CSVN – Năm đầu tiên gia nhập CLB 2 tấn/ha, 3 đại diện của khu vực Tây Nguyên đã có màn “ra mắt” ấn tượng với việc hoàn thành kế hoạch sản lượng sớm đầu ngành. Trong đó, Cao su Ea H’leo sớm nhất với 53 ngày, Cao su Sa Thầy 44 ngày và Cao su Chư Mom Ray 36 ngày. Đặc biệt, cả 3 đơn vị đều có năng suất bình quân từ 1,9 tấn/ha trở lên.
Năng suất và sản lượng đứng đầu khu vực
Lợi thế từ việc vườn cây liền vùng, hơn nữa đều “sinh sau, đẻ muộn” nên Cao su Chư Mom Ray và Sa Thầy đã được thừa hưởng những tiến bộ khoa học kỹ thuật khi áp dụng vào vườn cây khai thác.
Theo ông Đặng Ưng – Phó TGĐ Cao su Sa Thầy: “Để đạt được vườn cây năng suất, chất lượng thời gian qua công ty đã thực hiện tốt nhiều giải pháp, đáng chú ý là 3 giải pháp: Giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật và giải pháp phong trào. Trong đó, quan trọng nhất là giải pháp kỹ thuật với việc chú trọng công tác đào tạo tay nghề; thực hiện tốt việc quy hoạch bảng cạo; phòng trị các loại bệnh kịp thời; áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…”.
Kết thúc năm 2022, Cao su Sa Thầy đã khai thác được 9.500 tấn, vượt 1.460 tấn, tương đương 18,2% kế hoạch về đích sớm 44 ngày với năng suất bình quân 1,95 tấn/ha, trở thành đơn vị thứ 4 trên địa bàn Tây Nguyên gia nhập CLB 2 tấn/ha. Đến ngày công ty hoàn thành sản lượng (17/11), tất cả các đơn vị trực thuộc đều hoàn thành kế hoạch giao và vườn cây đạt năng suất từ 1,8 tấn/ha trở lên. Trong đó, Đội cao su Thanh niên là đơn vị về sớm nhất với thời gian 66 ngày, năng suất đạt 2,2 tấn/ha. Trong khi đó, ông Trần Xuân Thịnh – TGĐ Cao su Chư Mom Ray cho hay: “Để có được kết quả vườn cây năng suất cao, trong nhiều năm qua, công ty đã làm tốt công tác chăm sóc vườn cây như bón phân theo chẩn nghiệm dinh dưỡng của Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam, công ty còn chú trọng công tác bảo vệ thực vật và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là công tác phòng trị bệnh phấn trắng”.
Hiện nay, Cao su Chư Mom Ray có Nông trường II năng suất vườn cây đạt bình quân là 2,2 tấn/ha. Nông trường I đạt 1,8 tấn/ha và dự kiến năm 2023 Nông trường III và IV cũng sẽ đạt được năng suất này. Theo lãnh đạo công ty, công ty sẽ duy trì được năng suất trên 2 tấn/ha trong nhiều năm bằng nhiều giải pháp và sự quyết tâm cao.
Để làm được điều này, theo ông Thịnh ngoài việc tiếp tục chăm sóc tốt vườn cây, giữ được sự ổn định về năng suất thì công ty tiếp tục bố trí, sắp xếp tổ chức sản xuất phù hợp để NLĐ có thu nhập ổn định, yên tâm gắn bó với đơn vị.
Là một đơn vị nhiều năm ổn định về kế hoạch sản lượng, năm 2022 Cao su Ea H’leo cũng chính thức gia nhập vào CLB 2 tấn/ha với năng suất bình quân toàn công ty đạt 1,88 tấn/ha. Đặc biệt, công ty có 11 tổ đạt năng suất trên 1,8 tấn/ha, 6 tổ năng suất trên 2,3 tấn/ha, nhất là Đội sản xuất Ea Wy 12 năm liên tục là thành viên CLB 2 tấn/ha.
Với việc Cao su Sa Thầy có 4/4 đơn vị trực thuộc có vườn cây năng suất từ 1,8 tấn/ha trở lên, Cao su Chư Mom Ray 2/4 đơn vị và Ea H’leo có 4/7 nông trường, đội sản xuất có năng suất cao được kết nạp vào CLB 2 tấn/ha cho thấy tiềm năng và lợi thế của các đơn vị này rất lớn, trong thời gian tới các công ty này tiếp tục có những vườn cây chất lượng được khai thác và có thể khẳng định, trong tương lai gần sẽ là những đơn vị dẫn đầu về năng suất và sản lượng của khu vực Tây Nguyên.
Điều kiện làm việc lý tưởng và thu nhập hấp dẫn
Chọn Đội cao su Thanh niên – Công ty CP Cao su Sa Thầy làm nơi lập nghiệp sau những ngày tháng bôn ba ở Tp. HCM làm công nhân may mặc, da giày chị Nguyễn Thị Ngọc Yên quê Lâm Đồng chia sẻ: “Tuy làm công nhân cao su ở vùng biên giới nhưng điều kiện làm việc ở đây khá tốt, thu nhập hàng tháng gần 10 triệu đồng thì ít nơi nào có được. Ngoài thời gian đi cạo, thu mủ tôi còn thời gian chăn nuôi gà, lợn và có điều kiện chăm hơn 2ha điều ở bờ lô hợp thủy”.
Không bôn ba như chị Yến, nhưng chị Nông Thị Phương – Công nhân của Cao su Chư Mom Ray cũng thừa nhận: “Đây là một công việc tốt hơn rất nhiều so với việc làm ruộng ở quê nhà Thanh Chương – Nghệ An. Ở quê nhà tôi quanh năm với 2 vụ lúa, cũng chưa bao giờ ra khỏi làng chứ nghĩ gì đến việc mỗi tháng được nhận cả chục triệu đồng tiền lương”.
Trong khi đó, chị Lý Thị Mai một công nhân khai thác của Đội Ea Wy thuộc Cao su Ea H’leo cho rằng: “Ở nơi gia đình em sinh sống, người dân quanh năm chỉ có nương rẫy với cà phê, hồ tiêu…nên để có một công việc ổn định và nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung là một điều lý tưởng, mơ ước với nhiều người”.
Đối với vùng Tây Nguyên, công việc và thu nhập của người dân gắn liền với nương rẫy, việc thành bại phụ thuộc phần nhiều vào thời tiết và giá cả các mặt hàng nông sản. Do vậy, việc có được một công việc ổn định với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng cùng tiền thưởng, các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước là điều kiện tốt để NLĐ cân nhắc gắn bó lâu dài.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Cao su Mang Yang: Chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động
- Kế thừa tình yêu cao su qua 4 thế hệ
- Mùa xuân trên nông trường cà phê
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Vì chất lượng nguồn nhân lực Cao su Việt Nam và xã hội
- MDF VRG Kiên Giang: lợi nhuận trước thuế đạt 104% kế hoạch
- Cao su Phú Thịnh vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
- Nhiều dấu ấn đậm nét trong Tháng Thanh niên của tuổi trẻ VRG
- Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid -19
- 4 công ty cao su đạt thành tích cao tại Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông” tỉnh ...
- Đời sống tốt để người lao động an tâm cống hiến