Đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm hưởng lương hưu

CSVN – Theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu giảm từ 20 xuống 15 năm.

Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ. Điểm đáng lưu ý nhất là đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm.

Trong tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ngày 1/3, Bộ LĐTBXH nhận định giảm năm đóng tạo điều kiện cho lao động tham gia hệ thống muộn hoặc đóng không liên tục, đóng thời gian ngắn vẫn được hưởng lương hưu.

Bộ đề xuất lao động thôi việc và đóng đủ 15 năm BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu. Điều kiện lao động nam đủ 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ 56 tuổi 8 tháng, tương ứng với tuổi nghỉ hưu. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.

Theo Bộ LĐTBXH, luật BHXH hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.

Dự thảo lần này cũng bổ sung các quy định về trợ cấp hưu trí xã hội nhằm xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, liên kết giữa trợ cấp và BHXH bắt buộc, tự nguyện. Theo đó, người Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí từ ngân sách Nhà nước.

Lao động đóng BHXH đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hưu trí sẽ được lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng. Song mức hưởng cụ thể tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương đóng BHXH trước đó. Trong thời gian hưởng trợ cấp, người lao động được hưởng BHYT.

Ban soạn thảo đồng thời đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí phù hợp khả năng của ngân sách từng thời kỳ, mục tiêu năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.

Để mở rộng diện bao phủ BHXH, dự thảo bổ sung nhóm bắt buộc tham gia gồm chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã, lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Tới hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia BHXH, trong đó 16 triệu người đóng BHXH bắt buộc và hơn 1,5 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 37% lao động trong độ tuổi.

Cả nước có gần 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Khoảng 9,6 triệu người già trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030.

Khảo sát của Chương trình Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho kết quả nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn đến từ sự hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.

CSVN