CSVN – Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VRG từ năm 2023. Tập đoàn hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực hoạt động. Ông Lê Đình Bửu Trí – Phó TGĐ VRG phụ trách công tác chuyển đổi số, đã chia sẻ với Cao su Việt Nam về hiện trạng, định hướng và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số của VRG trong thời gian tới.
– Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng chuyển đổi số của VRG? Những thuận lợi và khó khăn trong công tác chuyển đổi số của Tập đoàn hiện nay?
Ông Lê Đình Bửu Trí: Chuyển đổi số đã được khá nhiều nước phát triển trên thế giới ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công, tư và đã chứng minh hiệu quả tích cực của nó. Tại Việt Nam, trong các năm gần đây, lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất ủng hộ việc thực hiện công tác chuyển đổi số trong mọi thành phần, lĩnh vực hoạt động theo xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Lãnh đạo VRG cũng rất quan tâm đến vấn đề này, nhất là sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tập đoàn hiểu rằng chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số có liên quan vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng công nghệ để thay đổi nền tảng vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới tốt hơn cho khách hàng của doanh nghiệp đó, cũng như tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số còn là một sự thay đổi về văn hóa, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và sẵn sàng chấp nhận các thất bại. Chuyển đổi số có bắt đầu, tiếp diễn mà không có kết thúc, như một vòng lặp nhưng không đơn thuần lặp đi lặp lại, mà mỗi vòng lặp mới đem lại một giá trị mới cho khách hàng và doanh nghiệp đó. Để thực hiện chuyển đổi số thành công, quan trọng nhất là yếu tố con người. Từ lãnh đạo đến nhân viên cần được đào tạo để thích ứng với mọi sự thay đổi. Trong đó, cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp là nhân tố cực kỳ quan trọng, là người thiết lập sứ mệnh, mục tiêu cho doanh nghiệp, tin tưởng vào công nghệ số và chuyển đổi số, có mong muốn thay đổi để doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Hiện tại, Tập đoàn đang trong giai đoạn số hóa dữ liệu văn bản, hồ sơ, tài liệu và số hóa quy trình công tác quản lý, điều hành. Đây có thể được xem là bước đệm làm nền tảng và là một phần của quá trình chuẩn bị cho chuyển đổi số tổng thể. Một số dự án phần mềm tiêu biểu đang trong giai đoạn triển khai, nâng cấp hiện nay tại Tập đoàn là eOffice và tích hợp chữ ký số. Quan trọng hơn, Tập đoàn hiện đang tìm đơn vị tư vấn phù hợp để khảo sát thực tế, xây dựng kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Như đã nói trên, về mặt thuận lợi, Tập đoàn có được sự ủng hộ rất lớn của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số. Cụ thể, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Chiến lược CNTT của Tập đoàn giai đoạn 2020 – 2025 theo Quyết định số 305/QĐ-HĐQTCSVN ngày 07/7/2020, và Nghị quyết số 05-NQ/ĐU ngày 28/10/2021 của Đảng ủy Tập đoàn về thực hiện chuyển đổi số tại Tập đoàn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tập đoàn cũng đã ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thực hiện công tác chuyển đổi số để làm đầu mối triển khai công việc. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy được những thách thức, khó khăn không nhỏ mà Tập đoàn sẽ gặp phải và cần kiên trì vượt qua.
Chẳng hạn, do chuyển đổi số là lĩnh vực tương đối mới mẻ, nên cần có nhân sự có hiểu biết chuyên sâu về mảng này tại Tập đoàn, tuy nhiên hiện yếu tố này chưa sẵn có nên đó là lý do cần thuê đơn vị tư vấn, đồng thời chuẩn bị tuyển dụng, đào tạo nhân sự ứng dụng về lĩnh vực này. Việc thuê đơn vị tư vấn lại không đơn giản, vì nhà tư vấn cần có những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chuyển đổi số mà cũng cần có hiểu biết về lĩnh vực hoạt động khá đặc thù của Tập đoàn. Bên cạnh đó, ngân sách cho công tác chuyển đổi số, bao gồm phí tư vấn và thực hiện, có thể không nhỏ, nên sẽ gây ra khó khăn cho lãnh đạo Tập đoàn khi phải đưa ra quyết định thực hiện… Hai câu chuyện trên chỉ là một phần tiên liệu trong rất nhiều thách thức khác, theo thực tế phát sinh trong quá trình triển khai tại Tập đoàn.
– Xin ông chia sẻ về việc định hướng và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số của VRG trong thời gian tới?
Ông Lê Đình Bửu Trí: Vì chuyển đổi số là một bước thay đổi quan trọng với một doanh nghiệp Nhà nước lớn như Tập đoàn, nên chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu, thực hiện một cách hết sức thận trọng. Cách tốt nhất là nên thuê đơn vị tư vấn như đã nêu trên. Hiện trên thị trường có không ít các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực này, từ đó dẫn đến nhiều cách tiếp cận chuyển đổi số khác nhau. Nếu lựa chọn không phù hợp, sẽ dẫn đến không đạt được mục tiêu là nâng cao, tăng hiệu suất cho Tập đoàn, tốn kém chi phí, công sức thực hiện…
Do đó, Tập đoàn sẽ chia bước thuê tư vấn thành hai gói riêng biệt, gói tư vấn tổng thể và gói thực hiện. Mục tiêu nhằm hạn chế khả năng đơn vị tư vấn đưa ra những phương thức, công cụ chuyển đổi số họ có thể sẵn có, đã, đang sử dụng trước đây, dẫn đến hệ quả khiên cưỡng, không phù hợp với văn hóa, hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên khi thực hiện. Vì thế, Tập đoàn đang trong giai đoạn triển khai gói tư vấn để chọn đơn vị xây dựng một kịch bản tổng thể, trước khi triển khai gói thực hiện. Sẽ có nhiều bước thảo luận trước khi Tập đoàn chọn ra được kịch bản tổng thể phù hợp sau cùng. Khi chọn được, Tập đoàn sẽ có các bước chọn đơn vị thực hiện chuyển đổi số theo kế hoạch đã thông qua.
Cùng với nội dung trên, định hướng chung của Tập đoàn về thực hiện công tác chuyển đổi số sẽ bao gồm, xây dựng chương trình nâng cao nhận thức cho tất cả nhân sự các cấp, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, nâng cao năng lực đội ngũ ứng dụng công tác chuyển đổi số tại Tập đoàn. Đối với các đơn vị thành viên, Tập đoàn sẽ thúc đẩy các đơn vị chủ động đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào trong công tác kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh việc số hóa dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất và ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số làm động lực tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, sẽ yêu cầu các đơn vị này đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT tốt nhất có thể để sẵn sàng phục vụ tốt cho công tác chuyển đối số.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
TRẦN HUỲNH (thực hiện)
Related posts:
- Phát minh một vật liệu giống cao su
- Hiệu quả từ phong trào “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”
- Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh khai thác trên 2.100 ha cao su năm 2023
- “Các công ty cao su tại Lào có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra”
- Cao su Krông Buk – Ratanakiri: Triển vọng trở thành điểm sáng về mặt năng suất, sản lượng khu vực Ca...
- Gỗ Thuận An đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử
- "Đa số người lao động đều thuộc các bài hát về ngành cao su sau Liên hoan"
- Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương: Tăng cường thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xu...
- "Hội thi Bàn tay vàng là nét đẹp văn hóa truyền thống và mang tính biểu tượng của ngành cao su"
- Cao su Sơn La tập huấn khai thác mủ