CSVN – Là vợ chồng, là đồng nghiệp, nhiều đôi vợ chồng công nhân cao su đã cùng nhau nỗ lực, phấn đấu để đạt được những thành tích trong nghề nghiệp. Họ cùng nhau tranh tài trong Hội thi Bàn tay vàng (BTV) thu hoạch mủ cao su lần thứ XIII và cùng nhau giành “vàng”. Những niềm vui, hạnh phúc đó được chúng tôi ghi nhận qua câu chuyện của các cặp đôi trong Lễ tổng kết và trao giải Hội thi.
Tự hào khi đóng góp vào thành tích chung của đội
Đối với chúng tôi, vợ chồng anh Huỳnh Công Tráng và chị Phạm Thị Đủ – Công nhân khai thác Công ty CP Đầu tư phát triển Cao su Phú Thịnh không quá xa lạ bởi anh chị là thợ giỏi có nhiều lần tham dự Hội thi BTV cấp ngành. Tính cả năm 2022, vợ chồng anh chị đã 3 lần tranh tài ở đấu trường lớn này. Năm 2018 khi mới lần đầu dự thi, chị Đủ đã xuất sắc đạt giải ba cá nhân. Năm 2020 chị tiếp tục dự thi nhưng chưa đạt giải. Chị chia sẻ: “Tôi rất háo hức và muốn đi thi BTV, nhất là năm 2018 không đạt danh hiệu gì thì quyết tâm này càng cao hơn nữa. Do đó, tôi quyết tâm tập luyện thật tốt, dự thi đạt giải cao ở Hội thi cấp nông trường, công ty để được chọn vào đội thợ giỏi đi thi cấp ngành”.
Còn anh Tráng, năm 2016 khi từ một người “tay ngang” vào làm công nhân cao su tại công ty đã được chọn đi thi BTV và đạt được danh hiệu Kiện tướng, năm 2020 anh đạt danh hiệu BTV và lần thi này cả hai vợ chồng đều giành “vàng” khi đạt điểm tuyệt đối. Anh chia sẻ: “Khi nghe công bố điểm của đơn vị, ai cũng hồi hộp hết, và rồi vỡ òa trong niềm vui mừng của toàn đội. Thành tích này là nhờ sự huấn luyện của Ban huấn luyện và quan tâm của lãnh đạo công ty đã rất chu đáo trong việc hỗ trợ đi lại, các chế độ lương, thưởng để chúng tôi yên tâm rèn luyện. Quả thật, lần này cả hai vợ chồng đều đạt danh hiệu BTV, niềm vui của chúng tôi lại được nhân đôi hơn nữa và tự hào khi có cống hiến vào thành tích chung của đội”.
Để chuẩn bị chu đáo cho Hội thi, công ty đã “rèn quân” trong 40 ngày. Khoảng thời gian đó, anh chị đầu tuần về Phú Riềng để tập luyện và cuối tuần về nhà, cứ như vậy trong hơn 1 tháng. Chị cho biết: “May mắn của vợ chồng mình đó là con cái lớn rồi nên cháu ở nhà tự lo được, bố mẹ yên tâm đi luyện. Thêm vào đó, mức lương hàng tháng cũng được công ty trả bằng với lương công nhân có thu nhập cao nhất trong tổ (hai vợ chồng nhận được hơn 18 triệu đồng/người/tháng) nên điều đó càng khích lệ, động viên chúng tôi phải đạt kết quả tốt nhất. Làm công nhân cao su vất vả thì có vất vả nhưng quan trọng là cả hai vợ chồng tôi đều đam mê và yêu nghề nên gắn bó dài lâu”. Bật mí về tiền thưởng của Hội thi, anh Tráng cho hay: “Tiền thưởng Hội thi BTV và tiền thưởng Tết là hai vợ chồng tôi để dành, tích cóp để sau này mua miếng rẫy”.
Quyết tâm không để “trắng tay”
Từ nước bạn Lào xa xôi, Cao su Quasa – Geruco năm nay cử một đoàn thợ giỏi tham gia giải đồng đội. Trong số 6 thợ giỏi về Việt Nam có hai vợ chồng anh Vong Pheth và chị Baykham Asay đã có cơ hội dự thi BTV cấp ngành 2 lần trước đó. Tuy nhiên may mắn vẫn chưa mỉm cười khi anh chị đều chưa đạt danh hiệu gì. Năm 2020, khi dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, anh chị đành gác lại chuyện thi cử. Lần này khi trở về Việt Nam tham gia Hội thi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, anh chị vẫn thấy hồi hộp và có chút lo lắng. Chị Baykham Asay tâm tình: “Tuy đã có kinh nghiệm dự thi ở hai lần trước đó, tuy nhiên tôi biết các anh chị tham gia Hội thi này đều là thợ giỏi, có nhiều năm công tác trong ngành, do đó so với một đơn vị mới và ở nước ngoài như chúng tôi thì các anh chị có trình độ chuyên môn lành nghề hơn”.
Trước khi khăn gói “xuất ngoại”, anh chị quyết tâm không để “trắng tay” trở về. Anh Vong Pheth nói: “Bộ đề thi lý thuyết được Ban tổ chức dịch ra tiếng Lào nên chúng tôi hoàn thành phần lý thuyết rất dễ dàng. Tới phần thi thực hành, chúng tôi cũng rất quyết tâm hoàn thành 100 cây trong thời gian sớm nhưng cũng phải đảm bảo được kỹ thuật. Thật tình là hai vợ chồng mừng lắm vì trong 3 thợ giỏi đạt danh hiệu Kiện tướng tại Hội thi thì có tên của hai vợ chồng. Lúc được thông báo, không thể nào tả được cảm xúc lúc đó, hai vợ chồng bảo nhau là lần này đi có thành tích đem về rồi. Nếu lần sau có cơ hội tham gia, vợ chồng chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt giải cao hơn”.
Chia sẻ về công việc, anh chị cho biết cả hai vợ chồng mỗi tháng thu nhập được khoảng 15 triệu đồng. Mức thu nhập đó anh chị dành chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, nuôi hai con nhỏ. Chị chia sẻ: “Làm công nhân cao su cũng không vất vả gì, nhờ làm cao su mà vợ chồng tôi mua được xe máy và cất được nhà ở. Đặc biệt là nhờ làm cao su thì chúng tôi mới có những chuyến đi ý nghĩa như thế này, được giao lưu và gặp gỡ với đồng nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi rất trân quý những phút giây như thế này”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Công nhân giỏi mê làm kinh tế
- Lò Thị Nết - gương mẫu, tận tụy với công việc
- Nhà truyền thống công nhân Cao su Dầu Tiếng: gìn giữ những hiện vật quý trong quá trình xây dựng và ...
- Người lao động kỳ vọng gì trước đại hội?
- Nhiều quốc gia điển hình trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới
- Phát động cuộc thi viết về "Ký ức người lính"
- Cao su Bình Long: Phát triển bền vững vì môi trường và cộng đồng
- Cao su Chư Păh: Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động
- VRG và Báo Người Lao Động giao lưu bóng đá
- "Hành trang là ý chí thoát nghèo"