CSVNO- Đó là mục tiêu mà các công ty cao su khu vực Bắc Trung bộ đặt ra tại Hội nghị NLĐ năm 2023, tổng kết nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Năm 2022 đi qua và những kết quả đáng ghi nhận
Theo báo cáo của các công ty cao su khu vực Bắc Trung bộ tại Hội nghị NLĐ, tuy gặp nhiều khó khăn, được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo VRG và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, NLĐ các công ty nên hầu hết các đơn vị đều vượt khó để hoàn thành và vượt mức kế hoạch (KH) đề ra, đời sống NLĐ luôn được đảm bảo, thu nhập khá, ổn định.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, năm 2022 tổng sản lượng khai thác mủ đạt hơn 1.400 tấn, bằng 106,1% KH, về đích trước 40 ngày. Năng suất vườn cây 1,1 tấn/ha; tổng doanh thu 138,36 tỷ đồng, đạt 140,8% KH. Ngoài khai thác mủ cao su đại điền, Cao su Quảng Trị còn thu mua chế biến và tiêu thụ với sản lượng cao so với từ trước tới nay.
Công ty CPĐTPT cao su Nghệ An, có tổng diện tích cao su KTCB đạt 4.360ha, đưa vào khai thác những năm đầu năng suất vườn cây đã đạt 9,3 tạ/ha, trong 3 năm 2020-2022 đều đạt và vượt mức KH. Với Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê là đơn vị gặp nhiều khó khăn nhất năng suất vườn cây khai thác những năm đầu cũng đạt từ 8,3 tạ/ha. Năm 2022 Công ty đã thực hiện khai thác với diện tích vườn cao su kinh doanh 1.874,81ha. Sản lượng mủ cao su 1.545,85 tấn/1.350 tấn đạt 114,5% so với KH, đạt 125,5% so với kết quả thực hiện năm 2021 vượt và về trước KH 24 ngày.
Ngoài các công ty nói trên, trong năm qua Công ty TNHHMTV cao su Thanh Hoá cũng bảo tồn và phát triển vườn cây đạt theo yêu cầu kỹ thuật của Ban QLKT Tập đoàn đề ra. Thanh Hoá đã vươn lên trong tốp những đơn vị hoàn thành kế hoạch với mức tổng doanh thu đạt hơn 87,8 tỷ đồng, trong đó doanh thu mủ cao su 53,1 tỷ đồng, thu mua mủ cao su tiểu điền cùng với phát triển nông nghiệp trên phần đất công ty quản lý đưa lại nguồn thu đạt 34,43 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 hơn 250 triệu đồng.
Điều đáng mừng và đáng ghi nhận nhất tại Hội nghị NLĐ đó là các công ty cao su khu vực Bắc Trung bộ mức lương thu nhập bình quân của NLĐ đạt 5,7 triệu đồng/tháng, trong đó có nhiều công nhân lao động các công ty như Công ty cao su Quảng Trị, Cao su Hà Tĩnh, Cao su Nghệ An, Cao su Hương Khê… có những tháng công nhân thu nhập đạt từ 28 đến 30 triệu đồng/người/tháng.
Nâng cao chất lượng vườn cây song hành đột phá, phát triển
Phó TGĐ VRG Lê Thanh Tú cho rằng, Tập đoàn luôn dành sự ưu ái, sự quan tâm đặc biệt đối với các công ty cao su vùng “chảo lửa túi mưa” Bắc Trung bộ này. Vì vậy để duy trì, phát triển năng suất vườn cây, các đơn vị phải luôn chăm sóc bảo vệ vườn cây đảm bảo đúng kỹ thuật canh tác, đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của Tập đoàn đề ra. “Chỉ khi khai thác mủ đạt hiệu quả khi đó mới tạo được nguồn năng lượng bù lại sức lao động đối với NLĐ, đồng thời duy trì phát huy được nguồn vốn đầu tư bỏ ra. Đó chính là nguồn doanh thu đối với cây cao su sau kiến thiết cơ bản mà Tập đoàn đầu tư, các công ty là đơn vị thực hiện”, ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, để phát triển bền vững các công ty cao su khu vực Bắc Trung bộ cần song hành chủ trương với Tập đoàn thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vừa bảo tồn nguồn vốn Nhà nước vừa phải nâng cao đời sống cho NLĐ. Song hành phát triển sản xuất – kinh doanh, bảo tồn nguồn vốn và giải quyết việc làm ổn định cho NLĐ là cốt lõi mà Lãnh đạo Tập đoàn luôn đặt lên hàng đầu.
