CSVN – Năm 2022, các đơn vị khu vực miền Đông đã có một năm thắng lợi trên mọi mặt về hoạt động SXKD, phát triển bền vững, chăm lo đời sống NLĐ, đóng góp to lớn vào sự phát triển VRG và kinh tế xã hội của địa phương. Phát huy những kết quả đó, các đơn vị tiếp tục quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023.
Xứng danh điểm sáng của VRG
Bằng sự nỗ lực vượt bậc của ban lãnh đạo và tập thể NLĐ trong toàn đơn vị, năm 2022, Cao su Phú Riềng đã xuất sắc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch (KH) được cấp trên giao với tỷ lệ vượt cao. Sản lượng khai thác vượt 13%, năng suất vườn cây bình quân toàn công ty đạt 2,34 tấn/ha. Toàn công ty có 11/12 nông trường là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn của VRG. Trong đó, Nông trường Bình Thắng có năng suất vườn cây đạt cao nhất công ty với 2,62 tấn/ ha. Năng suất lao động bình quân đạt gần 9,7 tấn/ người/năm, vượt 18% KH. Tổng doanh thu đạt 1.475 tỷ đồng (vượt 3,7% KH), tổng lợi nhuận trước thuế đạt 372,5 tỷ đồng (vượt 5% KH), nộp ngân sách Nhà nước 130 tỷ đồng (vượt 15,7% KH). Thu nhập bình quân NLĐ đạt trên 12 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá kết quả hoạt động của công ty năm 2022, ông Trần Ngọc Thuận – Thành viên HĐQT VRG, Chủ tịch Hiệp hội cao su VN khẳng định Cao su Phú Riềng tiếp tục giữ vị thế vững chắc trong công tác nông nghiệp. Công tác quản lý đi vào chiều sâu và bền vững. Ông nhấn mạnh: “VRG đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của công ty từ những ngày đầu tháng đầu năm 2022 để đạt được những kết quả toàn diện trong hoạt động SXKD và các hoạt động khác”.
Hoạt động SXKD có hiệu quả, nhờ đó Cao su Bình Long đã chăm lo tốt đời sống cho NLĐ. Năm 2022, công ty đã giải quyết các chế độ chính sách cho NLĐ kịp thời, đúng quy định, bao gồm: Thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho NLĐ nghỉ chế độ với hơn 3,5 tỷ đồng; trang cấp vật tư bảo hộ lao động hơn 3 tỷ đồng; chi 11,8 tỷ đồng giải quyết chế độ độc hại cho NLĐ; tiếp tục duy trì bữa ăn giữa ca cho NLĐ với định suất là 22.000 đồng/bữa ăn. Mức thu nhập bình quân hơn 11 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài những thành tựu đạt được trong hoạt động SXKD và chăm lo đời sống NLĐ, năm 2022 vừa qua, công ty còn đạt được kết quả nổi bật trong công tác phát triển bền vững. Công ty đã duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC trên toàn bộ diện tích được cấp chứng chỉ (13.697,8 ha). Duy trì và tổ chức đánh giá giám sát thành công hệ thống PEFC – CoC cho 8 nông trường và 2 xí nghiệp cơ khí chế biến nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm từ mủ cao su. Tổ chức sản xuất sản phẩm 100% PEFC để đáp ứng tiêu chuẩn của khách hàng. Trong năm, công ty được Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xét chọn đạt top 10 Doanh nghiệp bền vững.
Năm vừa qua, Cao su Tây Ninh khai thác được 8.853 tấn với năng suất 2,2 tấn/ha, vượt gần 15% KH và về trước kế hoạch 33 ngày. Tổng doanh thu hơn 446,7 tỷ đồng, vượt 20% KH; lợi nhuận trước thuế hơn 101,3 tỷ đồng, vượt hơn 17% KH; nộp ngân sách hơn 62 tỷ đồng, vượt gần 20% KH; chia cổ tức 13%, vượt 30% KH. Thu nhập bình quân NLĐ gần 10,9 triệu đồng/người/tháng, vượt gần 30% KH.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết SXKD công ty, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể ban lãnh đạo, NLĐ công ty. Ông nhấn mạnh: “Năm 2022, Cao su Tây Ninh đã hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu kế hoạch. Điều đó thể hiện năng lực điều hành, sự quyết tâm của ban lãnh đạo và nỗ lực của NLĐ. Công ty có 17 năm tham gia Câu lạc bộ 2 tấn của VRG, là điểm sáng, điển hình trong cơ cấu giống và sản xuất nông nghiệp của VRG”.
Cao su Lộc Ninh cũng có một năm thắng lợi với tất cả các chỉ tiêu được giao đều vượt KH. Cụ thể, sản lượng cao su khai thác 12.741 tấn mủ (vượt gần 11% KH); năng suất bình quân 1,83/tấn/ha (vượt hơn 11% KH); thu mua 4.812 tấn (vượt 37,5% KH); tổng doanh thu hơn 816 tỷ đồng (vượt 19,2%KH); thu nhập bình quân NLĐ đạt gần 7,5 triệu đồng/người/tháng (vượt 4,2% KH). Tiếp tục duy trì và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, quản lý phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001: 2015. Năm 2022, công ty tiếp tục đạt top 100 Doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Đặc biệt, tổng diện tích đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn PEFC/ VFCS là 7.000 ha.
