng sáng, bầu trời quang đãng và lúc này lớp sương mờ trên ngọn cây mới biến mất không để lại dấu vết.

Giữa bạt ngàn cao su, tất thảy đều tươm mủ, tất thảy cùng tỏa hương khiến đi vào lô lúc này tôi cảm nhận rất rõ mùi thơm đặc trưng của dòng nhựa trắng vừa mới rời thân mẹ sù sì.

Từng giọt từng giọt rơi đều đều như những giọt nước biển đang rơi, truyền cho người bệnh thêm sức lực để chống chọi với bệnh tật. Cây cao su chắt lọc cái tinh túy của đất trời, cái dưỡng chất của đất đỏ bazan, cái tiết trời hai mùa mưa nắng của vùng đất đỏ Bình Phước nói chung, của Hớn Quản quê tôi nói riêng cho ra dòng “vàng trắng” quý giá.

Chắc hẳn những nhát cạo sâu từ 1 – 1,3mm chẳng làm đau cây, chẳng hề ảnh hưởng gì đến quá trình sinh trưởng. Dòng nhựa trắng đục như dòng sữa mẹ nhẹ nhàng rơi xuống tô. Không hề nóng lòng, không hề vội vã… cây bình thản đứng thẳng hàng ngay lối lao xao đón gió, vẫy cành mời gọi chim muông đến hát ca, đón chào ngày mới cùng người thợ cạo quanh năm gắn bó yêu thương.

“Góp gió thành bão”, giọt giọt chảy mãi cũng đầy tô, nhiều tô đầy thùng, nhiều thùng đầy téc… “Chăm nhặt chặt bị”, ngày qua ngày cao su góp dòng sữa trắng làm đẹp cho đời. Bao gia đình đổi thay, vươn lên khá giả nhờ những giọt cao su quý giá này.

Vào mùa cao su trổ hoa, khắp các nẻo đường trong huyện, từng chùm từng chùm hoa màu xanh nhạt, xen sắc trắng nở bung trên cao. Cả khoảnh rừng rặt một màu hoa huyền ảo. Người dân đưa những thùng ong mật vào lô nuôi. Mật ong được nuôi từ vườn cao su có màu vàng nhạt, mùi thơm và vị ngọt dịu được nhiều người ưa chuộng. Hương hoa cao su theo gió thoang thoảng gọi mời ong bướm, mùi hương thanh thoát nhẹ nhàng mà quyến rũ lạ. Lúc này lá từ từ chuyển sắc từ đỏ tía sang xanh non, rồi dần dần xanh đậm xanh đà như sắc màu vốn có. Lô nối tiếp lô lại xanh um mượt mà. Khi có cơn gió lướt qua, cành lá nhấp nhô mềm mại gợn sóng. Những ngọn sóng chơi trò đuổi bắt tiếp nối nhau đến tận chân trời.

Cuối tháng tư, đầu tháng năm, người dân quê tôi lại tất bật cho mùa cạo mới. Mọi lo toan chăm sóc, sản lượng, giá cả… cây cao su cũng thịnh, cũng suy cùng thị trường, dù thế nào đi nữa cây cao su vẫn luôn sát cánh cùng người dân vùng đất đỏ bazan, cùng hát vang bài ca Người thợ cạo… Mùa mưa, trong lô còn có đặc sản nấm mối. Những cây nấm ngon bổ và đắt không thua gì thịt bò ưu đãi người dân gắn bó với vườn tược. Vừa đi cạo vừa để ý, ta dễ dàng nhìn thấy nấm mối. Chỉ cần thấy vài tai nấm nhô lên khỏi đám lá khô, thì chắc chắn nấp dưới lớp lá ấy có cả rổ nấm múp tựa những chiếc ô he hé sắp bung. Đi làm về mệt có tô cháo gà nấm mối thì tuyệt!