Và những giải pháp
Cũng theo Phó TGĐ VRG Lê Thanh Tú, các đơn vị cần phải phát huy tối đa diện tích đất đai do nhà nước giao cho Tập đoàn, Tập đoàn giao lại cho các công ty cao su quản lý để SXKD đúng với tinh thần tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra. Ngoài diện tích phát triển cây cao su, các đơn vị phải nhanh chóng kiểm kê, rà soát lại số diện tích mình quản lý để phát triển, tận dụng quỹ đất mở rộng ngành nghề như trồng rừng, chăn nuôi… những diện tích trồng cao su kém hiệu quả cần sớm rà soát để chuyển đổi sang trồng cây nguyên liệu và cây ăn quả, cây nông nghiệp khác có hiệu quả hơn.
Đồng thời các đơn vị phải kiểm tra thật kỹ số diện tích bị xâm lấn, chiếm dụng, lập biên bản để có biện pháp xử lý, thu hồi, cách thức thực hiện cần phải có biện pháp cứng rắn nhưng thuyết phục “mưa dầm thấm sâu”. Ông Lê Thanh Tú chia sẻ, ngoài SXKD cao su, chủ trương của Tập đoàn sẽ phát triển trồng cây nguyên liệu trên các vùng đất chưa sử dụng, vùng đất được luật pháp công nhận để mở rộng kinh doanh đa ngành nghề, đến cả lĩnh vực SX nông nghiệp, chăn nuôi khi được sự chấp thuận chuyển đổi của địa phương cũng như sự chấp thuận đầu tư của Tập đoàn.
Ông Lê Thanh Tú chỉ đạo, các đơn vị phải thắt chặt công tác quản lý suất đầu tư, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện chi phí nhân công, vật tư, phân bón nhằm tránh lãng phí, thất thoát vật tư, theo dõi, quản lý chi phí đầu tư theo trần suất đầu tư và dự toán hàng năm được Tập đoàn phê duyệt. Riêng vườn cây, tập trung chăm sóc bảo vệ, không để xảy ra tình trạng làm tổn hại vườn cây, phải đảm bảo 100% vườn cây kiến thiết cơ bản sinh trưởng tốt, hạn chế mức thấp nhất việc thất thoát mủ sau khai thác, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp làm thất thoát mủ.
Và quan trọng nhất, các đơn vị cần phải tập trung chỉ đạo chăm sóc, khai thác tốt vườn cây, đảm bảo thời gian cạo, số lát cạo, số cây cạo/phiên, tập trung cạo bù khi thời tiết thuận lợi. Bố trí lao động cạo thay thế kịp thời gian, đảm bảo vườn cây không bị mất nhát cạo, với phương châm “cạo hết cây, lấy hết mủ”.
ANH BÌNH
Related posts:
- Cao su Chư Sê – Kampong Thom tổ chức vui chơi Tết Chol Chnam Thmay cho người lao động
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Cao su Lai Châu chủ động nhiều giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2024
- Người tổ trưởng tận tụy trên đất Bachiang
- Cao su Chư Mom Ray: Kết hợp 3 giải pháp để duy trì năng suất cao
- Cao su Lai Châu đối thoại với người dân góp đất trồng cao su
- Lan tỏa hình ảnh đẹp của tổ chức Đoàn
- Cao su Chư Sê xứng danh “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới
- Cao su Phước Hòa: Nhiều năm liền đạt top 50 doanh nghiệp lợi nhuận xuất sắc Việt Nam
- Diện mạo mới, sức sống mới ở Ya Chim