CSVN – Mặc dù chỉ hơn 1 năm VRG hợp tác với Oxfam Campuchia, nhưng bằng sự nỗ lực của hai bên đã đem lại nhiều thành quả tích cực. Qua đó, góp phần xây dựng và triển khai chương trình phát triển bền vững dài hạn của Tập đoàn, với nhiệm vụ kết nối và phát triển cộng đồng giữ vai trò then chốt. VRG được đánh giá là doanh nghiệp tiên phong phát triển cao su bền vững ở Campuchia.
Triển khai rộng khắp chương trình kết nối cộng đồng
VRG có địa bàn hoạt động rộng lớn ở tiểu vùng Mê Kông. Tập đoàn không những đóng góp quan trọng trong việc phát triển ngành cao su, đến quản lý rừng bền vững mà còn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, môi trường và xã hội của các cộng đồng dân cư nơi VRG hoạt động cũng như ở các thị trường tiêu thụ.
Trong nỗ lực để hiện thực hóa những mong muốn và cam kết đối với phát triển bền vững (PTBV), VRG xác định chương trình kết nối cộng đồng (KNCĐ) là một trong những khâu then chốt để giúp Tập đoàn có thể tiếp cận được sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn và thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động nhằm đảm bảo các cam kết của doanh nghiệp trong kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Chia sẻ về triển khai chương trình phát triển bền vững dài hạn của Tập đoàn ở Campuchia, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG cho biết, trong thời gian qua được sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam Việt Nam và Campuchia, Tập đoàn đã có những kết quả nhất định. Tháng 4/2021, Tập đoàn đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Oxfam Campuchia và Văn phòng đại diện của VRG tại Campuchia về việc hợp tác 3 bên thực hiện sổ tay kết nối cộng đồng, áp dụng “Hướng dẫn tự nguyện về giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội đối với đầu tư nông nghiệp tại tiểu vùng Mê Kông”; thực hiện nghiên cứu liên quan đến giới tính (phụ nữ) tại nơi làm việc.
“Mặc dù chỉ mới trải qua hơn 1 năm hợp tác với Oxfam tại Campuchia, bằng sự nỗ lực của các bên, việc hợp tác đã đem lại nhiều thành quả rất đáng khích lệ, như: Đã xây dựng thành công và ban hành Sổ tay hướng dẫn kết nối cộng đồng trong quản lý rừng cao su bền vững tại Campuchia và được phiên dịch và in ấn thành nhiều ngôn ngữ khác nhau phù hợp cho từng đối tượng. Sổ tay được xây dựng không chỉ đáp ứng các quy định của nước sở tại, phù hợp với chính sách của các tổ chức cấp chứng chỉ rừng quốc tế mà còn lồng ghép một số các nguyên tắc FPIC (Đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, có trước và được thông tin đầy đủ)” – ông Trương Minh Trung, cho biết.
Bên cạnh đó, Oxfam Campuchia cùng với các chuyên gia đã hỗ trợ triển khai một loạt các hoạt động về KNCĐ phù hợp và bình đẳng giới, như: rà soát hồ sơ, triển khai Tập huấn, tham vấn cộng đồng cho 3 công ty thí điểm (Cao su Chư Sê Kampong Thom, Đồng Nai Kratie và Krông Buk Ratanakiri). Với những hoạt động trên đã đưa sổ tay KNCĐ vào áp dụng thực tế, từ đó đúc kết kinh nghiệm, đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt, nhân sự phụ trách cộng đồng có kỹ năng, kinh nghiệm ngày càng tốt hơn, tạo được sự lan tỏa trong toàn Tập đoàn.
Nhiều cơ hội trên con đường phát triển bền vững dài hạn
Với nhận thức rõ về những xu hướng phát triển quan trọng của thế giới, các yêu cầu của thị trường và ý thức về vai trò quan trọng đối với xã hội, Tập đoàn đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh, cam kết với các trách nhiệm xã hội nhằm phát triển ngành cao su bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho các cộng đồng nơi VRG hoạt động.
Tại hội thảo tham vấn “Xây dựng nội dung hợp tác giữa VRG và Oxfam Campuchia trong chương trình Quản trị đất đai tiểu vùng Mê Kông giai đoạn III”, vào ngày 17/10, do Oxfam Campuchia chủ trì, bà Sophoan Phean – Giám đốc Oxfam Campuchia, nhận định, VRG đã đầu tư nhiều kinh phí cho các hoạt động an sinh xãhội hướng đến NLĐ và cộng đồng địa phương. Các kênh thông tin nội bộ đã được triển khai và duy trì tương đối tốt.
Trong thời gian tới, VRG và Oxfam Campuchia sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ vì mục tiêu PTBV của doanh nghiệp và phát triển của cộng đồng, xã hội. VRG có nhiều cơ hội trên con đường PTBV dài hạn, cụ thể: Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), Hiệp định thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA). Cơ hội hợp tác giữa các tổ chức xã hội, NGOs với các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy, hỗ trợ và giám sát thực thi các cam kết, nguyên tắc bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.
“Kinh nghiệm đúc rút thời gian qua cho thấy, với 3 công ty đã tham gia thí điểm ở Campuchia, tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa tầm nhìn chiến lược PTBV của công ty. Từ đó tích hợp các nội dung về KNCĐ trong các chính sách, kế hoạch SXKD một cách phù hợp với mục tiêu và lộ trình thực hiện chiến lược PTBV, chứng chỉ rừng của công ty. Nên rà soát lại và xây dựng chương trình hoạt động KNCĐ với tầm nhìn dài hạn hơn và có sự gắn kết với các phân tích tác động xã hội môi trường và hài hòa với các mục tiêu PTBV. Cụ thể các hoạt động KNCĐ trong kế hoạch hàng năm của công ty. Quan tâm hơn nữa đến việc đánh giá tác động từ hoạt động KNCĐ của công ty” – Bà Sophoan Phean, nhận định.
Với những kết quả tích cực đã đạt được, VRG sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động tới tất cả các công ty thành viên đầu tư tại Campuchia. Trong giai đoạn 2023 – 2025, VRG và Oxfam Campuchia sẽ thiết kế các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ các công ty với mục tiêu kinh doanh có trách nhiệm và bền vững, tuân theo các nguyên tắc toàn cầu.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- VRG đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
- Tập trung nguồn lực để phát huy thế mạnh khu công nghiệp
- Khối Thi đua số VII vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch
- “Quốc hội, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục hỗ trợ để các công ty cao su tại Lào hoàn thà...
- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn và bền vững
- Đất và người ở Sơn La
- Sức trẻ tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19
- "Thị trường cao su năm 2022 trở đi tương đối thuận lợi"
- Khẳng định thương hiệu Gỗ Thuận An qua 15 năm
- Nâng thu nhập người lao động là ưu tiên hàng đầu