CSVNO – Nhân dịp đầu năm, Cao su Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Lê Thanh Hưng – Phó Bí thư Đảng Ủy, TGĐ VRG về những khó khăn, thách thức VRG đối mặt trong năm 2023 và những giải pháp, chiến lược VRG xây dựng để phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao.
– Thưa ông, xin ông cho biết VRG triển khai nhiệm vụ năm 2023 trong điều kiện như thế nào?
Ông Lê Thanh Hưng: VRG và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện nhiệm vụ SXKD trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Thị trường thế giới chưa có chuyển biến tích cực so với năm 2022, với cơ cấu sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu, các nhóm ngành sản xuất chính của VRG dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm 2022.
Thị trường tiêu thụ mủ cao su được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm và có khả năng giá bán bình quân sẽ thấp hơn năm 2022; Sản phẩm gỗ phôi cao su bị tồn kho lớn tác động lớn đến giá trị thu hoạch gỗ cây cao su của các công ty cao su thành viên; sản phẩm găng tay y tế giá giảm sâu do cung vượt nhu cầu lớn, không bảo đảm được đơn hàng sản xuất làm tăng giá thành; chi phí đầu vào tăng; các dự án mở rộng, đầu tư mới khu công nghiệp đều vướng cơ chế; việc chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ gây áp lực trong việc giữ chân và tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó là những dự báo về thời tiết bất thuận sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình tổ chức sản xuất của các đơn vị.
Trước tình hình trên, lãnh đạo VRG nhận định dư địa cho tăng trưởng của VRG năm 2023 được dự báo là không tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì VRG và các đơn vị thành viên có những thuận lợi nhất định. Thứ nhất, là kết quả hoạt động SXKD năm 2022 của các đơn vị trực thuộc đều rất khả quan. Đây là nền tảng tốt để các đơn vị vững tin, tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ 2023. Thứ hai, từ tình hình thực tế những năm gần đây, năm nào cũng có những khó khăn nhất định, do đó lãnh đạo đơn vị rất năng động, sáng tạo và chủ động tổ chức sản xuất phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
Về vấn đề lao động, có một số đơn vị chịu sự cạnh tranh lao động rất gắt gao với các doanh nghiệp trên địa bàn. Để chủ động trong vấn đề này, thời gian qua đã có nhiều đơn vị đã có mô hình thu tuyển lao động sáng tạo, thu hút lao động bằng những đãi ngộ tốt trong công việc.
Thêm vào đó, trong những năm qua, VRG đã có định hướng, hỗ trợ các đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp, tái cơ cấu vườn cây, ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật trên vườn cây nhằm nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động. Đặc biệt, công tác chuyển đổi số của VRG và các đơn vị đã bước đầu có kết quả tích cực. Về chương trình phát triển bền vững, VRG kiên định phát triển trên ba trụ cột Kinh tế – Xã hội – Môi trường. Việc ngày càng có nhiều diện tích của các đơn vị được cấp chứng chỉ rừng bền vững và chuỗi hành trình sản CoC cho các nhà máy giúp thương hiệu sản phẩm mủ Cao su Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Tôi tin tưởng rằng, bằng những bài học từ thực tiễn, bằng kinh nghiệm đúc rút được trong những năm qua, bằng sự năng động sáng tạo trong công tác điều hành quản lý, bằng tình yêu ngành, yêu nghề, tập thể người lao động VRG sẽ phát huy truyền thống 94 năm xây dựng và phát triển của ngành để nỗ lực, thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023.
– Để hoạt động SXKD có hiệu quả như kỳ vọng, VRG đã có chiến lược, giải pháp gì trong từng lĩnh vực, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hưng: Như đã trao đổi ở trên, VRG tổ chức sản xuất trong điều kiện khó khăn, thuận lợi đan xen, do đó VRG phấn đấu xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 ở mức tối thiểu tương đương với thực hiện năm 2022. Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, VRG chủ động xây dựng nhiều phương án để thích ứng với điều kiện thị trường còn nhiều phức tạp, trên nguyên tắc đảm bảo các mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập của NLĐ.
Một số giải pháp được VRG triển khai thực hiện trong năm 2023 như sau: Đối với hoạt động SXKD, VRG chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả trong năm 2022 như đẩy mạnh việc trồng xen, trồng luân canh, hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây nguyên liệu gỗ… để tăng hiệu quả sử dụng đất và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững;
Hoàn thành cơ bản việc số hóa trong quản lý đất đai, cây trồng thông qua việc triển khai hệ thống GIS ở các công ty cao su để thực hiện tốt các giải pháp về quản lý chất lượng vườn cây, sản phẩm và giảm lao động quản lý trung gian; huy động tối đa cổ tức, lợi nhuận được chia về Công ty mẹ – Tập đoàn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của Công ty mẹ – Tập đoàn, giữ vững thương hiệu, giá trị cổ phiếu GVR của Tập đoàn trên sàn giao dịch chứng khoán.
Đối với công tác đầu tư phát triển dự án, VRG quyết liệt hoàn thành thủ tục mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo nguồn thu thay thế các lĩnh vực đang gặp khó khăn; triển khai đúng tiến độ nhà máy MDF Bình Phước giai đoạn 3 công suất 600.000 m3/năm, phấn đấu đưa vào sản xuất cuối năm 2023, đầu năm 2024; triển khai thí điểm nhà máy chế biến gỗ ở Lào, Campuchia với sông suất phù hợp với nguồn nguyên liệu; tiếp tục hoàn tất thủ tục các khu công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 của các địa phương để có quỹ đất kinh doanh trong những năm tiếp theo.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các Bộ ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để có quy hoạch phù hợp trong việc sử dụng quỹ đất trồng cao su đến năm 2030 nhằm có kế hoạch sử dụng và tổ chức sản xuất phù hợp, bảo đảm tăng hiệu quả sử dụng đất của Tập đoàn.
Các đơn vị phải có giải pháp thích hợp để bảo đảm nguồn lao động, nhất là các đơn vị ở khu kinh tế trọng điểm, bị tranh chấp nguồn lao động với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Song song với các công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ SXKD, lãnh đạo VRG chỉ đạo các đơn vị phải chăm lo tốt đời sống, đảm bảo các quyền lợi, chế độ chính sách cho NLĐ. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể phát động phong trào thi đua ngay từ đầu năm, tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng đơn vị và VRG phát triển bền vững.
VRG đã chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện các giải pháp điều hành sản xuất ngay từ đầu năm, thi đua từ ngày đầu tháng đầu, quyết tâm hoàn thành kế hoạch cao nhất.
– Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
HÀ KHUÊ (thực hiện). ẢNH: VŨ PHONG
Related posts:
- “Sẽ nỗ lực để tranh suất tham dự hội thi cấp ngành”
- VRG mong muốn hợp tác cùng Đại học Nông Lâm trong nhiều lĩnh vực
- VRG: Vị thế mới, tầm vóc mới (kỳ 3)
- Giải pháp phục hồi đất sau 40 năm trồng cao su
- Về đích
- Tết ABC
- Cao su Bình Long trao 122 phần quà cho công nhân
- Người thợ giỏi và khát khao chiến thắng
- Nữ công nhân cao su ưu tú giúp chị em phát triển kinh tế gia đình
- Bắt tay ngay vào việc