Ký ức tuổi thơ ùa về, tôi nhớ mãi những hôm í ới rủ nhau ra vườn quấn mủ dây làm banh chơi banh đũa, những quả banh bằng quả bóng tennis có độ nảy rất siêu, chơi thích hơn những quả chanh, quả bòng non rất nhiều . Bọn con trai thì quấn vào bong bóng làm banh đá. Những trái banh chắc, bền và không mất tiền mua thật thú vị. Thỉnh thoảng tôi lại kề mũi vào tô hít hà mùi thơm thơm của cao su mới cạo… Ôi ngọt ngào và tinh khiết như dòng sữa mẹ! Vào mùa lá rụng, bọn con nít chúng tôi còn chơi trò trốn tìm, trốn sau gốc cao su to hoặc vùi mình dưới lớp lá khô khiến người đi tìm không tài nào đoán ra nơi người ẩn nấp… Nghe ngoại tôi kể: “Thời chống Mỹ, bộ đội ở Tân Khai đã biết ngụy trang kiểu này để mật phục rồi bất ngờ bật dậy đánh nhanh khiến giặc không kịp trở tay. Thương vong nhiều khiến quân giặc bạt vía kinh hồn…”

Mùa cao su thay lá, quê tôi dường như thay áo mới. Một màu vàng xuộm trải dài, một “mùa thu” tuyệt đẹp xuất hiện. Lá rơi nhẹ hẫng như không. Lá tiếp nối lá, xoay xoay đùa cùng gió thoảng. Lá rơi lả tả, lấp lóa ánh mặt trời. Lá rơi nghiêng rơi ngữa như còn mãi ngắm phong cảnh trước khi nhẹ nhàng đáp xuống thảm lá dày bên dưới. Mây trắng nắng vàng của những ngày giáp Tết cứ đùa nghịch cùng lá vàng như cố tạo một mùa thu huyền ảo giữa một vùng trung du nên thơ. Đây là thời điểm có nhiều đôi tìm đến với cao su chụp ảnh cưới, du khách đi ngang cũng không thể hững hờ. Khoảnh khắc “thu” này chỉ tồn tại tầm nửa tháng nên không ai cưỡng lại được nét đẹp riêng, vừa kiêu sa vừa bãng lãng thơ mộng của lá vàng rơi…

Từ màu vàng xuộm dần chuyển sang màu vàng nâu, đến khi tất thảy chuyển thành màu nâu đất thì trên cao chỉ trơ những cành xương xám ngoét, cứng còng. Lá khô xào xạt, quyến luyến từng bước chân qua. Lá khô níu những chân rễ, bám chặt xuống đất giữ độ ẩm, độ mùn cho cây dưỡng sức, vòng tuần hoàn tự nhiên quay đều! Lúc này, nhà nhà lại khẩn trương chống cháy. Quét, thổi và đốt những đường băng quanh lô vào tối muộn tránh gió cũng tạo một nét đẹp kỳ thú. Những đốm lửa lập lòe, bừng sáng khi có ngọn gió lùa, rồi tắt ngấm như chưa hề tồn tại. Từ xa ngỡ một đàn đom đóm khoe đèn rồi vụt tắt, đôi lúc tôi liên tưởng khoảnh khắc hàng ngàn vì sao trên dòng sông Ngân vụt sáng…

Trong lô lúc nào cũng có người, lúc thì người cạo, người trút mủ, người lấy mủ chén, người làm cỏ… tiếng nói cười lao xao, tiếng hát vút cao giữa vườn cây bạt ngàn xanh thẳm, hàng ngay hàng lối thẳng lối, tác phong công nghiệp chẳng khác nào những người công nhân nhà máy…

Mùa nào vào lô cũng có mùi hương đặc trưng dễ chịu. Cây kề bên cây đoàn kết, dựa vào nhau cùng bảo vệ nhau. Lá đan lá như những ngón tay xinh đan quyện vào nhau duyên dáng, che hết ánh mặt trời khiến ta dễ dàng lột bỏ hết mũ nón. Vươn vai ưỡn ngực hít thật sâu để cảm nhận hương vị ngọt lành của vườn tược. Cảm nhận sức sống mãnh liệt của đủ đầy và ấm no!

NGÔ THỊ NGỌC DIỆP

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments