Ngỡ ngàng về sự đổi thay ở Đội Thanh niên cao su Sa Thầy

CSVN – Trở lại Đội sản xuất Cao su Thanh niên của Cao su Sa Thầy hay còn có tên gọi khác là Làng Thanh niên lập nghiệp ở xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum sau 12 năm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay nơi vùng biên giới.

Nghề cạo mủ đang là đích đến của nhiều thanh niên đồng bào dân tộc phía Bắc xin vào làm công nhân ở Đội Cao su Thanh niên
Lấy sfíc trẻ chinh phục nơi đất khó

Cái nóng của tháng 3 nơi vùng biên giới ở Làng Thanh niên lập nghiệp thật khó chịu, bởi mới hơn 8 giờ sáng nóng đã rát bỏng. Trùm kín khuôn mặt trong lớp khẩu trang vải, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến quê ở Lâm Đồng – Công nhân tổ 2, một trong những người đầu tiên đến vùng biên lập nghiệp cho hay: “Ngày mới đến không điện, không thông tin liên lạc, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Những lúc ốm đau, anh em trong làng vừa là bác sĩ, vừa là người thân, tự chăm sóc nhau, chỉ khi nào bệnh nặng mới nhờ bệnh xá của Bộ đội Biên phòng. Cuộc sống vô cùng khó khăn và thiếu thốn, nhưng được cái anh em đùm bọc nhau”.

Khi mới đến, chị Yến mới 24 tuổi, một độ tuổi còn rất sung mãn và đầy nhiệt huyết, hoài bão của tuổi trẻ mang sức mình để thay đổi cuộc sống của bản thân, không nghĩ mình sẽ đến lập nghiệp ở một nơi không gì cả ngoài khó khăn, vất vả.

Gian nan những ngày đầu

Thế rồi, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Công ty CP Cao su Sa Thầy chị Yến quyết định ở lại, gắn bó với công việc trồng và chăm sóc cao su. Nhớ lại thời gian đầu, chị Yến chia sẻ: “Một mình nơi xứ lạ, không người thân, không sóng điện thoại, không giao thông, không chợ và không trường học, tôi phải để con ở với ông bà ngoại. Nhiều khi nhớ con, muốn về thăm nhưng thấy cảnh mùa nắng thì bụi ngập đầu, mùa mưa làng biến thành ốc đảo, ra không được mà vào cũng không xong. Có khi, làng bị cô lập cả tháng trời, mỗi lần mưa to đất đỏ vỡ ra nhão nhoét không tài nào đi được…nên thôi”.

Nhắc đến những khó khăn của thuở ban đầu, chị Lê Thị Nhung – Công nhân tổ 1, là lớp người đầu tiên xây dựng nên Đội Thanh niên ngao ngán thốt lên; “Ôi trời, kể sao cho hết được. Bởi cái gì cũng khó, đụng đâu cũng thiếu, chỉ có mỗi sự lạc quan, yêu đời là luôn đầy ắp. Ngày ấy, cả làng chỉ có cái lán rộng chừng hơn 50m², được ngăn làm hai, một bên cho nam, một bên cho nữ. Anh em vừa phải đảm nhận công việc trồng và chăm sóc cao su, vừa tranh thủ mở đường đi, san nền làm nhà”.

Với quyết tâm bám lô, bám đội cùng niềm tin, khát vọng vươn lên trong cuộc sống của sức trẻ, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã làm nên điều kỳ diệu để vượt mọi khó khăn thử thách đã xây dựng, kiến thiết quê hương thứ hai vững vàng nơi biên giới.

Anh Nông Văn Nghĩa – Đội trưởng Đội sản xuất Cao su Thanh niên hướng dẫn chị Nguyễn Thị Ngọc Yến và chị Y Nông thiết kế bảng cạo
Thay da đổi thịt trên quê hương thứ hai

Đất không phụ công người, những vườn cao su do Làng Thanh niên trồng đã bắt đầu cho khai thác mủ như trả công cho những năm tháng vất vả, nỗ lực của các thanh niên trong làng. Với 4 – 5ha cao su khai thác nhận khoán, lương bình quân của mỗi công nhân khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các gia đình ở đây đã biết tận dụng và phát huy lợi thế tài nguyên dưới tán rừng, họ tích cực, chịu khó tăng gia sản xuất với những cây trồng như khoai mì, điều…và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm nên cuộc sống hiện nay rất khấm khá.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phùng Văn Hào – Chủ tịch Công đoàn Đội Thanh niên cho biết: “Mỗi công nhân được giao khoán 4 – 5ha cao su, ngoài ra, anh em còn tận dụng các bờ lô, hợp thủy để trồng thêm bắp, mì, điều, bời lời… Với quỹ đất rộng, các gia đình ở đây chăn nuôi thêm bò, dê, nhà ít thì 2-3 con, nhà nhiều có tới vài chục con nên cũng có chút của ăn của để”.

Theo lời mời của chị Yến, chúng tôi tranh thủ ghé thăm gia đình chị vào buổi trưa. Căn nhà gỗ khá trang trang, kiên cố nằm phía sau văn phòng đội chừng hơn cây số. Không khí trong nhà khá nhộn nhịp với việc buôn bán đồ ăn vặt, trà sữa do chính tay chị Yến làm.

Một góc Làng Thanh niên hiện nay

Như một người của công việc, chị Yến luôn chân luôn tay không lúc nào nghỉ, vừa làm nước uống cho khách xong, chị lại vội vàng ra sau nhà cho đàn lợn rừng lai ăn. Chị Yến chia sẻ: “Đàn lợn lai này đã giúp gia đình chúng tôi củng cố và phát triển kinh tế rất tốt, mỗi năm sinh sản được 2 – 3 lứa, mỗi lứa tầm 30 con. Bên cạnh đó, tôi còn nuôi thêm gà, vịt, bò và bán đồ ăn vặt, mỗi năm thu nhập cũng được gần 200 triệu đồng”.

Cũng như chị Yến, chị Y Nông ở huyện Đăk Glei – Kon Tum vào làm công nhân của đội gần chục năm giờ cũng có kinh tế gia đình ổn định, ngoài việc trồng thêm điều ở các bờ lô, hợp thủy thì chồng chị Nông còn mua thêm máy kéo để phục vụ công tác phun thuốc phấn trắng cho đội, vận chuyển mủ và phân bón…

Trong câu chuyện về kinh tế gia đình, anh Trịnh Quốc Hoạt – Tổ trưởng tổ 1 cho biết: “Hầu hết các hộ gia đình trong làng đều giống nhau, ngoài mắm muối ra thì gần như không phải mua cái gì hết. Trồng lúa đủ gạo ăn quanh năm, gà, heo trong chuồng, rau, măng ở ngoài vườn. Như một thông lệ, lớp thanh niên đến trước dẫn lớp thanh niên đến sau, họ đã cùng nhau xây dựng Làng Thanh niên trở nên nhộn nhịp, đông đúc”.

Mô hình nuôi heo rừng lai kết hợp với gà, vịt đã giúp kinh tế gia đình chị Yến ngày càng khấm khá hơn

Giờ đây, đến Đội Cao su Thanh niên nhắc đến những gương mặt điển hình, tiêu biểu trong làm kinh tế gia đình có thể kể tên hàng loạt con người, nhưng khi nhắc đến các mô hình kinh tế gia đình để làm gương sáng cho người khác, theo anh Nghĩa có thể nhắc đến gia đình chị Vũ Thị Quyên, Nguyễn Thị Hồng ở tổ 1 hay chị Nguyễn Thị Thương ở tổ 2…Những mô hình kinh tế này giờ không còn của mỗi cá nhân mà đã trở thành phong trào làm kinh tế gia đình ở đội cao su vùng biên.

Đội Cao su Thanh niên hiện đang quản lý 383,5 ha, được chia làm 2 tổ sản xuất với tổng số lao động 71 người. Đây là đơn vị sản xuất xa nhất công ty, diện tích nằm dọc theo đường tuần tra biên giới.Không còn vẻ hoang sơ ngày nào, Đội sản xuất Cao su Thanh niên nơi vùng biên giới huyện Ia H’Drai giờ đã đổi khác. Đội đã khoác lên mình một diện mạo mới, giữa màu xanh bạt ngàn của cao su là những công trình xây dựng kiên cố như điểm trường tiểu học, trạm y tế, đường bê tông… Điện lưới quốc gia đã đến từng nhà, sóng điện thoại được phủ kín. Những ngôi nhà xây san sát nhau, trong nhà các gia đình nào cũng có đầy đủ tiện nghi, những gia dụng hiện đại phục vụ đời sống như tivi, tủ lạnh, máy giặt…

GIA LINH