Phòng trị bệnh phấn trắng tốt là cơ sở để giữ vững và nâng cao năng suất vườn cây

LTS: Bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng vườn cây, do đó việc phun phòng trị bệnh phấn trắng được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Từ thực tế của các đơn vị trong ngành trong nhiều năm qua cho thấy, công tác bảo vệ thực vật, đặc biệt là phòng trị bệnh phấn trắng càng được quan tâm chú trọng thì năng suất, chất lượng vườn cây được ổn định và cải thiện. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công tác phòng trị bệnh phấn trắng, Cao su Việt Nam thực hiện chuyên đề “Phòng trị bệnh phấn trắng: Thực hiện tốt để năng suất cao”.

Trong chuyên mục trao đổi trên số này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với TS Nguyễn Đôn Hiệu – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam về những nội dung xoay quanh công tác phòng trị bệnh phấn trắng nói riêng và công tác bảo vệ thực vật nói chung.

Xin ông cho biết về tầm quan trọng của công tác phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su?

TS. Nguyễn Đôn Hiệu: Bệnh phấn trắng do nấm Oidium heveae gây ra, là một trong những bệnh hại quan trọng phổ biến ở Việt Nam. Bệnh xuất hiện sau mùa rụng lá qua đông, khi cây cao su ra lá mới (tháng 1 đến tháng 3 hàng năm), bệnh bùng phát trong điều kiện thời tiết có nhiều sương mù và nhiệt độ thấp. Bệnh gây hại chủ yếu trên chồi và lá non, làm cây cao su rụng lá nhiều lần, tiêu hao dinh dưỡng, giảm sinh trưởng và rút ngắn thời gian thu hoạch mủ trong năm. Các nghiên cứu đã cho thấy, trong điều kiện tự nhiên, mỗi năm bệnh phấn trắng làm giảm 10 – 30% sản lượng trên vườn cây kinh doanh (tùy thuộc vào mức độ bệnh và số lần rụng lá).

Hiệu quả đa mục đích của phòng trị bệnh phấn trắng đã được khẳng định, các vườn cây được phòng trị bệnh phấn trắng tốt có thể cho năng suất thực thu cao hơn 13 – 37,8% so với vườn cây không phòng trị bệnh (đối chứng). Trên cây cao su, bộ lá có vai trò quan trọng trong sinh trưởng và có tương quan rất chặt với khả năng tạo mủ (latex). Cây có bộ lá tốt thì hiệu suất quang hợp cao, tạo ra nhiều nguyên liệu đường sucrose cho quá trình tạo mủ. Do vậy, có thể nói việc phòng trị bệnh phấn trắng tốt là cơ sở để giữ vững và nâng cao năng suất vườn cây.

Tổng quan về công tác phòng trị bệnh phấn trắng của các đơn vị trực thuộc VRG trong những năm gần đây như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Đôn Hiệu: Với hiệu quả đa mục đích như đã đề cập, các công ty cao su trực thuộc VRG đã quan tâm thực hiện công tác phòng trị bệnh phấn trắng ngay từ đầu năm để vườn cây có bộ lá khỏe, diện tích vườn cây được phòng trị bệnh tăng dần qua các năm. Trong 5 năm qua, chỉ tính riêng 5 công ty (Cao su Đồng Nai, Cao su Bình Thuận, Cao su Tây Ninh, Cao su Lộc Ninh, Cao su Đồng Phú), diện tích vườn cây được phòng bệnh từ gần 14.000 ha (năm 2018) lên đến hơn 22.000 ha (năm 2022). Một số công ty khu vực Tây Nguyên rất chú trọng công tác phòng trị bệnh phấn trắng.

Hàng năm, Tập đoàn đều ban hành chủ trương, văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng trị bệnh phấn trắng, đúng theo quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Cao su VN với các công ty qua công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng trị bệnh. Với những tiến bộ kỹ thuật mới trong “Quy trình kỹ thuật phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh” do Viện chuyển giao, nhiều diện tích cao su đã được phòng trị bệnh hiệu quả.

Máy móc phun phòng trị bệnh phấn trắng ngày càng được cải tiến hiện đại hơn

– Công tác phòng trị bệnh phấn trắng hiện nay đã khác như thế nào so với trước đây? Đặc biệt là việc ứng dụng máy móc, cải tiến khoa học vào thực tiễn?

TS. Nguyễn Đôn Hiệu: Trước đây (trước 2010), việc phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh không thể thực hiện (bất khả thi) do không có phương tiện phun thuốc. Từ năm 2011 – 2015 (giai đoạn thử nghiệm), nhiều công trình nghiên cứu về phòng trị bệnh đã được thực hiện với mục tiêu tìm kiếm biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả (máy phun, loại thuốc, nồng độ, cách phun…), xây dựng quy trình phòng trị bệnh. Từ năm 2016 hiệu quả phòng trị bệnh phấn trắng đã được khẳng định trên quy mô lớn, quy trình phòng trị bệnh từng bước hiệu chỉnh, cải tiến tối ưu hơn. Hiện nay, nhờ vào các tiến bộ kỹ thuật (xây dựng quy trình mới cải tiến: giảm số lần phun thuốc, áp dụng loại thuốc mới, cải tiến máy phun cao áp…) đã giúp việc phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cao su kinh doanh đạt hiệu quả cao. Từ tổng hợp của Viện Nghiên cứu Cao su VN cho thấy, trong giai đoạn 2012 – 2015, chi phí phòng trị bệnh phấn trắng bình quân khoảng 1,5 – 1,7 triệu đồng/ha, đến năm 2022 nhờ ứng dụng cơ giới hóa nên chi phí này đã giảm xuống còn khoảng 800.000đ – 1 triệu đồng/ha, riêng một số đơn vị đầu tư dài hạn và triển khai đồng bộ thì chi phí phòng trị bệnh bình quân khoảng 500.000 – 600.000đ/ha.

Các đơn vị cần chú ý như thế nào khi thực hiện công tác phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh?

TS. Nguyễn Đôn Hiệu: Bệnh phấn trắng có tương quan rất chặt với diễn biến thời tiết mỗi năm, sự thay đổi phức tạp của thời tiết hàng năm luôn là yếu tố trở ngại đối với công tác phòng trị bệnh. Do vậy, kỹ năng vận dụng quy trình, ví dụ như “kỹ năng đánh giá, nhận định và đưa ra quyết định” về thời điểm phun thuốc tối ưu nhất là rất quan trọng. Trong mùa bệnh kéo dài 2 – 3 tháng, nấm bệnh luôn có điều kiện thuận lợi để tấn công gây bệnh trên vườn cây, việc đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tốt trên hàng ngàn hecta vườn cây thật sự không đơn giản.

Khi triển khai phòng trị bệnh phấn trắng quy mô đại trà trên vườn cây kinh doanh cần có sự chuẩn bị thật chu đáo và triển khai một cách nghiêm túc. Trong công tác chuẩn bị cần xây dựng kế hoạch sớm, quy hoạch diện tích phù hợp với nguồn nhân vật lực của đơn vị, không triển khai dàn trải vượt khả năng đáp ứng tại chỗ. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần tuân thủ quy trình kỹ thuật (nguyên tắc 4 đúng), cử cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ. Chỉ khi thực hiện đúng, đủ các yêu cầu kể trên, mới đạt hiệu quả cao.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

HÀ KHUÊ (thực hiện)