CSVN – Đây là dịp để bà con chung vui, hưởng thành quả lao động và cầu mong thần linh tiếp tục phù hộ cho vụ mùa tiếp theo mưa thuận, gió hòa.
Mừng lúa mới là nghi lễ nông nghiệp quan trọng của các dân tộc ở Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Bahnar. Nghi lễ thường được cộng đồng tổ chức sau khi thu hoạch xong mùa màng, lúa thóc về đầy kho, nhằm tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no.
Khi công việc trên nương đã kết thúc, mùa màng đã thu hoạch xong, mùa hoa dã quỳ đang đua nhau khoe sắc, thì bà con làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai háo hức chuẩn bị những lễ vật cho lễ Mừng lúa mới nhằm tạ ơn các Yang đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Chị Y Thu, làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đăk Đoa, hồ hởi cho biết: “Hôm nay tôi rất vui khi lần đầu tiên tham gia lễ hội mừng lúa mới, tôi thấy rất ý nghĩa, mong muốn được tổ chức thường xuyên hơn, nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình”.
Để tiến hành Lễ Mừng lúa mới, già làng chọn ngày rồi thông báo họp làng, thống nhất thời gian, địa điểm tổ chức. Từ sáng sớm, người dân trong làng đã tập trung tại nhà rông của làng để chuẩn bị làm heo, gà và đem những ghè rượu ngon nhất đến để làm lễ cúng Yang. Các lễ vật cúng mừng lúa mới được đặt ở dưới cây nêu trang trí rực rỡ trước sân nhà rông.
Già làng Nhếp, làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đăk Đoa vừa vít cần rượu ghè vui vẻ cho biết: “Đây là lễ hội truyền thống của người Bahnar chúng tôi. Hôm nay, dân làng rất vui khi tổ chức lễ cúng Mừng lúa mới. Tất cả các nghi thức, vật lễ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo đúng như những gì ông cha đã làm và truyền lại”.
Khi đã chuẩn bị xong lễ vật, thầy cúng bắt đầu khấn: “Ơ Yang Sri, Yang tốt đẹp, Yang trên núi, Yang dưới sông, hôm nay lũ làng chúng tôi tổ chức lễ mừng lúa mới…báo cho các Yang về đây cùng ăn cùng uống, cùng chung vui với dân làng, về ăn gan gà và lúa mới đầu tiên…phù hộ cho dân làng được vui khỏe, mùa màng tươi tốt, dân làng không bệnh tật ốm đau; phù hộ cho dân làng năm sau lại được mùa tươi tốt…”.
Sau khi kết thúc phần lễ, tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên, các chàng trai cô gái trong trang phục truyền thống nhiều sắc màu, uyển chuyển trong vòng xoang nhịp nhàng. Sau một năm lao động vất vả, bà con tập trung về đây để cùng chung vui, cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; cùng nhảy múa theo tiếng cồng chiêng, ai nấy đều hân hoan, phấn khởi, mừng cho cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Ông Nguyễn Hữu Thọ – Bí thư Huyện ủy Đăk Đoa cho biết: “Chúng tôi tổ chức phụng dựng lại Lễ Mừng lúa mới, đây có thể nói là một trong những lễ trọng đại nhất đối với người Bahnar nói riêng và kể cả các dân tộc Tây Nguyên nói chung để tổng kết lại một năm lao động vất vả, thu hoạch được những giá trị do mình làm ra và đồng thời thể hiện sự tạ ơn thần linh, tạ ơn trời đất đã hỗ trợ giúp đỡ con người, tạo cho con người được nguồn tin trong cuộc sống và có lao động thì sẽ có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Mong rằng với việc duy trì văn hóa bản sắc dân tộc ngoài lễ hội Lễ Mừng lúa mới chúng tôi sẽ còn tiếp tục có những kế hoạch để phục dựng thêm những giá trị văn hóa đặc sắc khác để cổ vũ tinh thần niềm tin trong giai đoạn đổi mới hiện nay cho người dân để phát triển đi lên. Trong quá trình đó chúng tôi đã xác định cần phải chọn lọc và phát huy những tinh túy để kết hợp từ cái nền tảng phát huy giá trị văn hóa trên cơ sở đó để xây dựng nền tảng duy trì ph á t triển du lịch”.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Thiếu tướng Trần Tử Bình và những đóng góp to lớn trong phong trào công nhân cao su
- Hội diễn Nghệ thuật quần chúng VRG khu vực V: "Anh cả" tranh tài
- Nhà truyền thống cao su Dầu Tiếng: khắc họa truyền thống hào hùng
- Lớp học dưới chân đồi cao su
- Tổ chức công ty cao su đại điền ở Việt Nam
- Lễ cúng cầu mưa: Nghi lễ độc đáo, giàu bản sắc
- Vững tin vào hiện tại, mạnh mẽ trong tương lai
- “Khúc ru tình” của người làm báo
- Vài ý kiến về “Bộ sưu tập bài hát hay ngành cao su”
- TCT Cao su Đồng Nai: bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống của ngành cao su