Phát huy truyền thống 50 năm, xây dựng Cao su Lộc Ninh phát triển vững bền

Công nhân làm việc trong những ngày đồn điền cao su Lộc Ninh tái hoạt động
Truyền thống lịch sử đầy tự hào

Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, tiền thân là đồn điền Cexo của Pháp. Đồn điền cao su Công ty Cexo của thực dân Pháp thành lập tại Lộc Ninh năm 1909 và được xem là một trong những đồn điền cao su đầu tiên tại Việt Nam. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, thực dân Pháp tăng cường chiếm đất lập đồn điền cao su tại Việt Nam. Năm 1909, Đồn điền cao su Công ty Cexo ra đời và trụ sở được đặt tại Lộc Ninh. Tháng 2/1944, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Lộc Ninh được thành lập do đồng chí Lê Đức Anh (sau này là Chủ tịch nước) làm Bí thư Chi bộ tại Làng 2 (nay là Nông trường III của công ty). Chi bộ đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Lộc Ninh và các địa phương lân cận giành chính quyền ở Lộc Ninh sớm nhất trong tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ vào ngày 24/8/1945.

Ngày 7/4/1972, huyện Lộc Ninh được giải phóng. Từ một chiến trường trọng điểm, khốc liệt, Lộc Ninh đã trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; căn cứ bộ chỉ huy Quân ủy Miền. Ngày 25/3/1973, Đồn điền Cao su Lộc Ninh được Ban Cao su Nam Bộ tiếp quản – cũng là đồn điền cao su được tiếp quản sớm nhất ở Nam bộ.

Trong những năm 1973- 1974, bom đạn địch lại tiếp tục bắn phá toàn bộ Lộc Ninh trong đó có khu vực nhà máy và vườn cây của công ty. Đây là thời kỳ được coi là ác liệt và thử thách cam go đối với công nhân Cao su Lộc Ninh, vì Lộc Ninh trở thành túi bom của địch cả ngày lẫn đêm thả xuống để phá hủy vùng giải phóng. Mặc dù vậy, tiếp quản một cơ sở chế biến mủ cũ kỹ, bị bom đạn tàn phá, nhưng công nhân Cao su Lộc Ninh vẫn dũng cảm bám trụ nhà máy – vườn cây, kiên trì sửa chữa, phục hồi lại hoạt động của nhà máy và khôi phục sản xuất ra những tấn mủ Crep đầu tiên cho chính quyền cách mạng. Trong 2 năm (1973-1974) công nhân Cao su Lộc Ninh đã làm ra 4.562 tấn mủ thành phẩm và đã chuyển ra miền Bắc 2.000 tấn mủ mang nhãn hiệu “Cao su Lộc Ninh”, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công nhân Đồn điền Cao su Lộc Ninh đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của; nhất là nuôi dưỡng, che giấu cán bộ cách mạng, có những đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có thời kỳ công tác, hoạt động tại đây được công nhân cao su đùm bọc, che chở.

Đến năm 1978, Nông trường Quốc doanh Cao su Lộc Ninh được thành lập và năm 1981 đổi tên thành Công ty Cao su Lộc Ninh.Tháng 5/2010, Công ty Cao su Lộc Ninh chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, theo quyết định số 118/QĐ-HĐTVCSVN của Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hoạt động cho đến nay.

Trên vườn cây Cao su Lộc Ninh ngày nay. Ảnh: Vũ Phong
“Năng suất c ao – Chất lư ợng tố t – Sản phẩ m đa dạng – Không ngừng cải tiến – Phát triển bền vững”

Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã qua, tập thể CB.CNVC – LĐ Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh có quyền tự hào về những thành tựu mà công ty đạt được trên tất cả các lĩnh vực: hoạt động sản xuất kinh doanh, chăm lo tốt đời sống người lao động, chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an ninh quốc phòng trên địa bàn đơn vị đứng chân.

Với mục tiêu: “Năng suất cao – Chất lượng tốt – Sản phẩm đa dạng – Không ngừng cải tiến – Phát triển bền vững”, công ty đã nâng cao chất lượng, năng suất vườn cây, chăm sóc và khai thác đúng quy trình kỹ thuật VRG, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, quản lý vườn cây, sử dụng cơ cấu bộ giống tiến bộ giúp nâng cao năng suất vườn cây, nhiều năm liền là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG.

Thực hiện chỉ đạo của VRG về việc lập đề án tái cơ cấu các đơn vị thành viên trong ngành cao su, năm 2020, công ty đã bắt tay xây dựng và thực hiện đề án tái cơ cấu công ty giai đoạn 2020 – 2025 vào trung tuần tháng 10/2020, trên 3 lĩnh vực: tái cơ cấu tổ chức và quản lý lao động; nông nghiệp trong đó có quản lý và sử dụng đất đai; tài chính. Tính tới thời điểm hiện nay, công ty đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu của đề án tái cơ cấu.

Đối với lĩnh vực tổ chức và quản lý lao động: Công ty đã cơ cấu lại bộ máy quản lý nhằm nâng cao hiệu quả công việc, chuyển đổi mô hình 3 cấp Công ty – Nông trường – Tổ cho 7 nông trường; thực hiện sáp nhập, giải thể, hợp nhất một số phòng nghiệp vụ, đơn vị công ty. Giảm tỷ lệ lao động gián tiếp từ trên 14% xuống còn 11% so với lao động trực tiếp, tổng số lao động giảm từ quý IV/2020 đến nay là 156 người, giảm được 3 đầu mối quản lý cấp Trưởng phòng và 02 đầu mối quản lý đơn vị. Việc tinh giảm đầu mối quản lý và tinh giảm lao động gián tiếp đã giảm được chi phí tiền lương và các chế độ chính sách kèm theo, từ đó góp phần giảm giá thành và tăng thu nhập cho người lao động, nhân viên nghiệp vụ sẽ tăng tính chủ động trong công việc được giao.

Trong nông nghiệp và quản lý đất đai: Công ty đã xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng trình Tập đoàn phê duyệt, trồng xen cây keo lai và thanh lý những vườn cây cao su sinh trưởng phát triển kém trên đất rừng khộp, tăng cường quản lý, chăm sóc tốt vườn cây khai thác, KTCB. Sắp xếp sử dụng có hiệu quả những diện tích đất trống không trồng cây cao su, đất trong diện quy hoạch giao về địa phương quản lý. Xây dựng lộ trình thanh lý, tái canh phù hợp, chuyển đổi dần những vườn cây năng suất thấp, duy trì ổn định diện tích và sản lượng vườn cây khai thác. Thực hiện việc rà soát và quy hoạch sử dụng đất hiệu quả cho từng giai đoạn trình cấp có thẩm quyền địa phương phê duyệt. Năm 2022, công ty đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong công tác nông nghiệp, quản lý sử dụng có hiệu quả đất đai như triển khai thực hiện đầu tư các cụm công nghiệp theo quy hoạch.

Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty đặc biệt chú trọng đến việc chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động. Trong giai đoạn 2015 – 2020, công ty thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động theo luật định: Bảo hộ lao động 16,1 tỷ đồng, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật: 58,5 tỷ đồng. Công ty đã trợ cấp thôi việc, nghỉ hưu, tiền tuất cho 852 người, với tổng số tiền là 23,6 tỷ đồng. Quan tâm chăm lo lễ, Tết cho người lao động với số tiền 111 tỷ đồng. Động viên, khen thưởng kịp thời cho người lao động trong thực hiện nhiệm vụ hằng năm, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra hằng năm của đơn vị. Thu nhập bình quân những năm gần đây đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.

P.V