Đứng chân trên vùng kinh tế trọng điểm nên Cao su Hòa Bình gặp phải sự cạnh tranh lớn về nguồn lao động với các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên ban điều hành công ty rất linh động trong công tác quản lý, thu hút lao động, do đó năm 2022 công ty đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các KH được giao, nhất là sản lượng thu mua vượt 55,8% KH, tiêu thụ vượt gần 27% KH, doanh thu vượt hơn 23%.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trương Văn Cư – TGĐ Công ty CPCS Tân Biên cho biết, tổng sản lượng khai thác năm 2022 đạt 3.420 tấn, vượt 9,63% so với kế hoạch; thu mua 1.581 tấn, vượt 31,78%; tiêu thụ 16.144 tấn, vượt 46,8%; tổng doanh thu gần 782,5 tỷ đồng, vượt 47,7%; lợi nhuận trước thuế gần 134 tỷ đồng, vượt 9,89%; thu nhập bình quân 8,35 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách 91,7 tỷ đồng, vượt 98,9%; dự kiến chia cổ tức cả năm 2022 là 12% (kế hoạch đề ra chia tối thiểu là 5%).
Trong năm 2022, Cao su Tân Biên lần thứ 4 liên tục vinh dự nằm trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trao tặng.
Quyết tâm thực hiện vượt mức các chỉ tiêu
Tại Hội nghị tổng kết SXKD năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của các đơn vị, lãnh đạo VRG đề nghị các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp đã xây dựng, quyết liệt trong điều hành sản xuất nhằm đảm bảo tăng trưởng so với năm 2022. Đồng thời, tiếp tục thắt chặt mối quan hệ địa phương, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống tinh thần và vật chất cho NLĐ.
Trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực của đơn vị, năm 2023 Cao su Bình Long quyết tâm thực hiện tốt hoạt động SXKD nhằm nâng cao đời sống cho NLĐ, đảm ảo hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ VRG giao. Tiếp tục phát triển bền vững, kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với môi trường, đảm bảo an sinh xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tập thể NLĐ công ty đã thống nhất thông qua các chỉ tiêu năm 2023, cụ thể: Khai thác trên 18.000 tấn sản phẩm, phấn đấu vượt khoảng 850 tấn mủ; triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Thanh Phú với diện tích 60 ha; thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 50 ha; Tổng doanh thu phấn đấu đạt hơn 1.037 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế phấn đấu thực hiện hơn 261,6 tỷ đồng. Nỗ lực đảm bảo thu nhập bình quân cho NLĐ đạt mức trên 11 triệu đồng/người/tháng.
Là đơn vị có 17 liên tục tham gia Câu lạc bộ 2 tấn của VRG và hoạt động SXKD đạt hiệu quả cao, được lãnh đạo VRG đánh giá có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của VRG và địa phương, năm nay Cao su Đồng Phú tiếp tục phấn đấu hoàn thành những mục tiêu và nhiệm vụ: Phấn đấu sản lượng khai thác vượt 3 – 5% so với sản lượng được VRG giao, năng suất vườn cây đạt trên 2 tấn/ha. Phấn đấu thu mua cao su tiểu điền trên 3.000 tấn. Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho NLĐ gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ, phấn đấu tiền lương bình quân trên 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Xác định năm 2023 còn nhiều khó khăn, từ tình hình thực tế của đơn vị, Cao su Dầu Tiếng xây dựng KH khai thác 27.200 tấn mủ; mua mủ tiểu điền 10.000 tấn; chế biến và tiêu thụ 37.145 tấn; tổng doanh thu 1.952 tỷ đồng. Bên cạnh đó tập trung chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, phấn đấu đảm bảo thu nhập bình quân cho NLĐ từ 9,2 triệu đồng/người/ tháng trở lên.
Phát huy kết quả toàn diện trong năm 2022, năm nay Cao su Phú Thịnh quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, phấn đấu khai thác 3.000 tấn; thu mua trên 2.500 tấn; chế biến trên 5.500 tấn. Doanh thu đạt trên 359 tỷ đồng, lợi nhuận trên 24 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 25 tỷ đồng… Riêng XNCB Gỗ Phú Thịnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất VRG giao là 19.000 m3 phôi cao su. Doanh thu đạt trên 140 tỷ đồng, lợi nhuận trên 6,6 tỷ đồng.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023, TCT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cơ giới hóa, tự động hóa trên vườn cây đặc biệt là trong khâu khai thác thông qua việc chế tạo và đưa vào sử dụng robot cạo mủ. Ứng dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, đổi mới công nghệ trong chế biến nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Áp dụng các quy trình tự động hóa trong sản xuất, vận chuyển nguyên liệu và mủ thành phẩm giúp giảm công lao động góp phần làm giảm giá thành để đảm bảo lợi nhuận. Đảm bảo tiền lương, thu nhập và các chế độ phúc lợi của NLĐ cao hơn năm 2022…
TCT tiếp tục triển khai thực hiện các dự án của chiến lược phát triển TCT đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TCT lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025. Phấn đấu thực hiện vượt các chỉ tiêu kế hoạch nông nghiệp, tiếp tục duy trì năng suất vườn cây của TCT đạt trên 2 tấn/ha. Nỗ lực khai thác hơn 25.700 tấn. Tổng doanh thu phấn đấu đạt 1.599,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 257,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân trên 11 triệu đồng/người/tháng.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Related posts:
- Đảng bộ Cao su Sa Thầy trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá 2 CTCS
- Khối thi đua số XII tích cực chăm lo cho người lao động
- VRG sẽ ký kết chương trình hợp tác với Hội Nhà báo TP.HCM
- Cao su Dầu Tiếng ra quân đầu năm mới
- Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ
- Tổ chức lễ khai thác mủ tại Lai Châu trang trọng, tiết kiệm
- Khối thi đua Tây Nguyên khởi công xây dựng nhà tình thương
- Cao su Dầu Tiếng: Triệt để thực hành tiết kiệm, đảm bảo tốt SXKD
- Cao su Kon Tum được khen tặng xuất sắc trong hoạt động an sinh xã hội