Chú Đức Trung kính mến!
Tính đến nay, vợ chồng cháu cưới nhau được 10 năm, đã có hai con, một trai một gái. Chồng cháu ở Bắc vô. Anh có bằng kỹ sư, nhà nghèo con có chí. Bố mẹ anh vẫn ở ngoài ấy với em trai anh. Cháu là cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cho một công ty ngành cao su. Quê cháu ở miền Đông Nam bộ đất rộng, nên gia đình cháu có đất vườn, đất thổ cư, đất rẫy nhiều.
Mười năm qua, vợ chồng cháu sống với nhau rất hạnh phúc. Công việc của anh hay đi công tác, cháu ở cạnh bên ba má mình nên được giúp đỡ nhiều. Nhà của hai vợ chồng cấp bốn, nhưng nhờ chồng cháu siêng năng nên nhà cửa sửa sang khang trang. Bố mẹ anh, ba má cháu đều rất hài lòng.
Ba má cháu đã bỏ tiền chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ đất vườn thành đất thổ cư và tiến hành chia làm 6 miếng, mỗi miếng 150m². Ba má cháu chia 4 miếng cho 4 người con, một miếng để ông bà dưỡng già. Cháu là con gái đầu nên ba má cho mảnh đất đầu lô của gia đình, có 2 mặt lộ bê – tông rộng trên 4 mét. Vấn đề là nhà cấp bốn của vợ chồng cháu đang ở phải để lại cho ông bà, vì nó gần với ông bà. Ba nói đó là nhà chung, ba má sở hữu, để cho giỗ chạp, việc trọng đại nầy kia, chỗ để nữa con cháu đông lên sẽ quây quần.
Nhưng giờ phải ra chỗ mới xây nhà, chúng cháu chưa tích lũy đủ. Vả lại ba tuyên bố, nhà đó cháu đứng tên, vì đất mới quan trọng, hoặc là ba má đứng tên giúp cho rồi làm di chúc. Nghĩa là chồng cháu không có danh nghĩa gì cái nhà hai mặt lộ ấy. Chồng cháu phản đối thẳng, cũng không lay chuyển ba cháu. Giờ đây anh buồn hẳn, ít nói, dễ gây gổ với cháu. Anh bảo: Anh thấy sống gần với ba má sao khó khăn quá, khó xử quá. Giờ cháu phải làm sao đây, thưa chú Đức
CHÁU GÁI
Cháu gái thân mến!
Phải nói ngay, cha mẹ nào già rồi cũng nghĩ đến chuyện chia phần cho các con. Ấy là sống có tổ chức, sống có truyền thống mà cũng là sống văn minh. Có ít chia ít, và ít hay nhiều cũng nên có di chúc để nữa các con khỏi rối.
Ba má đã lo xa chuyện chia đất cho các con, mỗi con đều được một suất 150m², quá đẹp. Mừng vì nhà cháu sẽ hai mặt lộ. Nhà sẽ rộng, có sân trước sân sau, thuận lợi trước sau giáp lộ.
Nhưng chồng cháu ấm ức, vì sao? Chú Đức Trung hiểu rằng, người Bắc căn cơ, làm nhà nợ hết, hay nợ quá khả năng, với họ là không thể. Nhà cấp 4 cho không lại ba má, ừ cũng được nhưng lấy đâu ra tiền bê tông kiên cố trên đất mới được chia 150m²? Đổ tiền ra, công sức mồ hôi, lại không được đứng tên. Ấy là sự tổn thương, sự không tin cậy.
Chắc chắn ba má cháu nghĩ nếu có gì (có bỏ nhau chẳng hạn) thì nhà ấy của cháu và của con cháu, trên đất ông bà ngoại cho. Nghĩ vậy có đúng có sai.Thứ nhất, vì sao chúng nó đang êm ấm mà không tin? Vì sao chúng nó có hôn thú (có chứ cháu) mà lại chỉ một đứa đứng tên, hóa ra chồng cháu phải ra công chứng để từ chối tài sản (cho vợ đứng tên)? Chuyện ấy là trái, sâu xa trái đạo lý dù ba má có quyền với suất đất. Thứ hai, có vẻ coi thường rể vì anh ta “trên răng dưới dép” không có gì. Không có gì thì lấy đâu ra tiền làm nhà nếu anh ta không có trình độ, không siêng năng, không tử tế? Chồng cháu bị sốc. Coi chừng vợ chồng, gia đình, đang suôn sẻ, bỗng trục trặc.
Cháu nên đồng tình với chồng là phải “làm dữ” với ba má mình, để giành cái lý, cái công lý cho hai vợ chồng. Ba má cho đất, con cảm ơn, nhưng đừng ép vậy chứ, khác nào ba má tuyên bố rằng: Tao linh cảm chúng mày sẽ không bền!
Cháu phải biết hiện nay nhà và đất là hai thứ đang rối tung xã hội. Một mặt, cháu phải phân tích cho ba má hiểu và yêu cầu thấu đáo. Mặt khác sâu xa, cháu phải tế nhị, việc này hệ trọng, bên chồng bên ba má, khó xử. Chúc cháu thành công!
CHÚ ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Công nhân làm thêm mùa nghỉ cạo
- Nga xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam
- Ra mắt Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM
- Buồn lòng vì chồng ngủ ngáy quá to
- 4 giải pháp cho nông nghiệp Tây Nguyên
- Gai xanh - lựa chọn tiềm năng: Mở lối khát vọng làm giàu
- Hãy kiên trì dạy bảo con
- Doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 là xu hướng bắt buộc khi mở cửa
- Về già phải nai lưng nuôi cháu!
- Sa nhân dưới tán rừng thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm