CSVN – Nhiều năm qua, công tác tiêu thụ của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đều vượt kế hoạch VRG giao, được lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận là điểm sáng của toàn ngành. Ông Huỳnh Tấn Bửu – Trưởng Phòng Thị trường Kinh doanh công ty đã chia sẻ với Cao su Việt Nam những giải pháp để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ cao su ở đơn vị.
– Xin ông chia sẻ về công tác tiêu thụ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng trong thời gian qua?
Ông Huỳnh Tấn Bửu: Cao su Phú Riềng luôn chú trọng công tác xây dựng hệ thống khách hàng trong và ngoài nước một cách ổn định. Nhờ đó, mặc dù thị trường cao su trong những năm gần đây diễn biến phức tạp và xu hướng ngày càng khó khăn, giá cao su xuống thấp, thị trường trầm lắng nhưng công tác tiêu thụ vẫn đảm bảo vượt kế hoạch.
Tổng sản lượng tiêu thụ của công ty năm 2022 là 30.976 tấn. Trong đó, xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu 10.991 tấn (tỷ lệ trên 35,5%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,3 triệu USD. Giá bán bình quân trên 38,2 triệu đồng/tấn.
Hiện nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới và đã được phê duyệt nằm trong danh sách nhà cung ứng toàn cầu của những thương hiệu vỏ xe hàng đầu trên thế giới, như: Bridgeston (Nhật), Kumho (Hàn Quốc), Nokian (Phần Lan), Chenshin (Đài Loan)… với những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ ở các quốc gia Mỹ, Nhật, Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan.
– Cao su Phú Riềng có những giải pháp để gì để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ cao su, thưa ông?
Ông Huỳnh Tấn Bửu: Công ty đang tập trung phát triển thị trường đối với các nhà sản xuất cuối cùng (end-user) tại các thị trường phát triển, có yêu cầu cao về chất lượng, tiêu chuẩn về môi trường, phát triển bền vững. Để nâng cao chất lượng công tác tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu của công ty, trong thời gian tới Cao su Phú Riềng sẽ chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp then chốt:
Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp với các phòng/ ban, nhà máy trong việc định hướng công tác sản xuất – tiêu thụ, tập trung vào những nhóm sản phẩm có giá bán cao và khả năng tiêu thụ tốt trên thị trường. Bên cạnh đó, chủ động thương thảo, đàm phán các hợp đồng dài hạn với những khách hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn, đặc biệt là người dùng cuối cùng (end- user) là các nhà sản xuất sản phẩm từ cao su nguyên liệu.
Thứ hai, đẩy mạnh quảng bá chứng nhận phát triển bền vững của công ty. Từ năm 2019, Cao su Phú Riềng đã được cấp chứng nhận hệ thống tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (PEFC-CoC), góp phần nâng cao vị thế thương hiệu của công ty. Vì vậy, công ty sẽ quảng bá rộng rãi đến hệ thống khách hàng trong và ngoài nước về chứng nhận PEFC của công ty, hướng dẫn cách thức tra cứu thông tin về chứng nhận của công ty trên website của tổ chức PEFC. Đồng thời, phối hợp với các bộ phận, đối tác trong việc xây dựng các hình thức quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận PEFC xem đây như là một điểm nổi bật của thương hiệu Cao su Phú Riềng.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
THIÊN HƯƠNG (thực hiện)
Related posts:
- Cải tiến máy thổi lá
- Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng hơn gấp đôi trong hai tháng đầu năm
- Tỉnh Kon Tum và VRG: Thống nhất thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc
- Đảng bộ VRG: Nghiêm túc thực hiện quy định của các cấp về công tác quản lý cán bộ, quản trị doanh ng...
- Thực hiện giải pháp linh động, chủ động trong thu tuyển công nhân
- Thực hiện nhiều giải pháp để ổn định lao động
- Dòng nhựa trắng chảy mãi với thời gian
- Cao su Đồng Phú chia cổ tức 30%/mệnh giá
- Nỗ lực tiếp bước thành công
- Bình tĩnh ứng phó, chủ động phương án trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19