CSVN – Công tác phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thực hiện trong những năm qua đem lại hiệu quả thiết thực. Ông Nguyễn Duy Chinh – Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp công ty đã chia sẻ với Cao su Việt Nam về tình hình phun phòng trị bệnh phấn trắng ở công ty.
– Thưa ông, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã phun phòng bệnh phấn trắng cho vườn cây cao su, cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Duy Chinh: Đối với bệnh phấn trắng, cần xác định “phòng hơn chữa”. Vì vậy phòng bệnh phấn trắng đạt hiệu quả cao thì cần phải tổ chức phun phòng sớm, phun đúng thời điểm, đúng thời gian quy định. Vừa qua, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã tổ chức cho phun phòng bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su nhóm I, từ năm trồng 2004 – 2015, với tổng diện tích là 1.029,49 ha (đạt 100% kế hoạch) ở 3 NT: Thọ Sơn, Minh Hưng và Nghĩa Trung. Phun tại các lô có các loại giống GT 1, IRCA 130, PB 260, PB 312, RRIC 121, RRIV 1, RRIV 2, RRIV 3, RRIV 4, RRIV 5, RRIV 104, RRIV 105 và RRIV 124.
Về phương pháp phun, sử sụng máy cao áp, phun 2 đợt cho toàn bộ diện tích nói trên. Loại thuốc sử dụng là Saizole 5SC, Henxin 5SC và chất bám dính. Quy trình phun thuốc thực hiện phun hàng đơn, mỗi lần phun trên 100% số hàng, với lượng dung dịch thuốc phải được phun vượt quá chiều cao cây. Khi vườn cây vào mùa lá rụng, phun thuốc lần 1 khi có 15 – 20% số cây có lá non nhú chân chim, phun lần 2 cách lần 1 từ 7 – 10 ngày. Đối với trường hợp thay lá không đều trên cùng 1 lô cần thiết phải xử lý cục bộ tới từng hàng, từng khu vực trên vườn cây để đảm bảo hiệu quả phun phòng, trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất. Thời gian phun thuốc trong ngày, phun thuốc trong thời gian trời mát, nắng nhẹ, không phun vào thời điểm nắng gắt, nhiệt độ cao.
Trong những năm qua, việc tổ chức phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng chỉ ưu tiên cho các NT giáp với khu vực Tây Nguyên, chưa thực hiện phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng tổng thể diện tích trong toàn công ty, vì những lý do cụ thể sau:
+ Đối với các NT tiếp giáp với Tây Nguyên bị ảnh hưởng khí hậu thời tiết, do vậy thời gian vườn cây cao su thay lá vào ngay dịp không khí lạnh tràn về, đây là môi trường thuận lợi cho bệnh phấn trắng phát triển mạnh và lây lan rất nhanh, nên công ty ưu tiên cho các NT này phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng lên hàng đầu, nhằm giảm tối đa thiệt hại vườn cây.
+ Còn đối với các NT ở khu vực miền Đông Nam Bộ, do có khí hậu nắng nóng, thời điểm vườn cây thay lá vào ngay dịp nắng nóng kéo dài nên tỷ lệ nhiễm bệnh phấn trắng rất nhẹ, mức độ ảnh hưởng của bệnh phấn trắng đến chất lượng của vườn cây không nhiều, chưa ảnh hưởng đến khả năng cho mủ của vườn cây.
+ Những năm gần đây giá bán mủ cao su thấp, giá cả vật tư, hóa chất tăng cao, chi phí nhân công tăng, do đó chi phí để phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng khó thực hiện được 100% diện tích của công ty.
– Những năm qua, công ty có đổi mới gì trong việc phun phòng bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su?
Ông Nguyễn Duy Chinh: Trong những năm qua, công ty luôn thực hiện đúng theo hướng dẫn, quy trình kỹ thuật và chỉ đạo của VRG. Đồng thời cũng thực hiện theo sự khuyến cáo của Phòng Nghiên cứu Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam trong công tác phòng trị bệnh hại trên vườn cây cao su.
– Hiệu quả phun phòng bệnh phấn trắng những năm qua ở công ty như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Chinh: Qua kiểm tra đánh giá kết quả phun thuốc phòng, trị bệnh phấn trắng những năm qua tại công ty cho thấy các lô được phun có bộ lá phát triển xanh và nhanh ổn định, phiến lá lớn, dày, tỷ lệ rụng lá do nhiễm bệnh phấn trắng ít dưới 5%. Có sự khác biệt rõ rệt so với diện tích không phun thuốc, diện tích không phun cùng giống, cùng đơn vị ghi nhận bệnh rụng lá từ 20 – 30%, có lô cá biệt lá rụng trên 40%, một số lô rụng lá phải ra lại lần 2, số lá còn lại cũng mất nhiều diệp lục, lá thủng lỗ nhỏ đường kính khoảng 0,2 – 0,3 cm.
– Công ty có kiến nghị, đề xuất gì về việc phun phòng bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Duy Chinh: Công ty có một số nội dung kiến nghị, đề xuất như sau:
Thứ nhất, để vườn cây có bộ lá tốt không bị bệnh thì việc phun thuốc phòng, trị bệnh phấn trắng là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại giá bán mủ cao su những năm gần đây thấp, giá cả vật tư, hóa chất tăng cao, chi phí nhân công tăng, do đó khó thực hiện phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng toàn bộ diện tích của công ty.
Thứ hai, cần bố trí các thử nghiệm để tìm ra các loại thuốc đặc trị diệt trừ mầm bệnh có giá thấp để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả công tác phòng trị bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế, an toàn lao động cho người công nhân, chất lượng vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Thứ ba, nghiên cứu lai tạo các giống cao su có khả năng kháng được bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về năng suất, sản lượng.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
THIÊN HƯƠNG (thực hiện)
Related posts:
- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 'Sản xuất, tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc'
- "Tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất để nâng cao năng s...
- Nâng cao chất lượng vườn cây cao su phía Bắc
- Áo xanh vùng cao
- "Giống cao su lấy gỗ - mủ mang lại hiệu quả kinh tế cao"
- Xuất khẩu cao su vượt 1 tỷ USD sau 5 tháng
- Cao su Điện Biên: Ổn định đời sống, việc làm cho người lao động
- Tính bền vững thúc đẩy các liên minh mới trong ngành cao su
- "Tuổi trẻ ngành cao su cần năng động, sáng tạo và máu lửa"
- 15 năm gặt hái nhiều thành công - Công ty TNHH phát triển cao su Đồng Nai – Kratie vững bước